SlideShare a Scribd company logo
1 of 197
BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
TRƯỜNG ĐẠI HỌC LUẬT TP.HỒ CHÍ MINH
VÕ SỸ MẠNH
VI PHẠM CƠ BẢN HỢP ĐỒNG THEO CÔNG ƯỚC VIÊN NĂM 1980
VỀ HỢP ĐỒNG MUA BÁN HÀNG HÓA QUỐC TẾ VÀ ĐỊNH HƯỚNG
HOÀN THIỆN CÁC QUY ĐỊNH CÓ LIÊN QUAN CỦA PHÁP LUẬT
VIỆT NAM
CHUYÊN NGÀNH: LUẬT KINH TẾ
MÃ SỐ: 62.38.50.01
LUẬN ÁN TIẾN SĨ LUẬT HỌC
Người hướng dẫn khoa học: GS. TS. NGƯT MAI HỒNG QUỲ
TP.HỒ CHÍ MINH - 2015
LỜI CAM ĐOAN
Tôi xin cam đoan đây là công trình nghiên cứu
của riêng tôi. Các số liệu nêu trong luận án là
trung thực. Kết quả nghiên cứu nêu trong luận án
chưa từng được ai công bố trong bất kỳ công
trình nào khác.
Tác giả luận án
Võ Sỹ Mạnh
DANH MỤC NHỮNG TỪ VIẾT TẮT
Từ viết tắt Tiếng Anh Tiếng Việt
Công ước Viên Công ước Viên năm 1980 của Liên
Hợp quốc về hợp đồng mua bán
hàng hóa quốc tế
CIETAC China International
Economic and Trade
Arbitration Commission
Ủy ban trọng tài thương mại và
kinh tế quốc tế Trung Quốc
Hợp đồng
MBHHQT
Hợp đồng mua bán hàng hóa quốc
tế
PICC Principles of International
Commercial Contract
Những nguyên tắc hợp đồng
thương mại quốc tế của
UNIDROIT
PECL Principles of European
Contract Law
Những nguyên tắc Luật hợp đồng
châu Âu
TNHH Trách nhiệm hữu hạn
ULIS Uniform Law on the
International Sale of
Goods 1964
Luật thống nhất về mua bán hàng
hóa quốc tế năm 1964
ULF Uniform Law on the
Formation of Contracts for
the International Sale of
Goods 1964
Luật thống nhất về giao kết hợp
đồng mua bán hàng hóa quốc tế
năm 1964
UNCITRAL United Nations
Commission on
International Trade Law
Ủy ban về luật thương mại quốc tế
của Liên hợp quốc
UNIDROIT Insitut International pour
l`Unification des Droits
Privé
Viện Thống nhất Tư pháp Quốc tế
i
MỤC LỤC
LỜI MỞ ĐẦU 1
Chương 1. Tổng quan về tình hình nghiên cứu, cơ sở lý thuyết và phương
pháp nghiên cứu
7
1.1. Tổng quan tình hình nghiên cứu 7
1.2. Cơ sở lý thuyết của đề tài 15
1.3. Phương pháp nghiên cứu 18
Chương 2. Những vấn đề lý luận về vi phạm cơ bản hợp đồng mua bán
hàng hóa quốc tế
20
2.1. Hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế: khái niệm và đặc điểm 20
2.2. Vi phạm cơ bản hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế: khái niệm và đặc
điểm
28
2.3. Cơ chế pháp luật điều chỉnh về vi phạm cơ bản hợp đồng mua bán hàng
hóa quốc tế
46
Kết luận Chương 2 52
Chương 3. Các yếu tố cấu thành tính cơ bản của vi phạm hợp đồng theo
Công ước Viên
53
3.1. Vi phạm cơ bản hợp đồng theo Công ước Viên (có so sánh với pháp luật
Việt Nam)
53
3.2. Quy định và thực tiễn xác định yếu tố cấu thành tính cơ bản của vi phạm
hợp đồng theo Công ước Viên
60
Kết luận Chương 3 86
Chương 4. Chế tài do vi phạm cơ bản hợp đồng theo Công ước Viên 95
4.1. Khái quát về chế tài do vi phạm cơ bản hợp đồng theo Công ước Viên (có
so sánh với pháp luật Việt Nam)
95
4.2. Quy định và thực tiễn áp dụng chế tài do vi phạm cơ bản hợp đồng theo
Công ước Viên
100
Kết luận chương 4 126
Chương 5. Định hướng hoàn thiện quy định về vi phạm cơ bản hợp đồng
trong pháp luật Việt Nam
127
5.1. Một số bất cập của quy định và thực tiễn áp dụng quy định về vi phạm cơ 127
ii
bản trong pháp luật Việt Nam
5.2. Định hướng hoàn thiện quy định của pháp luật Việt Nam về vi phạm cơ
bản hợp đồng
153
5.3. Một số giải pháp cụ thể sửa đổi, bổ sung quy định về vi phạm cơ bản hợp
đồng trong pháp luật Việt Nam
161
Kết luận Chương 5 173
KẾT LUẬN 175
DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO 177
NHỮNG CÔNG TRÌNH LIÊN QUAN TỚI LUẬN ÁN ĐÃ CÔNG BỐ
1
LỜI MỞ ĐẦU
1. Tính cấp thiết của đề tài
Luật Thương mại được Quốc hội Khóa XI, kỳ họp thứ 7 thông qua ngày
14/6/2005 (sau đây gọi tắt là Luật Thương mại) và chính thức có hiệu lực từ ngày
1/1/2006, thay thế Luật Thương mại năm 1997. Phải thừa nhận một điều rằng, những
người soạn thảo Luật Thương mại đã rất cố gắng trong việc khắc phục những điểm
chưa phù hợp của Luật Thương mại năm 1997 và đặc biệt là đưa vào Luật Thương mại
nhiều khái niệm, quy định mới nhằm điều chỉnh một số loại hình hoạt động thương
mại mà trước đây Luật Thương mại năm 1997 chưa đề cập tới, ví dụ: mua bán hàng
hóa qua sở giao dịch hàng hóa, nhượng quyền thương mại, logistic, tạm ngừng thực
hiện, đình chỉ thực hiện hợp đồng…
Cũng cần nhấn mạnh thêm rằng, Luật Thương mại có nhiều quy định tốt hơn,
có nhiều điểm mới hơn Luật Thương mại năm 1997. Tuy nhiên, khi xem xét, nghiên
cứu kỹ Luật Thương mại, có thể thấy bên cạnh những điểm mới còn có một số khái
niệm, quy định cần phải được lý giải và làm sáng rõ hơn và một trong số đó là khái
niệm “vi phạm cơ bản” nghĩa vụ hợp đồng với ý nghĩa là căn cứ để áp dụng một số
chế tài do vi phạm hợp đồng thương mại.
Theo quy định tại khoản 13 Điều 3 Luật Thương mại thì vi phạm cơ bản là “sự
vi phạm hợp đồng của một bên gây thiệt hại cho bên kia đến mức làm cho bên kia
không đạt được mục đích của việc giao kết hợp đồng”. Vi phạm cơ bản nghĩa vụ hợp
đồng là cơ sở pháp lý quan trọng để áp dụng các chế tài trong thương mại, như chế tài
tạm ngừng thực hiện hợp đồng, chế tài đình chỉ thực hiện hợp đồng hoặc chế tài hủy
bỏ hợp đồng khi các bên trong hợp đồng không có thỏa thuận về điều kiện áp dụng ba
chế tài này [40, Điều 308, 310, 312]. Tuy nhiên, Luật Thương mại còn thiếu nhiều quy
định có tính hướng dẫn để làm rõ hơn về khái niệm này. Bên cạnh đó, theo Điều 4
Luật Thương mại, trong trường hợp Luật Thương mại hoặc luật chuyên ngành không
quy định thì áp dụng quy định của Bộ luật dân sự [40, Điều 4]. Song, Bộ luật dân sự
năm 1995 cũng như năm 2005 cũng không quy định về vi phạm cơ bản hợp đồng và
các văn bản dưới luật của Việt Nam hiện hành cũng không có quy định hướng dẫn về
vấn đề này. Đây thực sự là những bất cập của pháp luật Việt Nam. Những bất cập này
nếu không được loại bỏ hay sửa đổi thì việc áp dụng ba chế tài nói trên khó có tính khả
thi. Và như vậy thì sẽ dẫn đến một thực tế là quy định “vi phạm cơ bản hợp đồng” sẽ
2
khó được áp dụng trong thực tiễn, thậm chí trao cho tòa án, trọng tài thẩm quyền lớn
trong việc xác định có hay không có vi phạm cơ bản hợp đồng.
Trong khi đó, “vi phạm cơ bản hợp đồng” là một chế định pháp luật được sử
dụng trong Công ước Viên. Được ký kết vào năm 1980, có hiệu lực từ năm 1988, đến
nay đã có 83 quốc gia tham gia [170], Công ước Viên được xem là nguồn luật thống
nhất về hợp đồng MBHHQT, đã dung hòa được quan điểm của các quốc gia theo hệ
thống luật Civil Law và Common Law về vấn đề này. Công ước Viên cũng được các
nhà soạn thảo Luật Thương mại “tham khảo” và “căn cứ các nguyên tắc của Công
ước” [62, tr.11; 5] nhằm khắc phục sự “chưa tương thích của Luật Thương mại với
điều ước đã được thừa nhận rộng rãi trên thế giới như Công ước Viên”[62, tr.2; 5].
Điều 25 Công ước Viên quy định “Vi phạm hợp đồng do một bên gây ra là cơ
bản nếu vi phạm đó gây tổn hại cho bên kia đến mức tước đi đáng kể những gì bên kia
có quyền kỳ vọng từ hợp đồng, trừ khi bên vi phạm không tiên liệu được và một người
có lý trí cũng không tiên liệu được hậu quả đó nếu họ ở vào địa vị và hoàn cảnh tương
tự”. Tương tự Luật Thương mại, Công ước Viên cũng không đưa ra sự giải thích cụ
thể để xác định hành vi vi phạm như thế nào bị coi là vi phạm cơ bản. Tuy nhiên, trải
qua hơn 30 năm tồn tại, thực tiễn giải quyết tranh chấp về hợp đồng MBHHQT có liên
quan đến vi phạm cơ bản hợp đồng, các tòa án và trọng tài tại các quốc gia thành viên
Công ước Viên đã, căn cứ vào từng tình huống cụ thể, xác định có hay không có một
sự vi phạm cơ bản hợp đồng để làm cơ sở áp dụng chế tài hủy hợp đồng, yêu cầu thay
thế hàng hóa…theo Công ước Viên. Vấn đề đặt ra là chế định vi phạm cơ bản hợp
đồng trong Công ước Viên đặt ra những vấn đề gì trong thực tiễn áp dụng?. Việt Nam
học được gì từ những quy định và vận dụng của tòa án, trọng tài một số quốc gia thành
viên của Công ước Viên về vi phạm cơ bản hợp đồng và Việt Nam phải đối mặt với
vấn đề gì khi không sửa đổi để hoàn thiện quy định về vi phạm cơ bản hợp đồng?
Để trả lời được những câu hỏi này, cần phải có sự nghiên cứu kỹ những quy
định về vi phạm cơ bản trong Công ước Viên. Đó là lý do để Nghiên cứu sinh chọn
vấn đề “Vi phạm cơ bản hợp đồng theo quy định của Công ước Viên năm 1980 về
hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế và định hướng hoàn thiện các quy định có liên
quan của pháp luật Việt Nam” làm đề tài Luận án Tiến sĩ Luật học của mình.
2. Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu
2.1. Mục đích nghiên cứu
Mục đích nghiên cứu của đề tài là trên cơ sở phân tích những vấn đề lý luận và
thực tiễn liên quan đến các quy định về vi phạm cơ bản hợp đồng trong Công ước Viên
3
(có so sánh với pháp luật Việt Nam), đề tài đề xuất định hướng và giải pháp hoàn thiện
các quy định của pháp luật Việt Nam về vi phạm cơ bản hợp đồng nhằm, một mặt, tạo
sự phù hợp giữa pháp luật Việt Nam và Công ước Viên, mặt khác tạo cơ sở pháp lý
thuận lợi và dễ áp dụng cho các doanh nghiệp Việt Nam trong giao kết và thực hiện
hợp đồng, cho các cơ quan giải quyết tranh chấp của Việt Nam trong việc giải quyết
tranh chấp về hợp đồng MBHHQT khi phải áp dụng quy định về vi phạm cơ bản.
2.2. Nhiệm vụ nghiên cứu
Để thực hiện mục tiêu nói trên, luận án có các nhiệm vụ cụ thể sau đây:
- Làm rõ những vấn đề lý luận về hợp đồng MBHHQT, vi phạm cơ bản hợp
đồng MBHHQT;
- Phân tích, làm rõ quy định về vi phạm cơ bản theo Công ước Viên (có so sánh
với pháp luật Việt Nam) và thực tiễn xác định các yếu tố cấu thành tính cơ bản của vi
phạm hợp đồng theo Công ước Viên của tòa án, trọng tài một số quốc gia thành viên
Công ước;
- Phân tích, làm rõ quy định của Công ước Viên về chế tài do vi phạm cơ bản
(có so sánh với Việt Nam) và thực trạng vận dụng các chế tài này của tòa án, trọng tài
một số quốc gia thành viên Công ước;
- Phân tích những bất cập trong quy định và thực tiễn áp dụng quy định về vi
phạm cơ bản hợp đồng trong pháp luật Việt Nam;
- Đề xuất định hướng và giải pháp hoàn thiện quy định pháp luật có liên quan
của Việt Nam về vi phạm cơ bản hợp đồng để giúp các cơ quan giải quyết tranh chấp
thuận lợi trong việc áp dụng các chế tài khi có sự vi phạm cơ bản hợp đồng.
3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu
3.1. Đối tượng nghiên cứu
Đối tượng nghiên cứu của Luận án là những vấn đề liên quan đến vi phạm cơ
bản, là các quy định của Công ước Viên và của pháp luật Việt Nam về vi phạm cơ bản
hợp đồng, về các chế tài được áp dụng khi có sự vi phạm cơ bản hợp đồng. Đối tượng
nghiên cứu của Luận án là sự vi phạm hợp đồng từ phía người bán và người mua trong
hợp đồng mua bán hàng hóa nói chung, đặc biệt là trong hợp đồng MBHHQT. Đối
tượng nghiên cứu của Luận án còn bao gồm những án lệ, những vụ tranh chấp cũng
như thực tiễn xét xử của các tòa án và trọng tài của một số quốc gia là thành viên của
Công ước Viên liên quan đến việc áp dụng các quy định của Công ước Viên về vi
4
phạm cơ bản hợp đồng để giải quyết tranh chấp hợp đồng MBHHQT. Ngoài ra, đối
tượng nghiên cứu của Luận án còn bao gồm cả việc phân tích những khó khăn trong
việc áp dụng các quy định về vi phạm cơ bản của pháp luật Việt Nam so với các quy
định của Công ước Viên.
3.2. Phạm vi nghiên cứu
- Về nội dung: Như tên gọi của Công ước Viên là Công ước quốc tế điều chỉnh
hợp đồng MBHHQT, do đó, về phạm vi nghiên cứu, đề tài giới hạn ở việc phân tích vi
phạm cơ bản hợp đồng theo Công ước Viên trong mối quan hệ với khái niệm về vi
phạm cơ bản hợp đồng theo quy định của pháp luật Việt Nam nhưng chỉ đối với hợp
đồng mua bán hàng hóa nói chung và hợp đồng MBHHQT nói riêng.
Vi phạm cơ bản hợp đồng, bản thân nó, luôn gắn liền với việc áp dụng chế tài
hủy hợp đồng. Nói cách khác, phạm vi nghiên cứu về mặt nội dung của Luận án tiến sĩ
này là những vấn đề về vi phạm cơ bản hợp đồng MBHHQT theo Công ước Viên
trong mối quan hệ với việc áp dụng chế tài buộc thực hiện đúng hợp đồng bằng cách
yêu cầu giao hàng thay thế hoặc hủy bỏ hợp đồng khi người bán hoặc người mua vi
phạm hợp đồng. Theo quy định của Luật Thương mại, khi một bên có sự vi phạm cơ
bản, bên kia có quyền áp dụng cả chế tài hủy hợp đồng, chế tài đình chỉ thực hiện hợp
đồng, chế tài tạm ngừng thực hiện hợp đồng, do đó phạm vi nghiên cứu của Luận án
về nội dung còn bao gồm cả việc phân tích các quy định của pháp luật Việt Nam về vi
phạm cơ bản hợp đồng, đặc biệt là quy định của Luật Thương mại về vi phạm cơ bản
hợp đồng trong mối quan hệ với việc áp dụng các chế tài tạm ngừng thực hiện hợp
đồng, đình chỉ thực hiện hợp đồng, hủy bỏ hợp đồng.
- Về không gian: Khi nghiên cứu thực tiễn áp dụng quy định về vi phạm cơ bản
hợp đồng, Luận án phân tích thực tiễn và án lệ tòa án, trọng tài ở một số nước như
Đức, Pháp, Trung Quốc…là những nước đã gia nhập Công ước Viên.
- Về thời gian: Khi phân tích về những vấn đề phát sinh từ thực tiễn áp dụng
Công ươc Viên, Luận án lấy số liệu từ năm 1988, năm Công ước Viên có hiệu lực cho
đến nay.
4. Ý nghĩa khoa học và thực tiễn của đề tài
Về phương diện lý luận, luận án góp phần củng cố và hoàn thiện cơ sở lý luận
về vi phạm cơ bản trong pháp luật hợp đồng Việt Nam để các nhà lập pháp, các cơ
quan có thẩm quyền, các cán bộ nghiên cứu, các nhà kinh doanh vận dụng trong quá
trình thực hiện, giải quyết tranh chấp hay xây dựng và hoàn thiện pháp luật về vi phạm
cơ bản hợp đồng.
5
Về phương diện thực tiễn, những quan điểm và giải pháp hoàn thiện pháp luật
Việt Nam về vi phạm cơ bản hợp đồng được đề xuất trong luận án sẽ là tài liệu tham
khảo có giá trị cho các nhà lập pháp, cho các cơ quan có thẩm quyền trong việc hoàn
thiện các quy định của pháp luật Việt Nam về vi phạm cơ bản hợp đồng. Luận án cũng
là tài liệu tham khảo cho trọng tài, tòa án khi xem xét vi phạm cơ bản hợp đồng nhằm
áp dụng đúng các chế tài tạm ngừng thực hiện hợp đồng, đình chỉ thực hiện hợp đồng
và hủy bỏ hợp đồng. Luận án cũng là tài liệu tham khảo hữu ích cho các doanh nghiệp
Việt Nam khi soạn thảo hợp đồng mua bán hàng hóa nói chung và hợp đồng
MBHHQT nói riêng.
5. Những điểm mới của Luận án
- Luận án là công trình đầu tiên nghiên cứu có hệ thống và toàn diện cơ sở lý
luận và thực tiễn về vi phạm cơ bản hợp đồng MBHHQT theo Công ước Viên có so
sánh với pháp luật Việt Nam.
- Luận án đã phân tích, bình luận, đánh giá một cách khách quan về quy định và
thực tiễn vận dụng quy định về vi phạm cơ bản hợp đồng MBHHQT theo Công ước
Viên như xác định các yếu tố cấu thành tính cơ bản của vi phạm hợp đồng và chế tài
do vi phạm cơ bản hợp đồng để từ đó có cái nhìn cụ thể và đầy đủ hơn về quy định này
trong Công ước Viên và đặt nó trong mối quan hệ với các quy định về vi phạm cơ bản
theo pháp luật Việt Nam nhằm tìm ra những bất cập, những điểm chưa hợp lý trong
các quy định của pháp luật Việt Nam về vi phạm cơ bản.
- Luận án đã đưa ra kiến nghị về sửa đổi, bổ sung các quy định có liên quan của
pháp luật Việt Nam về vi phạm cơ bản, trên cơ sở chọn lọc các quy định có tính ưu
việt của Công ước Viên về cùng vấn đề nhằm nâng cao tính khả thi cho các quy định
của pháp luật Việt Nam về vi phạm cơ bản.
- Những đề xuất định hướng và giải pháp cụ thể của Luận án sẽ là cơ sở khoa
học cho việc hoàn thiện các quy định cúa pháp luật Việt Nam về vi phạm cơ bản hợp
đồng, từ đó góp phần tạo khung pháp luật phù hợp cho việc giao kết và thực hiện hợp
đồng mua bán hàng hóa của các doanh nghiệp và góp phần thuận lợi cho việc giải
quyết tranh chấp về hợp đồng mua bán hàng hóa nói riêng, hợp đồng thương mại nói
chung.
6. Kết cấu của Luận án
Ngoài Phần mở đầu, Kết luận và Danh mục tài liệu tham khảo, Luận án gồm 5
Chương:
6
Chương 1. Tổng quan về tình hình nghiên cứu, cơ sở lý thuyết và phương pháp
nghiên cứu.
Chương 2. Những vấn đề lý luận về vi phạm cơ bản hợp đồng mua bán hàng
hóa quốc tế
Chương 3. Các yếu tố cấu thành tính cơ bản của vi phạm hợp đồng theo Công
ước Viên.
Chương 4. Chế tài do vi phạm cơ bản hợp đồng theo Công ước Viên.
Chương 5. Định hướng hoàn thiện quy định về vi phạm cơ bản hợp đồng trong
pháp luật Việt Nam.
7
CHƯƠNG 1
TỔNG QUAN VỀ TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU, CƠ SỞ LÝ THUYẾT
VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU
Việc xác định vi phạm cơ bản hợp đồng luôn mang đến ảnh hưởng nhất định về
quyền lợi và nghĩa vụ đối với các bên và việc áp dụng các chế tài trong thương mại
như tạm ngừng thực hiện hợp đồng, đình chỉ thực hiện hợp đồng hay hủy bỏ hợp đồng.
Chính vì vậy, nội dung này được các nhà lập pháp, các nhà nghiên cứu và kể các các
bên trong quan hệ hợp đồng thương mại trong nước và ngoài nước đánh giá là vấn đề
quan trọng và cơ bản, luôn quan tâm để tìm ra phương hướng hoàn thiện.
1.1. Tổng quan tình hình nghiên cứu
1.1.1. Tình hình nghiên cứu ở trong nước
Ở Việt Nam, tính đến nay, chưa có công trình hay sách chuyên khảo nào nghiên
cứu một cách hệ thống, cụ thể về vi phạm cơ bản hợp đồng theo Công ước Viên. Mặc
dù vậy, các nghiên cứu đơn lẻ về vi phạm cơ bản hợp đồng cũng đã có, cụ thể:
Cuốn sách “Chế định hợp đồng trong Bộ luật dân sự Việt Nam” của tác giả
Nguyễn Ngọc Khánh được Nxb Tư pháp xuất bản năm 2007 chỉ dành hơn 2 trang
(tr.382&383) để đề cập rất sơ lược về khái niệm vi phạm cơ bản hợp đồng và tác giả
cuốn sách cho rằng định nghĩa về vi phạm cơ bản hợp đồng tại khoản 13 Điều 3 Luật
Thương mại cũng “tương tự” khái niệm vi phạm cơ bản hợp đồng nêu trong Công ước
Viên.
Cuốn sách “Các biện pháp xử lý việc không thực hiện đúng hợp đồng” của tác
giả Đỗ Văn Đại, Nxb Chính trị quốc gia xuất bản năm 2010 (tái bản năm 2013), cũng
đã đề cập đến khái niệm vi phạm cơ bản hợp đồng. Tác giả cho rằng “chỉ nên coi
những vi phạm có ảnh hưởng lớn tới hợp đồng mới là cơ bản” và việc xác định tính
chất nghiêm trọng của hành vi vi phạm hợp đồng là “phụ thuộc hoàn cảnh cụ thể và
khi có tranh chấp thì Tòa án sẽ tự xác định”.
Cuốn sách “Luật hợp đồng Việt Nam: Bản án và bình luận bản án” của tác giả
Đỗ Văn Đại, Nxb Chính trị Quốc gia xuất bản năm 2013 (tái bản lần thứ tư, tập 2),
trong đó tác giả đã đưa ra một số bản án liên quan đến chấm dứt, hủy bỏ hợp đồng do
không thực hiện đúng hợp đồng từ trang 565-612 có đề cập sơ lược đến vi phạm
nghiêm trọng, vi phạm cơ bản hợp đồng.
8
Luận văn Thạc sỹ Luật của tác giả Phạm Thị Minh Nguyệt, trường Đại học
Luật Tp.HCM “Vi phạm cơ bản nghĩa vụ hợp đồng và chế tài khi vi phạm cơ bản
nghĩa vụ hợp đồng” năm 2013. Luận văn này chỉ nghiên cứu khái quát về khái niệm vi
phạm cơ bản nghĩa vụ hợp đồng thương mại nói chung và theo quy định của Luật
Thương mại, các chế tài áp dụng khi có sự vi phạm cơ bản nghĩa vụ hợp đồng.
Bài viết “Hướng tới sự thống nhất pháp luật về xử lý vi phạm hợp đồng ở Việt
Nam” của tác giả Đỗ Văn Đại đăng trong Kỷ yếu Hội thảo “Hoàn thiện các báo cáo rà
soát Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, Luật Thương mại” do VCCI phối hợp với Văn
phòng Chính phủ tổ chức tại Tp.Hồ Chí Minh ngày 24/8/2011. Tác giả của bài viết này
đã chỉ ra những bất cập trong việc áp dụng chế tài tạm ngừng thực hiện hợp đồng
(được quy định tại Điều 308 Luật Thương mại) và quyền hoãn thực hiện hợp đồng của
bên mua (theo quy định tại khoản 2 Điều 415 Bộ luật dân sự năm 2005) vì những khó
khăn trong việc xác định cái gọi là vi phạm cơ bản hợp đồng – điều kiện để áp dụng
chế tài tạm ngừng thực hiện hợp đồng theo quy định của Luật Thương mại.
Bài viết “Vi phạm cơ bản hợp đồng” của tác giả Nguyễn Minh Hằng đăng trên
Báo Diễn đàn doanh nghiệp, ngày 22/3/2010 [30]. Bài viết này phân tích một tranh
chấp giữa bên mua là các Công ty của Argentina và của Hungary, còn bên bán là một
Công ty của Nga. Bên mua đã khởi kiện bên bán và cho rằng bên bán đã có sự vi phạm
cơ bản hợp đồng vì đã không giao hàng như cam kết. Bên bán thì lại cho rằng bên mua
đã có sự vi phạm cơ bản hợp đồng vì đã chậm thanh toán. Tranh chấp được xét xử tại
Hội đồng trọng tài Zurich, phán quyết tuyên ngày 31/5/1996. Tương tự, bài viết “Hủy
hợp đồng do chậm giao hàng” cũng của tác giả Nguyễn Minh Hằng đăng trên Báo
Diễn đàn doanh nghiệp, ngày 22/3/2010 [29], trong đó tác giả đã phân tích căn cứ mà
tòa án tuyên bố hủy hợp đồng trong vụ tranh chấp giữa Công ty Diversitel
Communications Inc. (Canada) và Công ty Glacier Bay Inc. (Mỹ) là do người bán Mỹ
không giao hàng khi hết thời hạn quy định trong hợp đồng. Tranh chấp này đã được
xét xử tại Tòa Công lý tối cao tại Ontario (Canada), phán quyết tuyên ngày 6/10/2003.
Bài viết “Hoàn thiện chế định hợp đồng” của tác giả Phan Chí Hiếu đăng trên
Tạp chí Nghiên cứu lập pháp số 4/2005, trong đó tác giả này cho rằng khái niệm vi
phạm cơ bản là một sự vi phạm nghiêm trọng và cần có giải thích thế nào là vi phạm
nghiêm trọng.
9
Bài viết “Vi phạm cơ bản hợp đồng” của tác giả Đỗ Văn Đại đăng trên Tạp chí
Nghiên cứu lập pháp, số 9/2004 đã giải nghĩa thuật ngữ “cơ bản”, “vi phạm cơ bản”.
Tác giả này nhấn mạnh một số văn bản quốc tế về hợp đồng như PICC, PECL đều
không sử dụng khái niệm “vi phạm cơ bản”. Theo quan điểm của tác giả này, không
nên tiếp nhận từ nước ngoài những thuật ngữ cũ hoặc không rõ ràng, gây khó khăn
trong áp dụng thống nhất.
Như vậy, có thể thấy các công trình, bài viết của các tác giả ở Việt Nam mới chỉ
đề cập đơn lẻ đến vấn đề về vi phạm cơ bản hợp đồng…Chưa có công trình nào
nghiên cứu vấn đề về vi phạm cơ bản hợp đồng theo Công ước Viên trong mối quan hệ
với pháp luật Việt Nam về cùng vấn đề.
1.1.2. Tình hình nghiên cứu ở nước ngoài
Ở nước ngoài, cũng có một số công trình nghiên cứu về vi phạm cơ bản hợp
đồng liên quan đến đề tài của luận án đã được công bố. Tiêu biểu trong số đó là:
Cuốn sách của tác giả Djakhongir Saidov có tên: “The Law of Damages in
International Sales: The CISG and other International Instruments” (Dịch ra tiếng
Việt là Luật bồi thường thiệt hại trong mua bán quốc tế: Công ước Viên và các công
cụ quốc tế khác) được Nxb Hart Publishing xuất bản năm 2008. Sau khi phân tích
Công ước Viên với ý nghĩa như là Luật bồi thường thiệt hại trong mua bán hàng hóa
quốc tế, tại Chương 5 của cuốn sách này, tác giả Djakhongir Saidov đã phân tích về
khả năng tiên liệu thiệt hại do hành vi vi phạm hợp đồng gây ra – một trong nhưng yếu
tố cấu thành vi phạm cơ bản hợp đồng theo Công ước Viên. Nói cách khác, tác giả này
phân tích thiệt hại do vi phạm hợp đồng với ý nghĩa là yếu tố cấu thành vi phạm cơ
bản hợp đồng.
Cuốn sách của tác giả Benjamin K.Leisinger có nhan đề: “Fundamental Breach
considering Non-conformity of the goods” (Dịch ra tiếng Việt là Vi phạm cơ bản hợp
đồng – xem xét về tính không phù hợp của hàng hóa) được Nxb Sellier European Law
Publishers xuất bản năm 2007, trong đó phân tích một số vụ tranh chấp liên quan đến
nghĩa vụ của các bên về giao hàng thiếu, giao hàng chậm, giao hàng kém chất
lượng…với ý nghĩa nhấn mạnh vào tính chất không phù hợp của hàng hóa khi một bên
vi phạm hợp đồng và coi tính không phù hợp của hàng hóa đến mức như thế nào thì sẽ
cấu thành một sự vi phạm cơ bản hợp đồng.
10
Công trình nghiên cứu của tác giả Jorge Ivan Salazar Tamez: “The CISG
Remedies of Specific Performance, Damages and Avoidance, Compared to the
Equivalent in the Mexican Law on Sales” (Dịch ra tiếng Việt là Các chế tài buộc thực
hiện đúng hợp đồng, bồi thường thiệt hại và hủy hợp đồng, so sánh với các chế tài có
liên quan trong Luật mua bán của Mexico) được Nxb ProQuest Information and
Learning Company xuất bản năm 2007. Công trình này nghiên cứu các chế tài buộc
thực hiện đúng hợp đồng, bồi thường thiệt hại và hủy hợp đồng theo Luật mua bán của
Mexico và đặt chúng trong mối quan hệ với khái niệm vi phạm cơ bản hợp đồng là
điều kiện tiên quyết để áp dụng chế tài hủy hợp đồng theo Công ước Viên.
Bài viết “Fundamental Breach of Contract under the CISG: A Controversial
Rule” (Dịch ra tiếng Việt là Vi phạm cơ bản hợp đồng theo Công ước Viên: Một quy
tắc gây tranh cãi) của tác giả Eduardo Grebler, được đăng trên Tạp chí Proceedings of
the Annual Meeting (American Society of International Law), Vol. 101 (năm 2007).
Trong bài viết này, tác giả Eduardo Grebler đã bình luận Điều 25 Công ước Viên cả về
mặt hình thức lẫn nội dung. Theo tác giả này, về mặt hình thức, việc dịch ra nhiều thứ
tiếng có thể tạo sự không thống nhất trong cách hiểu về Điều 25 Công ước Viên. Về
mặt nội dung, tác giả này cho rằng tính chất cơ bản của vi phạm cơ bản hợp đồng phụ
thuộc vào cái gọi là sự lấy đi đáng kể lợi ích của bên bị vi phạm. Tuy nhiên, thế nào là
sự lấy đi đáng kể lợi ích của bên bị vi phạm lại không được giải thích bởi Công ước
Viên. Điều này gây khó khăn và do đó trong thực tiễn, vấn đề này do cơ quan giải
quyết tranh chấp tự xem xét và quyết định. Trên cơ sở đó, Eduardo Grebler cho rằng
đây là bất cập của chính Công ước Viên liên quan đến khái niệm vi phạm cơ bản hợp
đồng được quy định tại Điều 25 Công ước Viên.
Bài viết “Fundamental Breach of Contract under the UN Sales Convention – 25
years of Article 25 CISG” (Dịch ra tiếng Việt là Vi phạm cơ bản hợp đồng theo Công
ước viên – 25 năm của Điều 25 Công ước Viên), của tác giả Franco Ferrari đăng trên
tạp chí 25 J.L. & Com. 489 (năm 2006). Bài viết này đã phân tích khái niệm vi phạm
cơ bản hợp đồng theo Công ước Viên dưới góc độ xem xét mức độ của sự vi phạm hợp
đồng, về mức độ của tổn hại với ý nghĩa là những điều kiện tiên quyết để xác định cái
gọi là vi phạm cơ bản hợp đồng và khả năng mà người ta có thể tiên liệu được về
những hậu quả do sự vi phạm hợp đồng đó gây ra. Bài viết này cũng xem xét hành vi
vi phạm cơ bản hợp đồng từ phía người bán trong những tình huống cụ thể như người
11
bán giao hàng có khiếm khuyết, người bán giao chứng từ chậm hoặc giao chứng từ
không phù hợp với hợp đồng.
Bài viết “The Concept of fundamental breach: Perspectives from the CISG,
UNIDROIT Principles and PECL and case law” (Dịch ra tiếng Việt là Khái niệm vi
phạm cơ bản hợp đồng: triển vọng từ Công ước Viên, những nguyên tắc UNIDROIT,
PECL và án lệ) của tác giả Chengwei Liu đăng trên tạp chí 20 J.L. & Com. 460 (năm
2005). Bài viết này sau khi giới thiệu khái niệm vi phạm cơ bản hợp đồng theo quy
định tại Điều 25 Công ước Viên, khoản 1 Điều 7.3.1 Bộ nguyên tắc UNIDROIT và
Điều 8:103 của PECL, tác giả Chengwei Liu kết luận rằng cả 3 quy định này là tương
tự nhau mặc dù ngôn từ và nội dung của mỗi điều khoản có một số điểm khác nhau.
Bài viết “Fundamental Breach and the CISG - a Unique Treatment or Failed
Experiment?” (Dịch ra tiếng Việt là Vi phạm cơ bản và Công ước Viên – cách xử lý
duy nhất hay thử nghiệm thất bại) của tác giả Bruno Zeller đăng trên tạp chí 8
Vindobona Journal of International Commercial Law & Arbitration 81 (năm 2004) là
bài đưa ra quan điểm cho rằng việc giải thích Điều 25 Công ước Viên cần phải dựa
vào ý định của các bên giao kết hợp đồng và phải phân tích ý nghĩa của Điều 25 trong
mối quan hệ với hệ thống các chế tài của Công ước Viên đã quy định. Từ đó, tác giả
này cho rằng khái niệm vi phạm cơ bản hợp đồng cần phải được tiếp cận từ vai trò của
khái niệm vi phạm cơ bản hợp đồng trong Công ước Viên hơn là chỉ giải thích nó theo
nghĩa đen.
Bài viết “Avoidance and the notion of fundamental breach under the CISG: An
English perspecitive” (Dịch ra tiếng Việt là Hủy bỏ hợp đồng và khái niệm vi phạm cơ
bản theo Công ước Viên) của tác giả Darren Peacock đăng trên tạp chí 8 Int’l Trade &
Bus. L. Ann. 95 (năm 2003). Bài viết này, sau khi trình bày khái quát về lịch sử ra đời
của Điều 25 Công ước Viên, đã phân tích các khái niệm về “vi phạm”, “tổn hại” và
“khả năng tiên liệu” được sử dụng tại chính khái niệm vi phạm cơ bản trong Điều 25
Công ước Viên. Tác giả của bài viết này cũng so sánh cơ chế áp dụng chế tài hủy hợp
đồng đối với người mua và người bán theo Công ước Viên với cơ chế hủy hợp đồng
theo quy định Luật mua bán hàng hóa của Anh năm 1979.
Bài viết “Case law on the concept of fundamental breach in the Vienna Sales
Convention” (Dịch ra tiếng Việt là Án lệ về khái niệm vi phạm cơ bản hợp đồng theo
Công ước Viên) của tác giả Leonardo Graffi đăng trên tạp chí Int'l Bus. L.J. 338 (năm
12
2003). Trong bài viết này, dựa trên nội dung quy định của Điều 25 Công ước Viên, tác
giả này chia khái niệm vi phạm cơ bản hợp đồng ra hai góc độ để phân tích, đó là góc
độ liên quan đến bên có quyền lợi bị vi phạm với cái gọi là “tổn hại đáng kể”, “mong
muốn của người này trên cơ sở hợp đồng” và góc độ liên quan đến người vi phạm với
cái gọi là “khả năng tiên liệu”, “người có lý trí ở vào địa vị và hoàn cảnh tương tự”. Từ
đó, tác giả này đã phân tích khái niệm vi phạm cơ bản hợp đồng trong những tình
huống vi phạm cụ thể của các bên như chậm thực hiện hợp đồng, hàng hóa được giao
có khiếm khuyết.
Bài viết “The Concept of fundamental breach as an International Principle to
create uniformity of commercial law” (Dịch ra tiếng Việt là Khái niệm vi phạm cơ bản
hợp đồng như là nguyên tắc quốc tế để thống nhất pháp luật thương mại) của tác giả
Clemens Pauly đăng trên tạp chí 19 J.L. & Com. 221 (năm 2000). Tác giả này sử dụng
phương pháp phân tích theo nghĩa đen của khái niệm vi phạm cơ bản hợp đồng theo
Công ước Viên và có so sánh với Điều 2 Bộ luật thương mại thống nhất Hoa Kỳ
(UCC) và Luật nghĩa vụ trong Bộ luật dân sự của Đức (Bürgerliches Gesetzbuch). Bài
viết này phân tích khái niệm vi phạm cơ bản hợp đồng thông qua 3 vụ tranh chấp được
giải quyết bởi tòa án Đức, đó là: Vụ "Fabrics in Wrong Color" (giao vải sai màu),
"Cobalt Sulphate of Different Quality" (Colablt Sulphate không phù hợp về chất
lượng) và "Compressors of Lower Cooling” (máy nén làm lạnh kém) để nêu ra quan
điểm riêng khi vận dụng quy định của Điều 25 Công ước Viên vào các vụ việc tranh
chấp cụ thể.
Bài viết “The Concept of fundamental Breach of Contract under the United
Nations Convention on Contracts for the International Sale of Goods (CISG)” (Dịch
ra tiếng Việt là Khái niệm vi phạm cơ bản hợp đồng theo Công ước Viên năm 1980 về
hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế) của tác giả Robert Koch đăng trong Cuốn
“Review of the Convention on Contracts for the International Sale of Goods (CISG)”
năm 1998. Tác giả này đã giới thiệu một phương pháp giải thích khái niệm vi phạm cơ
bản hợp đồng đang được tòa án tối cao Đức áp dụng. Đó là phương pháp dựa trên
thuật ngữ có kết hợp chặt chẽ với việc trả lời câu hỏi nhằm xác định rõ mục đích của
hợp đồng có bị mất đi do hành vi vi phạm hay không và xác định bên bị vi phạm có
cần áp dụng chế tài hủy hợp đồng hoặc giao hàng thay thế hay không.
13
Ngoài các công trình nghiên cứu về vi phạm cơ bản hợp đồng như đã nêu ở
trên, còn có một số công trình phân tích về chế tài hủy hợp đồng, theo hướng nhấn
mạnh rằng vi phạm cơ bản hợp đồng là một trong những điều kiện để áp dụng chế tài
này. Ví dụ, bài viết “Avoidance for Breach under the Vienna Convention: A Critical
Analysis of Some of the Early Cases” (Dịch ra tiếng Việt là Hủy hợp đồng do vi phạm
theo Công ước Viên: phân tích một số vụ tranh chấp) của tác giả Alastair Mullis đăng
trong Andreas & Jarborg eds., Anglo-Swedish Studies in Law, Lustus Forlag, năm
1998; Bài viết “The remedial provisions of the Vienna Convention on the international
sale of goods 1980: A small business perspective” (Dịch ra tiếng Việt là Quy định chế
tài của Công ước viên về hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế năm 1980: triển vọng
kinh doanh nhỏ) của tác giả David G.Fagan đăng trên tạp chí the Journal of Small &
Emerging Business Law, Vol.2:317 (năm 1998); Bài viết “Avoidance of the contract in
case of non-conforming goods (Article 49(1)(a) CISG)” (Dịch ra tiếng Việt là Hủy hợp
đồng khi hàng hóa không phù hợp hợp đồng (Điều 49(1)(a)) của tác giả Ingeborg
Schwenzer đăng trên tạp chí Journal of Law and Commerce, Vol.25:437 (năm 2005);
Bài viết “Avoidance in non-payment situations and fundamental breach under the
1980 U.N Convention on contracts for the international sale of goods” (Dịch ra tiếng
Việt là Hủy hợp đồng trong trường hợp không thanh toán và vi phạm cơ bản hợp đồng
theo Công ước Viên về hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế) của tác giả Olof
Clausson đăng trên tạp chí N.Y.L.Sch.J.Int’l & Comp.L, Vol.6 (năm 1986); Bài viết
“Cancellation for “material” or “fundamental” breach: A comparative analysis of
South African Law, the UN Convention on contracts for the international sale of goods
(CISG) and the UNIDROIT Principles of International Commercial Contracts” (Dịch
ra tiếng Việt là Chấm dứt hợp đồng do vi phạm cơ bản: phân tích so sánh Luật Nam
phi, Công ước Viên về hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế và Những nguyên tắc
UNIDROIT về hợp đồng thương mại) của tác giả Tjakie Naudé đăng trên tạp chí
Stellenbosch L.Rev, Vol.12 (năm 2001) v.v…
Các công trình nêu trên chỉ phân tích việc áp dụng chế tài hủy hợp đồng theo
Điều 49, Điều 51, Điều 64, Điều 72 và Điều 73 Công ước Viên. Đây là những tài liệu
tham khảo bổ ích vì nó giúp tác giả Luận án Tiến sĩ hiểu rõ hơn về mục đích cuối cùng
của quy định về vi phạm cơ bản hợp đồng là nhằm để giúp các bên trong hợp đồng
14
MBHHQT có thể áp dụng chế tài hủy hợp đồng, giao hàng thay thế nếu sự vi phạm
hợp đồng của một bên là vi phạm cơ bản.
1.1.3. Đánh giá tổng quan tình hình nghiên cứu
Như đã trình bày ở trên, những công trình nghiên cứu ngoài nước phân tích dưới
nhiều góc độ khác nhau về vi phạm cơ bản hợp đồng với ý nghĩa là khái niệm được
quy định tại Điều 25 Công ước Viên và điều kiện áp dụng chế tài yêu cầu giao hàng
thay thế, hủy hợp đồng theo quy định tại các Điều 46, 49, 51, 64,70, 72 và Điều 73
Công ước Viên. Trong khi đó, ở Việt Nam thì chưa có công trình nào nghiên cứu trực
tiếp khái niệm vi phạm cơ bản hợp đồng theo Công ước Viên mà đơn thuần chỉ là
những quan điểm phản ánh sự khó khăn do tính phức tạp trong quy định về vi phạm cơ
bản hợp đồng tại khoản 13 Điều 3 Luật Thương mại. Nhìn chung, các bài viết, công
trình nghiên cứu chưa đề cập một cách chuyên sâu, toàn diện về những vấn đề liên
quan đến khái niệm vi phạm cơ bản hợp đồng theo Công ước Viên và theo pháp luật
Việt Nam nhằm làm rõ những bất cập của cả Công ước Viên và của cả pháp luật Việt
Nam về vấn đề này. Qua tìm hiểu tình hình nghiên cứu ở trong nước và ngoài nước
liên quan đến đề tài luận án, tác giả đưa ra những nhận định như sau:
1.1.3.1. Những vấn đề đã được giải quyết
- Khái niệm vi phạm cơ bản hợp đồng trong Công ước Viên còn mang tính trừu
tượng, do đó, nhiều tác giả nước ngoài đã phân tích về tổn hại và mức độ tổn hại; về tính
không phù hợp của hàng hóa; về mục đích của việc giao kết hợp đồng.v.v…và coi đó là các
tiêu chí xác định tính chất cơ bản của hành vi vi phạm hợp đồng để giải thích khái niệm vi
phạm cơ bản hợp đồng được quy định trong Công ước Viên. Tùy theo cách tiếp cận, cách
hiểu của từng tác giả mà khái niệm vi phạm cơ bản hợp đồng nên được áp dụng như thế nào
trong thực tiễn. Quan điểm của các tác giả này có giá trị khoa học ở chỗ là họ đã “mổ xẻ”
khái niệm về vi phạm cơ bản hợp đồng theo quy định của Công ước Viên theo nhiều cách
tiếp cận. Điều này cho thấy khái niệm vi phạm cơ bản hợp đồng theo Công ước Viên cũng
đang gây nhiều tranh luận và chưa có sự thống nhất.
- Một số công trình nghiên cứu của các tác giả ở nước ngoài đã tiếp cận khái niệm vi
phạm cơ bản hợp đồng với ý nghĩa là điều kiện để áp dụng chế tài hủy hợp đồng, giao hàng
thay thế. Điều này cho thấy, về mặt lý luận, các tác giả này đã hiểu khá thống nhất về mục
đích của quy định về vi phạm cơ bản hợp đồng tại Điều 25 Công ước Viên là nhằm áp dụng
một số chế tài cụ thể khi có sự vi phạm hợp đồng MBHHQT.
15
- Trong thực tiễn giải quyết tranh chấp về vi phạm cơ bản hợp đồng MBHHQT, chế
tài hủy hợp đồng đã được Tòa án một số nước áp dụng khi có sự vi phạm cơ bản. Tuy
nhiên, chưa có tác giả nào hệ thống hóa hay rút ra án lệ cho việc áp dụng vi phạm cơ bản
trong giải quyết tranh chấp về vi phạm hợp đồng MBHHQT.
- Ở Việt Nam, chưa có nhiều công trình nghiên cứu về vi phạm cơ bản hợp đồng với ý
nghĩa là một chế định pháp luật, dù ở góc độ hợp đồng dân sự cũng như hợp đồng thương
mại và cả hợp đồng có yếu tố nước ngoài. Trong thực tế, giải quyết tranh chấp về hợp đồng
MBHHQT cũng chưa có nhiều án lệ về vận dụng các quy định về vi phạm cơ bản trong
Luật Thương mại để xem xét việc áp dụng chế tài hủy bỏ hợp đồng hay chế tài đình chỉ
thực hiện hợp đồng và tạm ngừng thực hiện hợp đồng.
1.1.3.2. Những vấn đề còn bỏ ngỏ
- Chưa có công trình hay Luận án tiến sĩ Luật học nào nghiên cứu một cách cụ
thể, toàn diện những vấn đề về vi phạm cơ bản hợp đồng theo Công ước Viên trong
mối liên hệ, so sánh với các quy định này của pháp luật Việt Nam.
- Chưa có các công trình nghiên cứu, đánh giá hay nhận xét về những khó khăn
trong việc vận dụng các quy định của pháp luật Việt Nam về vi phạm cơ bản hợp đồng
và cũng chưa có các công trình nghiên cứu về việc áp dụng các chế tài khi có sự vi
phạm cơ bản trong thực tiễn giao kết và thực hiện hợp đồng thương mại của doanh
nghiệp Việt Nam, đặc biệt là chế tài hủy bỏ hợp đồng.
- Chưa có các công trình nghiên cứu những bất cập của pháp luật Việt Nam trong
các quy định về vi phạm cơ bản hợp đồng nhằm đề xuất giải pháp sửa đổi và hoàn
thiện pháp luật Việt Nam về vấn đề này.
Có thể khẳng định đây là Luận án tiến sĩ Luật học đầu tiên nghiên cứu vấn đề về
vi phạm cơ bản hợp đồng theo Công ước Viên trong mối quan hệ với pháp luật Việt
Nam và định hướng hoàn thiện pháp luật Việt Nam.
1.2. Cơ sở lý thuyết của đề tài
1.2.1. Câu hỏi nghiên cứu
- Hợp đồng MBHHQT là gì? Vi phạm hợp đồng là gì? Vi phạm cơ bản hợp
đồng, vi phạm cơ bản hợp đồng MBHH là gì? Cơ chế điều chỉnh pháp luật đối với vi
phạm cơ bản hợp đồng?.
- Công ước Viên quy định như thế nào về các yếu tố cấu thành tính cơ bản của
vi phạm hợp đồng và thực tiễn xác định các yếu tố này của tòa án, trọng tài một số
quốc gia thành viên Công ước? Các quy định của Công ước Viên về các yếu tố cấu
16
thành tính cơ bản của vi phạm hợp đồng có điểm tương đồng với quy định của pháp
luật Việt Nam hay không?
- Khi có vi phạm cơ bản hợp đồng, bên vi phạm phải gánh chịu chế tài nào theo
Công ước Viên và thực tiễn vận dụng các chế tài đó của tòa án, trọng tài ra sao? Các
chế tài do vi phạm cơ bản hợp đồng có điểm tương đồng với các quy định về vi phạm
cơ bản hợp đồng trong pháp luật Việt Nam?
- Những bất cập trong quy định và thực tiễn áp dụng quy định về vi phạm co
bản hợp đồng theo pháp luật Việt Nam là gì? Định hướng nào để hoàn thiện, khắc
phục những bất cập đó? Giải pháp cụ thể để hoàn thiện, khắc phục những bất cập của
quy định về vi phạm cơ bản hợp đồng và các quy định khác có liên quan là gì?
1.2.2. Lý thuyết nghiên cứu
Luận án được thực hiện trên cơ sở phương pháp duy vật biện chứng của chủ
nghĩa Mác – Lê nin và tư tưởng Hồ Chí Minh về nhà nước và pháp luật. Các quan
điểm của Đảng về phát triển nền kinh tế thị trường, về hội nhập kinh tế quốc tế và về
xây dựng nhà nước pháp quyền cũng là cơ sở phương pháp luận nghiên cứu của luận
án.
Các lý thuyết liên quan đến hợp đồng, hiệu lực hợp đồng, vi phạm hợp đồng, vi
phạm cơ bản nghĩa vụ hợp đồng của Việt Nam, chế tài do vi phạm hợp đồng và một số
nước trên thế giới.
1.2.3. Các giả thuyết nghiên cứu
- Vi phạm cơ bản hợp đồng là ngoại lệ của nguyên tắc tuân thủ hiệu lực của hợp
đồng, đòi hỏi chế tài áp dụng phù hợp tác động lên hiệu lực của hợp đồng nhằm đảm
bảo quyền lợi của các bên giao kết hợp đồng. Tính cơ bản của hành vi vi phạm hợp
đồng được xác định trên cơ sở lợi ích mà các bên mong muốn khi giao kết hợp đồng,
không phụ thuộc vào loại hợp đồng.
- Bản chất pháp lý của vi phạm cơ bản hợp đồng theo Công ước Viên là dựa
trên tiêu chí chung về lợi ích kỳ vọng của các bên trên cơ sở hợp đồng bị lấy đi đáng
kể. Vì vậy, tổn hại do hành vi vi phạm hợp đồng không phải là yếu tố bắt buộc khi xác
định vi phạm cơ bản hợp đồng.
- Vi phạm cơ bản hợp đồng theo Công ước Viên vừa mang yếu tố khách quan
(cơ quan tài phán ra phán quyết dựa vào những gì bên bị vi phạm mong muốn trên cơ
17
sở hợp đồng có bị ảnh hưởng nghiêm trọng hay không), vừa mang tính chủ quan (khả
năng tiên liệu được hậu quả của hành vi vi phạm hợp đồng cần được xem xét).
- Chế tài do vi phạm cơ bản hợp đồng là rất nặng nề đối với bên vi phạm nhưng
là cơ sở nhằm đảm bảo kịp thời quyền và lợi ích hợp pháp của bên vi phạm. Vì thế,
quy định của Công ước Viên cho phép các bên lựa chọn biện pháp khác như khắc phục
vi phạm bằng sửa chữa hoặc giao hàng thay thế trước khi lựa chọn giải pháp cuối cùng
là hủy hợp đồng.
- Quy định về vi phạm cơ bản hợp đồng trong pháp luật của Việt Nam cũng ẩn
chứa những bất cập, không tương thích với pháp luật quốc tế, đặc biệt là Công ước
Viên. Thực tiễn áp dụng các quy định pháp luật Việt Nam về vi phạm cơ bản hợp đồng
cũng thể hiện những bất cập nhất định xuất phát từ những bất cập của bản thân quy
định pháp luật về vi phạm cơ bản hợp đồng.
1.2.4. Về hướng tiếp cận của đề tài nghiên cứu
- Là luận án tiến sĩ luật học, chuyên ngành Luật kinh tế, phương pháp tiếp cận
của đề tài là dùng các phương pháp nghiên cứu truyền thống, phù hợp với phương
pháp nghiên cứu luật học để xem xét và luận giải những vấn đề thuộc nội dung nghiên
cứu của Luận án. Đó là các phương pháp hệ thống hóa, phương pháp luận giải, phương
pháp nêu quan điểm và bình luận mang tính phản biện nhằm nêu bật những bất cập
ngay trong quy định về vi phạm cơ bản hợp đồng của Công ước Viên và của pháp luật
Việt Nam.
- Như tên gọi của luận án đã cho thấy, việc nghiên cứu vấn đề vi phạm cơ bản
hợp đồng theo Công ước Viên phải được đặt trong mối quan hệ với việc xem xét vấn
đề về vi phạm cơ bản hợp đồng trong pháp luật Việt Nam nhằm đề xuất giải pháp sửa
đổi các quy định tỏ ra chưa phù hợp trong pháp luật Việt Nam về vấn đề này, do đó,
phương pháp tiếp cận quan trọng của luận án là dựa trên phương pháp luật học so
sánh. Phương pháp luật học so sánh sẽ giúp tìm ra những điểm tích cực, cả trong lý
thuyết và thực tiễn, những điểm bất cập của chính khái niệm vi phạm cơ bản hợp đồng
để từ đó xây dựng được định hướng sửa đổi pháp luật Việt Nam.
- Mặc dù Công ước Viên chỉ điều chỉnh hợp đồng MBHHQT và mục đích của
những quy định về vi phạm cơ bản hợp đồng trong Công ước Viên là nhấn mạnh
quyền của bên bán (hoặc bên mua) được áp dụng chế tài hủy hợp đồng khi bên mua
(hoặc bên bán) có sự vi phạm cơ bản hợp đồng. Tuy nhiên, trong pháp luật Việt Nam
18
lại không có đạo luật dành riêng cho hợp đồng MBHHQT. Do vậy, hướng tiếp cận của
đề bài nghiên cứu là phải lập luận để làm rõ những điểm tích cực trong các quy định
của Công ước Viên về vi phạm cơ bản hợp đồng làm cơ sở kiến nghị hoàn thiện quy
định về vi phạm cơ bản hợp đồng thương mại của Việt Nam bởi vi phạm cơ bản hợp
đồng không bị chi phối hay ảnh hưởng bởi loại hợp đồng.
1.2.5. Kết quả nghiên cứu
- Làm rõ những vấn đề lý luận về hợp đồng MBHHQT, vi phạm cơ bản hợp
đồng, vi phạm cơ bản MBHHQT, cơ chế điều chỉnh pháp luật đối với vi phạm cơ bản
hợp đồng.
- Làm rõ quy định và thực tiễn xác định các yếu tố cấu thành tính cơ bản của vi
phạm hợp đồng và chế tài do vi phạm cơ bản hợp đồng theo Công ước Viên (có so sánh
với quy định của pháp luật Việt Nam).
- Phân tích và làm rõ những bất cập của quy định về vi phạm cơ bản trong pháp
luật Việt Nam và bất cập trong việc áp dụng quy định này trên cơ sở quy định và thực
tiễn vận dụng của Công ước Viên. Từ đó, đề xuất định hướng và giải pháp cụ thể cho việc
hoàn thiện các quy định của pháp luật Việt Nam về vi phạm cơ bản hợp đồng.
1.3. Phương pháp nghiên cứu
Để làm rõ các vấn đề nghiên cứu, luận án được hoàn thành trên cơ sở của phương
pháp luận nghiên cứu của đề tài là chủ nghĩa Mác – Lênin về duy vật biện chứng và
duy vật lịch sử.
Ngoài ra, để hoàn thiện luận án, các phương pháp nghiên cứu tổng hợp dưới đây
cũng được sử dụng như: phương pháp kết hợp lý luận với thực tiễn, hệ thống hóa,
phương pháp thống kê, phương pháp phân tích và tổng hợp, luận giải và phương pháp
so sánh luật học, cụ thể:
- Phương pháp kết hợp lý luận, lý thuyết với thực ti n: Phương pháp này được sử
dụng xuyên suốt Chương 2, 3, 4 và 5 của luận án. Cụ thể, tác giả sử dụng lý luận, lý
thuyết về vi phạm cơ bản theo Công ước Viên lồng ghép với thực tiễn vận dụng các
quy định về vi phạm cơ bản hợp đồng theo Công ước Viên của tòa án, trọng tài một số
quốc gia thành viên Công ước (các yếu tố cấu thành vi phạm cơ bản và chế tài do vi
phạm cơ bản) để phân tích, làm rõ quy định của Công ước Viên về vi phạm cơ bản. Từ
đó, làm cơ sở để giải thích, làm rõ những bất cập của quy định về vi phạm cơ bản hợp
đồng trong pháp luật Việt Nam; Kết hợp lý luận và thực tiễn làm cơ sở đề xuất các
19
định hướng và giải pháp hoàn thiện các quy định có liên quan của pháp luật Việt Nam
về vi phạm cơ bản hợp đồng.
- Phương pháp thống kê: Phương pháp này được sử dụng chủ yếu ở chương 3, 4
và chương 5 của luận án. Bằng việc thống kê, phân tích các vụ tranh chấp có liên quan
đến vi phạm cơ bản hợp đồng, tác giả tổng hợp thành 2 nhóm vấn đề liên quan đến vi
phạm cơ bản hợp đồng do cơ quan giải quyết tranh chấp xử lý trong các vụ tranh chấp
về hợp đồng MBHHQT có áp dụng Công ước Viên, đó là các yếu tố xác định tính cơ
bản của vi phạm hợp đồng và chế tài do vi phạm cơ bản hợp đồng.
- Phương pháp phân tích và tổng hợp: Phương pháp này được sử dụng trong tất
cả các chương của luận án. Cụ thể là được sử dụng để đi sâu vào tìm tòi, trình bày các
quan điểm pháp luật về hợp đồng MBHHQT, vi phạm cơ bản hợp đồng và vi phạm cơ
bản hợp đồng MBHHQT (chương 2); Làm rõ các yếu tố cấu thành tính cơ bản của vi
phạm hợp đồng và chế tài do vi phạm cơ bản hợp đồng theo Công ước Viên và thực
tiễn vận dụng quy định này (chương 3, chương 4); Từ đó, phân tích những bất cập
trong quy định có liên quan của pháp luật Việt Nam và đề xuất định hướng, giải pháp
phù hợp nhằm hoàn thiện pháp luật Việt Nam về vi phạm cơ bản hợp đồng (chương 5).
- Phương pháp hệ thống hóa: Được sử dụng xuyên suốt toàn bộ luận án nhằm
trình bày các vấn đề, các nội dung trong luận án theo một trình tự, một bố cục hợp lý,
chặt chẽ, có sự gắn kết, kế thừa, phát triển các vấn đề, các nội dung để đạt được mục
đích, yêu cầu đã được xác định cho luận án.
- Phương pháp so sánh luật học: Phương pháp này được sử dụng xuyên suốt
trong toàn văn luận án. Cụ thể là được vận dụng trong việc tham khảo, so sánh quy
định về vi phạm cơ bản hợp đồng của Việt Nam với Công ước Viên, Công ước Viên
với quy định về vi phạm cơ bản hợp đồng của một số quốc gia và tổ chức quốc tế. Đặc
biệt, chương 5 của luận án, tác giả sử dụng phương pháp này để so sánh và kiến nghị
định hướng, giải pháp hoàn thiện pháp luật Việt Nam về vi phạm cơ bản hợp đồng với
thực tế của đất nước trong điều kiện hội nhập hiện nay.
20
CHƯƠNG 2
NHỮNG VẤN ĐỀ LÝ LUẬN VỀ VI PHẠM CƠ BẢN HỢP ĐỒNG MUA BÁN
HÀNG HÓA QUỐC TẾ
Vấn đề vi phạm cơ bản hợp đồng MBHHQT bao gồm và liên quan tới nhiều
vấn đề như hợp đồng MBHHQT, vi phạm hợp đồng MBHHQT và các chế tài áp dụng
cũng như cơ chế pháp luật điều chỉnh loại vi phạm hợp đồng này. Để làm rõ nội dung
của vi phạm cơ bản hợp đồng, tạo tiền đề lý luận cho việc nghiên cứu tiếp các phần
sau của luận án, chương này trình bày khái quát vi phạm cơ bản hợp đồng MBHHQT,
gồm các nội dung sau: khái niệm và đặc điểm của hợp đồng MBHHQT, khái niệm vi
phạm cơ bản hợp đồng MBHHQT và cơ chế điều chỉnh pháp luật đối với vi phạm cơ
bản hợp đồng MBHHQT.
2.1. Hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế: khái niệm và đặc điểm
2.1.1. Khái niệm về hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế
Cùng với sự tác động của quá trình toàn cầu hóa nền kinh tế và sự thiết lập các
khuôn khổ pháp lý song phương và đa phương về thương mại, hoạt động mua bán
hàng hóa giữa các cá nhân, tổ chức không chỉ giới hạn trong phạm vi lãnh thổ quốc gia
mà đã vươn ra phạm vi quốc tế. Phương tiện pháp lý cơ bản để các cá nhân, tổ chức
tiến hành hoạt động mua bán hàng hóa trong phạm vi quốc tế là hợp đồng MBHHQT.
Về mặt thuật ngữ, đến nay, theo những cứ liệu thu thập được thì chưa có Từ
điển chuyên ngành Luật nào đưa ra giải thích thuật ngữ “hợp đồng MBHHQT”, có
chăng chỉ là việc giải thích các thuật ngữ cấu thành thuật ngữ “hợp đồng MBHHQT”,
đó là “hợp đồng”, “mua bán”, “hàng hóa”, “mua bán hàng hóa”…
Về phương diện học thuật, ở trong nước, đã có một số tác giả đưa ra khái niệm
về hợp đồng MBHHQT. Chẳng hạn, theo tác giả Trương Văn Dũng, hợp đồng
MBHHQT là sự thỏa thuận có hiệu lực bắt buộc giữa các bên có trụ sở thương mại
đóng ở các nước khác nhau, theo đó bên bán có nghĩa vụ giao hàng hóa và chuyển
quyền sở hữu hàng hóa cho bên mua, bên mua có nghĩa vụ nhận hàng và thanh toán
tiền hàng cho bên bán [17, tr.10]. Người viết cho rằng, khái niệm này chưa làm rõ
được cơ sở xác định “hiệu lực bắt buộc” ở đây là theo quy định của pháp luật nào bởi
tính chất quốc tế của hợp đồng thì rất nhiều nguồn luật khác nhau có thể cùng điều
chỉnh hợp đồng MBHHQT. Bên cạnh đó, bản thân hợp đồng mua bán hàng hóa đã là
sự thỏa thuận giữa bên bán và bên mua, sự thỏa thuận này phải đảm bảo tuân thủ quy
21
định pháp luật điều chỉnh hợp đồng thì nó trở thành “luật” giữa các bên đối với nhau.
Vì vậy, sự nhấn mạnh “hiệu lực bắt buộc” của hợp đồng MBHHQT là không cần thiết.
Tác giả Lê Thị Nam Giang cho rằng “Hợp đồng MBHHQT là sự thỏa thuận
giữa các bên có trụ sở thương mại ở các nước khác nhau, theo đó bên bán có nghĩa vụ
chuyển giao quyền sở hữu tài sản cho bên mua và nhận tiền, còn bên mua có nghĩa vụ
nhận tài sản và trả tiền” [27, tr.268]. Khái niệm này chưa thực sự thuyết phục bởi tài
sản là khái niệm rộng, trong đó bao gồm hàng hòa. Hàng hóa là một loại tài sản cụ thể
nhưng tài sản thì chưa hẳn đã là hàng hóa.
Xét về khía cạnh pháp luật thực định thì pháp luật của một số quốc gia trên thế
giới và văn bản pháp lý quốc tế đã có những quy định không giống nhau về hợp đồng
MBHHQT, ví dụ:
- Điều 56 Luật mua bán hàng hóa năm 1979 của Anh quy định hợp đồng
MBHHQT là hợp đồng mua bán hàng hóa được thiết lập giữa các bên có trụ sở thương
mại (nếu không có trụ sở thương mại thì là nơi cư trú) nằm trên lãnh thổ ở các nước
khác nhau và thỏa mãn các điều kiện sau: (a) Hợp đồng bao gồm mua bán hàng hóa,
mà tại thời điểm ký kết hợp đồng, hàng hóa được chuyên chở từ lãnh thổ của quốc gia
này sang lãnh thổ của quốc gia khác; (b) Chào hàng hoặc chấp nhận chào hàng được
lập trên lãnh thổ của các quốc gia khác nhau; hoặc (c) Việc giao hàng được thực hiện
trong lãnh thổ quốc gia khác với lãnh thổ quốc gia chào hàng hoặc chấp nhận chào
hàng. Như vậy, theo pháp luật Anh Quốc, hợp đồng MBHHQT, trước hết, là hợp đồng
mua bán hàng hóa, tức là hợp đồng theo đó người bán chuyển giao hoặc đồng ý
chuyển giao quyền sở hữu hàng hóa cho người mua để nhận tiền tương ứng gọi là giá
cả [153, Điều 3]. Cơ sở để xác định hợp đồng mua bán hàng hóa là hợp đồng
MBHHQT là căn cứ vào ba yêu cầu nêu ra tại Điều 56 ở trên. Để được xem là hợp
đồng MBHHQT, không chỉ đơn thuần là hợp đồng được giao kết giữa những bên có
trụ sở thương mại tại các quốc gia khác nhau mà hoạt động mua bán hàng hóa được
thực hiện từ lãnh thổ quốc gia này sang lãnh thổ quốc gia khác, chào hàng hoặc chấp
nhận chào hàng được lập trên lãnh thổ của các quốc gia khác nhau. Rõ ràng, quy định
nói trên của Luật mua bán hàng hóa năm 1979 đã thể hiện việc sử dụng tiêu chí “trụ sở
thương mại” làm cơ sở xác định một hợp đồng là hợp đồng MBHHQT hay hợp đồng
mua bán hàng hóa trong nước.
22
- Ở Hoa Kỳ, Bộ luật thương mại thống nhất Hoa Kỳ năm 1952 không trực tiếp
đưa ra khái niệm về hợp đồng MBHHQT nhưng đưa ra định nghĩa về giao dịch quốc
tế tại Điều 1-301, theo đó giao dịch quốc tế là giao dịch có mối quan hệ hợp lý với
quốc gia khác với Hoa Kỳ. Và mua bán chính là việc chuyển giao quyền sở hữu từ
người bán sang người mua để nhận tiền. Bộ luật thương mại thống nhất của Hoa Kỳ,
tuy không trực tiếp đưa ra tiêu chí để xác định hợp đồng MBHHQT nhưng việc định
nghĩa giao dịch quốc tế đã thể hiện của tiêu chí “trụ sở thương mại” ở các nước khác
nhau.
Mặc dù các quy định được diễn đạt khác nhau nhưng hợp đồng mua bán hàng
hóa theo pháp luật Anh và Hoa Kỳ đều là sự thỏa thuận về việc chuyển giao quyền sở
hữu hàng hóa từ người bán sang người mua để đổi lại khoản tiền tương ứng. Bên cạnh
đó, hợp đồng mua bán hàng hóa là hợp đồng MBHHQT khi hợp đồng mua bán hàng
hóa được giao kết bởi các bên có “trụ sở thương mại ở các quốc gia khác nhau”.
Ở phạm vi quốc tế, mặc dù, Công ước Viên không quy định về khái niệm hợp
đồng MBHHQT nhưng Điều 1 của Công ước đã gián tiếp xác định phạm vi của hợp
đồng MBHHQT như sau: “1. Công ước này áp dụng cho các hợp đồng mua bán hàng
hóa giữa các bên có trụ sở thương mại tại các quốc gia khác nhau…2. Sự kiện các bên
có trụ sở thương mại tại các quốc gia khác nhau không tính đến nếu sự kiện này không
xuất phát từ hợp đồng, từ các mối quan hệ đã hình thành hoặc vào thời điểm ký hợp
đồng giữa các bên hoặc là từ việc trao đổi thông tin giữa các bên…”. Như vậy, cơ sở
duy nhất để xác định hợp đồng MBHHQT theo Công ước Viên là trụ sở thương mại
của các bên phải đặt tại các quốc gia khác nhau mà không phụ thuộc vào địa điểm ký
kết hợp đồng và cũng không xét đến việc hàng hóa có được dịch chuyển qua biên giới
hay không.
Từ quy định tại Điều 1, kết hợp với quy định tại Điều 40, Điều 53 Công ước có
thể hiểu hợp đồng MBHHQT là sự thỏa thuận giữa các bên có trụ sở thương mại đặt
tại các nước khác nhau, theo đó một bên (người bán) có nghĩa vụ giao hàng, chuyển
giao chứng từ liên quan đến hàng hóa và quyền sở hữu về hàng hóa cho bên kia (người
mua) và người mua có nghĩa vụ thanh toán tiền hàng và nhận hàng.
Bên cạnh Công ước viên, PICC đưa ra những quy phạm chung, chủ yếu áp
dụng cho hợp đồng thương mại quốc tế. PICC không đưa ra một định nghĩa rõ ràng,
nhưng khái niệm hợp đồng thương mại phải được hiểu theo một nghĩa rộng nhất có thể
23
được, không chỉ bao gồm các giao dịch thương mại nhằm cung cấp hay trao đổi hàng
hóa hay dịch vụ, mà còn bao gồm các hình thức giao dịch kinh tế khác như các hợp
đồng về đầu tư và/hoặc ủy thác, các hợp đồng cung cấp các dịch vụ chuyên môn [10,
tr.36]. Tính chất quốc tế của một hợp đồng thương mại, theo PICC, được xác định
bằng nhiều cách. Pháp luật quốc gia và quốc tế đưa ra nhiều giải pháp, từ việc căn cứ
vào trụ sở hay nơi cư trú thường xuyên của các bên tại các quốc gia khác nhau đến
việc áp dụng những tiêu chí tổng quát hơn [35, tr.76]. PICC không nhấn mạnh bất kỳ
tiêu chí xác định tính quốc tế của hợp đồng thương mại quốc tế. Tuy nhiên, tính quốc
tế của hợp đồng thương mại nói chung, hợp đồng mua bán hàng hóa nói riêng cần
được giải thích theo nghĩa rộng nhất có thể, chỉ loại trừ những trường hợp không có
bất kỳ một yếu tố quốc tế nào, nghĩa là khi tất cả các yếu tố cơ bản của hợp đồng chỉ
liên quan đến một quốc gia [10, tr.35].
Ở Việt Nam, hợp đồng MBHHQT, trước khi Luật Thương mại ra đời, còn được
gọi dưới nhiều tên khác nhau như: hợp đồng xuất nhập khẩu hàng hóa, hợp đồng mua
bán hàng hóa ngoại thương [50], hợp đồng mua bán ngoại thương [56], hợp đồng mua
bán hàng hóa với thương nhân nước ngoài…
Luật Thương mại có một chương quy định về mua bán hàng hóa (Chương II),
trong đó chỉ có bảy điều luật quy định riêng về MBHHQT và không có điều luật nào
xác định cụ thể, trực tiếp về khái niệm và phạm vi nội hàm của hợp đồng MBHHQT.
Tuy nhiên, dựa vào quy định tại khoản 8 Điều 3 Luật Thương mại và Điều 428 Bộ luật
dân sự, có thể rút ra khái niệm về hợp đồng mua bán hàng hóa như sau: Hợp đồng mua
bán hàng hóa là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên bán có nghĩa vụ giao hàng hóa
cho bên mua và nhận tiền, còn bên mua có nghĩa vụ nhận hàng hóa và trả tiền cho bên
bán. Như vậy, hợp đồng mua bán hàng hóa là dạng cụ thể của hợp đồng mua bán tài
sản trong pháp luật dân sự (theo nghĩa rộng) [2, tr.4].
Luật Thương mại cũng không quy định về khái niệm hợp đồng MBHHQT hoặc
yếu tố quốc tế, nước ngoài của hợp đồng mua bán hàng hóa mà chỉ quy định về
MBHHQT tại Điều 27 như sau: “1. MBHHQT được thực hiện dưới các hình thức xuất
khẩu, nhập khẩu, tạm nhập, tái xuất, tạm xuất, tái nhập và chuyển khẩu. 2. MBHHQT
phải thực hiện trên cơ sở hợp đồng bằng văn bản hoặc bằng hình thức khác có giá trị
pháp lý tương đương”. Như vậy, khoản 1 Điều 27 Luật thương mại đã liệt kê các hình
24
thức cụ thể của việc mua bán hàng hóa quốc tế, bao gồm 5 hình thức: xuất khẩu; nhập
khẩu; tạm nhập, tái xuất; tạm xuất, tái nhập; chuyển khẩu.
Từ đó, có thể suy luận rằng hợp đồng MBHHQT theo pháp luật Việt Nam là
văn bản thỏa thuận của các cá nhân, tổ chức trong việc xuất khẩu, nhập khẩu, tạm
nhập, tái xuất, tạm xuất, tái nhập và chuyển khẩu hàng hóa. Hai hay nhiều bên tham
gia giao dịch MBHHQT - một loại giao dịch dân sự hoặc giao kết hợp đồng
MBHHQT theo pháp luật Việt Nam có thể là cá nhân, tổ chức Việt Nam hoặc cá nhân,
tổ chức nước ngoài; có nơi cư trú hoặc trụ sở ở Việt Nam hoặc nước ngoài. Nghĩa là,
theo quy định của Luật Thương mại, hoạt động mua bán hàng hóa được coi là
MBHHQT không phụ thuộc vào nơi cư trú, trụ sở hay quốc tịch. Luật Thương mại lấy
tiêu chí vận chuyển hàng hóa qua biên giới để xác định quan hệ mua bán hàng hóa là
MBHHQT.
Mặt khác, Điều 758 Bộ luật dân sự quy định: “Quan hệ dân sự có yếu tố nước
ngoài là quan hệ dân sự có ít nhất một trong các bên tham gia là cơ quan, tổ chức, cá
nhân nước ngoài hoặc là quan hệ dân sự giữa các bên tham gia là công dân, tổ chức
Việt Nam nhưng căn cứ để xác lập, thay đổi, chấm dứt quan hệ đó theo pháp luật nước
ngoài, phát sinh tại nước ngoài hoặc tài sản liên quan đến quan hệ đó ở nước ngoài”.
Như vậy, khái niệm “MBHHQT” với tư cách là hoạt động thương mại hoặc quan hệ
thương mại theo khoản 1 Điều 27 Luật Thương mại có phạm vi hẹp hơn so với “mua
bán hàng hóa có yếu tố nước ngoài” xuất phát từ khái niệm “quan hệ dân sự có yếu tố
nước ngoài” theo Điều 758 Bộ luật dân sự. Căn cứ quy định về quan hệ dân sự có yếu
tố nước ngoài tại Điều 758 Bộ luật dân sự, chúng ta có thể xác định các dấu hiệu của
quan hệ MBHHQT hay có “yếu tố nước ngoài” như sau:
- Ít nhất một trong các bên tham gia mua bán hàng hóa là cơ quan, tổ chức, cá
nhân nước ngoài;
- Các bên tham gia quan hệ mua bán hàng hóa là công dân, tổ chức Việt Nam
nhưng căn cứ để xác lập, thay đổi, chấm dứt quan hệ này theo pháp luật nước ngoài;
- Hàng hóa – đối tượng mua bán ở nước ngoài.
Trong khi đó, MBHHQT theo Luật Thương mại chỉ căn cứ vào tiêu chí duy
nhất là hàng hóa được vận chuyển qua biên giới [5, tr.5]. Tuy nhiên, theo khoản 3
Điều 4 Luật Thương mại, “hoạt động thương mại không được quy định trong Luật
Thương mại và trong các luật khác thì áp dụng quy định của Bộ luật dân sự” nên việc
25
xác định hợp đồng MBHHQT cần vận dụng cả khoản 1 Điều 27 Luật Thương mại và
Điều 758 Bộ luật dân sự.
Từ nhận thức trên, có thể đưa ra khái niệm về hợp đồng MBHHQT như sau:
Hợp đồng MBHHQT là hợp đồng mua bán hàng hóa có tính chất quốc tế hay có yếu
tố nước ngoài, theo đó một bên (người bán) có nghĩa vụ giao hàng, chứng từ liên quan
hàng hóa và quyền sở hữu về hàng hóa cho bên kia (người mua) và người mua có
nghĩa vụ thanh toán tiền hàng và nhận hàng.
2.1.2. Đặc điểm của hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế
2.1.2.1. Hợp đồng MBHHQT là hợp đồng thương mại có tính quốc tế hay có
yếu tố nước ngoài
Hợp đồng MBHHQT là một giao dịch có nhiều bên tham gia để tạo lập sự ràng
buộc pháp lý với nhau dựa trên sự cam kết, thỏa thuận, tức là tạo ra các quyền và
nghĩa vụ mới, ngoài những quyền và nghĩa vụ luật định, hoặc làm thay đổi hay chấm
dứt các quyền, nghĩa vụ ấy. Mặc dù trong luật thực định và thậm chí trong lý luận có
nhiều cách hiểu khác nhau về hợp đồng MBHHQT nhưng chung quy lại, tất cả các
cách hiểu khác nhau đó đều nhất quán ở điểm lấy trụ sở thương mại ở các quốc gia
khác nhau hay sự di chuyển hàng hóa qua biên giới quốc gia là tiêu chí xác định tính
chất quốc tế hay yếu tố nước ngoài hay tính chất quốc tế của hợp đồng MBHHQT [31,
tr.75; 58].
Chính tính chất quốc tế hay yếu tố nước ngoài của hợp đồng MBHHQT đã tạo
ra điểm khác biệt của hợp đồng MBHHQT so với hợp đồng thương mại trong nước, cụ
thể:
- Chủ thể của hợp đồng MBHHQT là các bên có trụ sở thương mại đặt ở các
nước khác nhau và/hoặc mang quốc tịch khác nhau. Điều đó có nghĩa, bên bán, bên
mua phải có trụ sở thương mại đặt ở các nước khác nhau chứ không phải đóng trong
phạm vi một nước. Nếu bên mua và bên bán đều có trụ sở thương mại ở cùng một
nước mà ký kết hợp đồng mua bán hàng hóa với nhau thì đó là hợp đồng mua bán
hàng hóa trong nước. Nếu một bên có hơn một trụ sở thương mại thì sẽ tính đến trụ sở
thương mại có mối liên hệ chặt chẽ nhất đối với hợp đồng và đối với việc thực hiện
hợp đồng đó; Nếu một bên không có trụ sở thương mại thì sẽ lấy nơi cư trú thường
xuyên của họ [11, Điều 10].
26
- Hàng hóa là đối tượng của hợp đồng có thể được chuyển qua biên giới nước
người bán sang nước người mua hoặc sang nước thứ ba. Vì hợp đồng MBHHQT được
ký kết giữa các bên có trụ sở thương mại đặt ở các nước khác nhau nên trong đa số các
trường hợp hàng hóa được chuyển từ nước người bán sang nước người mua hoặc từ
nước người bán sang nước thứ ba (trong trường hợp người mua hàng xuất hàng sang
nước thứ ba) [26, tr.204]. Song cũng có trường hợp hàng hóa không chuyển qua biên
giới nước người bán. Chẳng hạn, một Công ty Hàn Quốc đóng trụ sở thương mại tại
Xơ Un, Hàn Quốc ký kết hợp đồng gia công quốc tế với một Công ty may của Việt
Nam đóng trụ sở tại Hà Nội. Công ty Hàn Quốc cung cấp nguyên vật liệu và nhận sản
phẩm gia công. Để thực hiện được hợp đồng này, công ty Hàn Quốc ký kết hợp đồng
mua vải của công ty dệt Vĩnh Phú có trụ sở thương mại tại Vĩnh Phú. Địa điểm giao
hàng tại Hà Nội, người nhận hàng là Công ty may đóng trụ sở thương mại tại Hà Nội,
có nghĩa vụ gia công áo giao cho Công ty Hàn Quốc. Như vậy, vải là đối tượng của
hợp đồng mua bán giữa công ty Hàn Quốc đóng trụ sở thương mại tại Hàn Quốc với
Công ty dệt đóng trụ sở tại Việt Nam, không chuyển qua biên giới Việt Nam (nước
người bán).
- Đồng tiền dùng để thanh toán giữa người bán và người mua có thể là ngoại tệ
đối với một trong hai bên. Nếu như trong các hợp đồng mua bán trong nước, đồng tiền
thanh toán phải là đồng Việt Nam (có thể dùng USD hay Euro như đồng tiền tính toán
mà thôi) thì trong hợp đồng MBHHQT, các bên được tự do lựa chọn đồng tiền thanh
toán, đó có thể là đồng tiền của nước người bán, của nước người mua hay của nước
thứ ba. Nhìn chung, các bên thường lựa chọn các đồng tiền mạnh có thể tự do chuyển
đổi như USD, Euro, DM, Yên Nhật, Bảng Anh… (ngoại lệ: các hợp đồng ký giữa các
thương nhân EU thì đồng tiền thanh toán Euro sẽ là đồng tiền chung cho cả hai bên và
không là ngoại tệ đối với bên nào).
- Cơ quan giải quyết tranh chấp phát sinh từ hợp đồng MBHHQT có thể là Tòa
án hoặc Trọng tài nước ngoài đối với một hoặc cả hai bên. Ví dụ, hợp đồng mua bán
hàng hóa giữa một công ty của Trung Quốc đóng trụ sở thương mại ở Trung Quốc với
một công ty của Đức đóng trụ sở thương mại tại Đức, trong hợp đồng quy định nếu có
tranh chấp phát sinh thì giải quyết bằng thương lượng, nếu không thương lượng được
thì kiện ra Tòa thương mại Beclin. Như vậy, Tòa thương mại Beclin là cơ quan giải
quyết tranh chấp và cũng là Tòa án nước ngoài đối với công ty của Trung Quốc.
27
Bên cạnh đó, tính chất quốc tế của hợp đồng MBHHQT có thể dẫn đến khả
năng tranh chấp về thẩm quyền giữa các cơ quan giải quyết tranh chấp đối với những
tranh chấp phát sinh từ hoặc có liên quan đến hợp đồng MBHHQT - tranh chấp có yếu
tố nước ngoài [45, tr.226].
- Pháp luật điều chỉnh hợp đồng MBHHQT có thể là pháp luật nước ngoài đối
với một hoặc cả hai bên. Chẳng hạn, nếu áp dụng pháp luật Việt Nam điều chỉnh hợp
đồng mua bán giữa công ty Việt Nam và công ty của Singapore thì pháp luật Việt Nam
là pháp luật nước ngoài đối với công ty Singapore. Nếu hai bên thỏa thuận dùng pháp
luật của Pháp để điều chỉnh hợp đồng này thì pháp luật của Pháp là pháp luật nước
ngoài đối với cả hai bên. Ngoài ra, nguồn luật điều chỉnh hợp đồng MBHHQT cũng rất
đa dạng và phức tạp bao gồm không chỉ pháp luật nước ngoài đối với một trong hoặc
cả hai bên mà còn điều ước thương mại quốc tế, tập quán thương mại quốc tế và thậm
chí là án lệ (tiền lệ xét xử).
2.1.2.2. Mục đích của hợp đồng MBHHQT là sinh lợi
Hợp đồng MBHHQT là sự thỏa thuận giữa các bên để thực hiện một hoạt động
thương mại. Xét về nội dung, sự thỏa thuận trong hoạt động thương mại được thể hiện
dưới hình thức pháp lý là hợp đồng thương mại không chỉ là sự nhất trí, đồng ý chung
chung mà còn phải có nội dung cụ thể, mục đích rõ ràng, tức phải xác định được bản
chất quan hệ hợp đồng mà các bên muốn xác lập [19, tr.120].
Mua bán hàng hóa là hoạt động thương mại, theo đó người bán chuyển giao
hàng hóa và quyền sở hữu đối với hàng hóa cho người mua và người mua nhận hàng
và trả tiền. Hàng hóa là đối tượng của hợp đồng MBHHQT mà các bên giao kết hợp
đồng này hướng tới. Vì thế, mục đích của các bên trong hợp đồng MBHHQT cũng gắn
liền với mục đích mua hàng để sinh lợi của các bên.
Các bên giao kết hợp đồng MBHHQT chính là các thương nhân, tức là chủ thể
tiến hành hoạt động thương mại. Vì vậy, có thể nói, mục đích mua hàng của người bán
cũng như người mua, dù được mô tả trực tiếp hay gián tiếp, thì đó cũng là nhằm sinh
lợi từ việc chuyển giao hàng, quyền sở hữu đối với hàng và thanh toán [12, tr.68].
Người mua có thể mua hàng để bán lại hay để sản xuất nhằm sinh lợi, người bán,
đương nhiên, muốn bán hàng để nhận tiền (sinh lợi). Khi thiết lập một hợp đồng
MBHHQT, người bán và người mua luôn hướng đến việc tạo lập “sự ràng buộc pháp
28
lý” đối với nhau và trông đợi bên kia cùng thực hiện nghĩa vụ phát sinh từ hợp đồng,
nhằm thỏa mãn lợi ích của các bên [26, tr.142].
Tóm lại, mục đích trong hợp đồng MBHHQT được tạo nên bởi sự thỏa thuận
của các bên có thể khác nhau tùy vào quan hệ, động cơ giao kết hợp đồng của các bên.
Tuy nhiên, là hình thức pháp lý để thực hiện hoạt động thương mại nói chung, hoạt
động mua bán hàng hóa nói riêng nên về mặt bản chất có thể thấy được các bên thống
nhất với nhau ý chí rằng mục đích các bên giao kết hợp đồng MBHHQT là nhằm tìm
kiếm lợi nhuận và các lợi ích kinh tế khác. Điều này tạo nên bản chất của hợp đồng
MBHHQT, khác với các loại hợp đồng khác, và là yếu tố cơ bản cho sự tồn tại của
hợp đồng MBHHQT. Hợp đồng MBHHQT chỉ có thể được thiết lập vì lợi ích kinh tế
mà các bên hướng tới từ hợp đồng này và cũng vì lợi ích kinh tế mà các bên thực hiện
hợp đồng. Nói cách khác, không có lợi ích kinh tế sẽ không có sự giao kết và thực hiện
hợp đồng MBHHQT.
2.2. Vi phạm cơ bản hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế: khái niệm và đặc điểm
Khi hợp đồng MBHHQT đã được giao kết hợp pháp thì nó có giá trị bắt buộc
thi hành đối với các bên tham gia xác lập và thực hiện hợp đồng. Sự ràng buộc pháp lý
và lợi ích kinh tế của các bên sẽ bị ảnh hưởng ở mức độ khác nhau khi quyền và nghĩa
vụ do các bên tạo ra không được tuân thủ thực hiện bởi một trong các bên xác lập và
thực hiện hợp đồng. Nội dung sau đây làm rõ khái niệm và đặc điểm vi phạm cơ bản
hợp đồng MBHHQT.
2.2.1. Khái niệm vi phạm cơ bản hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế
Vi phạm cơ bản hợp đồng nói chung, vi phạm cơ bản hợp đồng MBHHQT nói
riêng là một dạng vi phạm hợp đồng nhưng không phải vi phạm hợp đồng nào cũng là
vi phạm cơ bản hợp đồng. Vì vậy, có thể nói, khái niệm vi phạm cơ bản hợp đồng nói
chung, vi phạm cơ bản hợp đồng MBHHQT nói riêng được xem xét ở hai khía cạnh:
(i) vi phạm hợp đồng; (ii) tính cơ bản của vi phạm hợp đồng.
2.2.1.1. Vi phạm hợp đồng
(a) Khái niệm vi phạm hợp đồng
Trong khoa học pháp lý, lý thuyết về vi phạm hợp đồng đã ra đời và tồn tại lâu
dài trong tất cả các hệ thống pháp luật trên thế giới, trong đó có Việt Nam.
Theo nghĩa thông thường, vi phạm là “không tuân theo hoặc làm trái những
điều quy định” [52, tr.1466]. Vì thế, vi phạm hợp đồng có thể hiểu là không tuân theo
29
hoặc làm trái những gì các bên đã thỏa thuận, thống nhất ý chí với nhau. Theo Từ
điển Black’Law (phiên bản lần thứ 9), vi phạm hợp đồng là vi phạm các nghĩa vụ hợp
đồng bằng việc không thực hiện lời hứa của ai đó, từ chối thực hiện hoặc ngăn cản
việc thực hiện của bên kia [91, tr.213].
Về phương diện học thuật, trên thế giới có khá nhiều học giả đưa ra khái niệm
về vi phạm hợp đồng. Chẳng hạn, theo Giáo sư Treitel, vi phạm hợp đồng xảy ra khi
một bên không hoặc từ chối thực hiện những gì anh ta có nghĩa vụ thực hiện theo hợp
đồng mà không có lý do hợp pháp hoặc thực hiện không đúng hoặc không có khả
năng thực hiện [106, tr.389]. Như vậy, theo cách hiểu về vi phạm hợp đồng này,
trong mọi trường hợp việc không thực hiện những gì đã cam kết, “đã hứa” chỉ bị xem
là vi phạm khi “không có lý do hợp pháp”. Hay, vi phạm hợp đồng xảy ra nếu một
bên giao kết hợp đồng thiếu sót trong việc thực hiện nghĩa vụ hợp đồng [150, tr.235].
Với khái niệm này thì chỉ đơn thuần là sự “thiếu sót”, dù là mức độ nhỏ hay lớn, đều
cấu thành “vi phạm hợp đồng”. Tương tự, tác giả David Kelly cho rằng “vi phạm hợp
đồng xảy ra khi một trong các bên tham gia hợp đồng không thực hiện, hoàn toàn
hoặc thỏa đáng, nghĩa vụ hợp đồng. Một vi phạm hợp đồng có thể xảy ra dưới 3 dạng:
(1) Khi một bên, trước thời hạn thực hiện hợp đồng, tuyên bố rằng họ sẽ không thực
hiện nghĩa vụ hợp đồng (vi phạm trước thời hạn); (2) khi một bên không thực hiện
nghĩa vụ hợp đồng; (3) khi một bên thực hiện không đúng (có khiếm khuyết) nghĩa vụ
hợp đồng”[103, tr.182]. Tác giả Dương Anh Sơn cho rằng “hành vi vi phạm hợp đồng
là những biểu hiện khách quan dưới dạng hành động hoặc không hành động trái với
các nội dung mà các bên đã thỏa thuận” [60, tr.34] hay tác giả Phạm Duy Nghĩa cho
rằng “vi phạm hợp đồng là hành vi của một bên không thực hiện hoặc không thực hiện
đúng nghĩa vụ theo các điều kiện hợp đồng” [47, tr.373].
Vi phạm hợp đồng là thuật ngữ được nhắc đến và sử dụng khá nhiều trong quy
định pháp luật của nhiều quốc gia trên thế giới nhưng khái niệm về vi phạm hợp đồng
lại không được định nghĩa trực tiếp trong các đạo luật của các quốc gia này mà thay
vào đó pháp luật của nhiều quốc gia quy định các dạng vi phạm hợp đồng.
- Bộ luật dân sự năm 2002 của Đức điều chỉnh tương đối cụ thể hai dạng vi
phạm nghĩa vụ hợp đồng, đó là loại vi phạm dưới hình thức “chậm thực hiện nghĩa vụ”
và “không thể thực hiện được nghĩa vụ” hay “không có khả năng thực hiện nghĩa vụ”.
30
Bộ luật dân sự năm 1804 của Pháp coi chậm thực hiện nghĩa vụ hợp đồng và không
thực hiện nghĩa vụ hợp đồng là vi phạm hợp đồng.
- Điều 11(5) Luật mua bán hàng hóa năm 1979 của Anh quy định “Ở Scotland,
người bán không thực hiện bất kỳ phần quan trọng nào của hợp đồng mua bán là vi
phạm hợp đồng…”. Quy định này cho thấy nội hàm của vi phạm hợp đồng khá hẹp vì
luật chỉ thừa nhận không thực hiện phần quan trọng của hợp đồng mua bán mới xem là
vi phạm hợp đồng.
- Điều 1-201(b)(17) Bộ luật thương mại thống nhất Hoa Kỳ năm 1952 không
đưa ra khái niệm vi phạm nhưng quy định “lỗi là khiếm khuyết, vi phạm hay hành
động sai trái hoặc không làm đầy đủ”. Từ quy định này có thể hiểu vi phạm là lỗi, là
sự khiếm khuyết hay hành động sai trái hay không làm đầy đủ.
- Vi phạm hợp đồng theo Luật hợp đồng Trung Quốc năm 1999 có thể hiểu
thông qua quy định tại Điều 107, cụ thể: “nếu một bên không thực hiện nghĩa vụ theo
hợp đồng hoặc thực hiện không phù hợp thì phải chịu trách nhiệm do vi phạm hợp
đồng”. Như vậy, vi phạm hợp đồng theo Luật hợp đồng Trung Quốc bao gồm không
thực hiện hoặc thực hiện không phù hợp (không đúng) nghĩa vụ hợp đồng.
Dù được định nghĩa, giải thích theo các cách khác nhau nhưng nhìn chung cách
hiểu về vi phạm hợp đồng của pháp luật một số quốc gia là việc không thực hiện hoặc
thực hiện không đúng nghĩa vụ mà các bên đã thỏa thuận trong hợp đồng. Điều này
cũng phù hợp với khái niệm về vi phạm hợp đồng cũng được quy định trong điểm d
khoản 3 Điều 1 Công ước về thời hiệu MBHHQT năm 1974, theo đó “vi phạm hợp
đồng là việc không thực hiện hợp đồng hoặc bất kỳ sự thực hiện nào mà không phù
hợp với hợp đồng”.
Với vai trò là luật quốc tế thống nhất về hợp đồng MBHHQT và dung hòa các
hệ thống pháp luật khác nhau, các nhà soạn thảo Công ước Viên không tiếp cận khái
niệm vi phạm hợp đồng dựa trên sự phân loại vi phạm nghĩa vụ hợp đồng như pháp
luật một số quốc gia nói trên, mà thay vào đó họ tiếp cận khái niệm vi phạm hợp đồng
dưới góc độ chung nhất. Mặc dù không đưa ra định nghĩa, Công ước Viên tiếp cận
khái niệm “vi phạm hợp đồng” theo nghĩa rộng nhất, bao gồm tất cả các hành vi không
tuân thủ quy định của hợp đồng như không thực hiện nghĩa vụ, chậm thực hiện nghĩa
vụ, thực hiện nghĩa vụ không đầy đủ hoặc không phù hợp mà không phân biệt đó là
nghĩa vụ chính hay phụ, kể cả những trường hợp được miễn trách nhiệm [94, tr.18].
31
Trong một số trường hợp, Công ước Viên sử dụng thuật ngữ “không thực hiện nghĩa
vụ hợp đồng” theo nghĩa tương đương với thuật ngữ “vi phạm hợp đồng” [11, Điều 79,
80].
Nghĩa vụ của người bán và người mua trong hợp đồng MBHHQT không chỉ
phát sinh từ thỏa thuận của các bên trong hợp đồng mà còn từ những quy định của
Công ước Viên nếu thuộc các trường hợp áp dụng Công ước quy định tại Điều 1 Công
ước. Các nghĩa vụ của người bán và người mua có thể phát sinh từ tập quán mà các
bên đã thỏa thuận hoặc thói quen mà các bên đã thiết lập với nhau [11, khoản 1 Điều
9]. Công ước Viên nhấn mạnh rằng, trừ trường hợp các bên trong hợp đồng MBHHQT
có thỏa thuận khác, các bên được coi là ngụ ý áp dụng trong hợp đồng hoặc trong việc
giao kết hợp đồng một tập quán mà các bên đã biết hoặc phải biết và được biết đến
phổ biến trong thương mại quốc tế và được các bên áp dụng một cách thường xuyên
đối với các hợp đồng cùng chủng loại trong lĩnh vực thương mại cụ thể liên quan [11,
khoản 2 Điều 9]. Bên cạnh đó, khi Công ước Viên được áp dụng để điều chỉnh quan hệ
hợp đồng MBHHQT giữa các bên, nghĩa vụ giữa các bên còn có thể được xác định
theo các quy tắc của Công ước. Chẳng hạn, khi xác định ý chí của một bên cần phải
tính đến mọi tình tiết liên quan, kể cả các cuộc đàm phán, mọi thói quen mà các bên đã
thiết lập với nhau, các tập quán và mọi hành vi sau đó của các bên [11, khoản 3 Điều
8].
Như vậy, có thể thấy, nghĩa vụ của các bên trong hợp đồng theo Công ước Viên
được xác lập ở 3 cấp: (i) nghĩa vụ dựa trên sự thống nhất ý chí thể hiện ở các điều
khoản trong hợp đồng mua bán hàng hoá có liên quan, (ii) nghĩa vụ dựa trên các thói
quen hình thành trước đó và ngụ ý áp dụng tập quán thương mại quốc tế; và (iii) nghĩa
vụ được xác định theo các quy tắc của Công ước Viên. Bất cứ khi nào Công ước Viên
là luật điều chỉnh của hợp đồng, Công ước luôn luôn tuân thủ thứ tự áp dụng hai cấp
độ đầu tiên của cấu trúc [127]. Tất nhiên, nếu các bên quả quyết loại bỏ (hoàn toàn)
việc áp dụng Công ước Viên, tức là họ sẽ không tuân thủ các điều khoản dẫn tới áp
dụng Công ước một cách tự động [11, Điều 6]. Khi đó, Công ước sẽ không ảnh hưởng
gì đến các hợp đồng mua bán hàng hoá giữa họ.
Do đó, vi phạm hợp đồng theo quy định cùa Công ước Viên được hiểu là việc
không thực hiện nghĩa vụ hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ, bao gồm cả những
nghĩa vụ được quy định rõ ràng trong hợp đồng mua bán và cả việc một trong hai bên
Luận án tiến sĩ luật học vi phạm cơ bản hợp đồng theo quy định của công ước viên năm 1980 về hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế và định hướng hoàn thiện các quy định có liên quan của pháp luật việt nam
Luận án tiến sĩ luật học vi phạm cơ bản hợp đồng theo quy định của công ước viên năm 1980 về hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế và định hướng hoàn thiện các quy định có liên quan của pháp luật việt nam
Luận án tiến sĩ luật học vi phạm cơ bản hợp đồng theo quy định của công ước viên năm 1980 về hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế và định hướng hoàn thiện các quy định có liên quan của pháp luật việt nam
Luận án tiến sĩ luật học vi phạm cơ bản hợp đồng theo quy định của công ước viên năm 1980 về hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế và định hướng hoàn thiện các quy định có liên quan của pháp luật việt nam
Luận án tiến sĩ luật học vi phạm cơ bản hợp đồng theo quy định của công ước viên năm 1980 về hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế và định hướng hoàn thiện các quy định có liên quan của pháp luật việt nam
Luận án tiến sĩ luật học vi phạm cơ bản hợp đồng theo quy định của công ước viên năm 1980 về hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế và định hướng hoàn thiện các quy định có liên quan của pháp luật việt nam
Luận án tiến sĩ luật học vi phạm cơ bản hợp đồng theo quy định của công ước viên năm 1980 về hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế và định hướng hoàn thiện các quy định có liên quan của pháp luật việt nam
Luận án tiến sĩ luật học vi phạm cơ bản hợp đồng theo quy định của công ước viên năm 1980 về hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế và định hướng hoàn thiện các quy định có liên quan của pháp luật việt nam
Luận án tiến sĩ luật học vi phạm cơ bản hợp đồng theo quy định của công ước viên năm 1980 về hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế và định hướng hoàn thiện các quy định có liên quan của pháp luật việt nam
Luận án tiến sĩ luật học vi phạm cơ bản hợp đồng theo quy định của công ước viên năm 1980 về hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế và định hướng hoàn thiện các quy định có liên quan của pháp luật việt nam
Luận án tiến sĩ luật học vi phạm cơ bản hợp đồng theo quy định của công ước viên năm 1980 về hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế và định hướng hoàn thiện các quy định có liên quan của pháp luật việt nam
Luận án tiến sĩ luật học vi phạm cơ bản hợp đồng theo quy định của công ước viên năm 1980 về hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế và định hướng hoàn thiện các quy định có liên quan của pháp luật việt nam
Luận án tiến sĩ luật học vi phạm cơ bản hợp đồng theo quy định của công ước viên năm 1980 về hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế và định hướng hoàn thiện các quy định có liên quan của pháp luật việt nam
Luận án tiến sĩ luật học vi phạm cơ bản hợp đồng theo quy định của công ước viên năm 1980 về hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế và định hướng hoàn thiện các quy định có liên quan của pháp luật việt nam
Luận án tiến sĩ luật học vi phạm cơ bản hợp đồng theo quy định của công ước viên năm 1980 về hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế và định hướng hoàn thiện các quy định có liên quan của pháp luật việt nam
Luận án tiến sĩ luật học vi phạm cơ bản hợp đồng theo quy định của công ước viên năm 1980 về hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế và định hướng hoàn thiện các quy định có liên quan của pháp luật việt nam
Luận án tiến sĩ luật học vi phạm cơ bản hợp đồng theo quy định của công ước viên năm 1980 về hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế và định hướng hoàn thiện các quy định có liên quan của pháp luật việt nam
Luận án tiến sĩ luật học vi phạm cơ bản hợp đồng theo quy định của công ước viên năm 1980 về hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế và định hướng hoàn thiện các quy định có liên quan của pháp luật việt nam
Luận án tiến sĩ luật học vi phạm cơ bản hợp đồng theo quy định của công ước viên năm 1980 về hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế và định hướng hoàn thiện các quy định có liên quan của pháp luật việt nam
Luận án tiến sĩ luật học vi phạm cơ bản hợp đồng theo quy định của công ước viên năm 1980 về hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế và định hướng hoàn thiện các quy định có liên quan của pháp luật việt nam
Luận án tiến sĩ luật học vi phạm cơ bản hợp đồng theo quy định của công ước viên năm 1980 về hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế và định hướng hoàn thiện các quy định có liên quan của pháp luật việt nam
Luận án tiến sĩ luật học vi phạm cơ bản hợp đồng theo quy định của công ước viên năm 1980 về hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế và định hướng hoàn thiện các quy định có liên quan của pháp luật việt nam
Luận án tiến sĩ luật học vi phạm cơ bản hợp đồng theo quy định của công ước viên năm 1980 về hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế và định hướng hoàn thiện các quy định có liên quan của pháp luật việt nam
Luận án tiến sĩ luật học vi phạm cơ bản hợp đồng theo quy định của công ước viên năm 1980 về hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế và định hướng hoàn thiện các quy định có liên quan của pháp luật việt nam
Luận án tiến sĩ luật học vi phạm cơ bản hợp đồng theo quy định của công ước viên năm 1980 về hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế và định hướng hoàn thiện các quy định có liên quan của pháp luật việt nam
Luận án tiến sĩ luật học vi phạm cơ bản hợp đồng theo quy định của công ước viên năm 1980 về hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế và định hướng hoàn thiện các quy định có liên quan của pháp luật việt nam
Luận án tiến sĩ luật học vi phạm cơ bản hợp đồng theo quy định của công ước viên năm 1980 về hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế và định hướng hoàn thiện các quy định có liên quan của pháp luật việt nam
Luận án tiến sĩ luật học vi phạm cơ bản hợp đồng theo quy định của công ước viên năm 1980 về hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế và định hướng hoàn thiện các quy định có liên quan của pháp luật việt nam
Luận án tiến sĩ luật học vi phạm cơ bản hợp đồng theo quy định của công ước viên năm 1980 về hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế và định hướng hoàn thiện các quy định có liên quan của pháp luật việt nam
Luận án tiến sĩ luật học vi phạm cơ bản hợp đồng theo quy định của công ước viên năm 1980 về hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế và định hướng hoàn thiện các quy định có liên quan của pháp luật việt nam
Luận án tiến sĩ luật học vi phạm cơ bản hợp đồng theo quy định của công ước viên năm 1980 về hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế và định hướng hoàn thiện các quy định có liên quan của pháp luật việt nam
Luận án tiến sĩ luật học vi phạm cơ bản hợp đồng theo quy định của công ước viên năm 1980 về hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế và định hướng hoàn thiện các quy định có liên quan của pháp luật việt nam
Luận án tiến sĩ luật học vi phạm cơ bản hợp đồng theo quy định của công ước viên năm 1980 về hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế và định hướng hoàn thiện các quy định có liên quan của pháp luật việt nam
Luận án tiến sĩ luật học vi phạm cơ bản hợp đồng theo quy định của công ước viên năm 1980 về hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế và định hướng hoàn thiện các quy định có liên quan của pháp luật việt nam
Luận án tiến sĩ luật học vi phạm cơ bản hợp đồng theo quy định của công ước viên năm 1980 về hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế và định hướng hoàn thiện các quy định có liên quan của pháp luật việt nam
Luận án tiến sĩ luật học vi phạm cơ bản hợp đồng theo quy định của công ước viên năm 1980 về hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế và định hướng hoàn thiện các quy định có liên quan của pháp luật việt nam
Luận án tiến sĩ luật học vi phạm cơ bản hợp đồng theo quy định của công ước viên năm 1980 về hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế và định hướng hoàn thiện các quy định có liên quan của pháp luật việt nam
Luận án tiến sĩ luật học vi phạm cơ bản hợp đồng theo quy định của công ước viên năm 1980 về hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế và định hướng hoàn thiện các quy định có liên quan của pháp luật việt nam
Luận án tiến sĩ luật học vi phạm cơ bản hợp đồng theo quy định của công ước viên năm 1980 về hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế và định hướng hoàn thiện các quy định có liên quan của pháp luật việt nam
Luận án tiến sĩ luật học vi phạm cơ bản hợp đồng theo quy định của công ước viên năm 1980 về hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế và định hướng hoàn thiện các quy định có liên quan của pháp luật việt nam
Luận án tiến sĩ luật học vi phạm cơ bản hợp đồng theo quy định của công ước viên năm 1980 về hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế và định hướng hoàn thiện các quy định có liên quan của pháp luật việt nam
Luận án tiến sĩ luật học vi phạm cơ bản hợp đồng theo quy định của công ước viên năm 1980 về hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế và định hướng hoàn thiện các quy định có liên quan của pháp luật việt nam
Luận án tiến sĩ luật học vi phạm cơ bản hợp đồng theo quy định của công ước viên năm 1980 về hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế và định hướng hoàn thiện các quy định có liên quan của pháp luật việt nam
Luận án tiến sĩ luật học vi phạm cơ bản hợp đồng theo quy định của công ước viên năm 1980 về hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế và định hướng hoàn thiện các quy định có liên quan của pháp luật việt nam
Luận án tiến sĩ luật học vi phạm cơ bản hợp đồng theo quy định của công ước viên năm 1980 về hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế và định hướng hoàn thiện các quy định có liên quan của pháp luật việt nam
Luận án tiến sĩ luật học vi phạm cơ bản hợp đồng theo quy định của công ước viên năm 1980 về hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế và định hướng hoàn thiện các quy định có liên quan của pháp luật việt nam
Luận án tiến sĩ luật học vi phạm cơ bản hợp đồng theo quy định của công ước viên năm 1980 về hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế và định hướng hoàn thiện các quy định có liên quan của pháp luật việt nam
Luận án tiến sĩ luật học vi phạm cơ bản hợp đồng theo quy định của công ước viên năm 1980 về hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế và định hướng hoàn thiện các quy định có liên quan của pháp luật việt nam
Luận án tiến sĩ luật học vi phạm cơ bản hợp đồng theo quy định của công ước viên năm 1980 về hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế và định hướng hoàn thiện các quy định có liên quan của pháp luật việt nam
Luận án tiến sĩ luật học vi phạm cơ bản hợp đồng theo quy định của công ước viên năm 1980 về hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế và định hướng hoàn thiện các quy định có liên quan của pháp luật việt nam
Luận án tiến sĩ luật học vi phạm cơ bản hợp đồng theo quy định của công ước viên năm 1980 về hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế và định hướng hoàn thiện các quy định có liên quan của pháp luật việt nam
Luận án tiến sĩ luật học vi phạm cơ bản hợp đồng theo quy định của công ước viên năm 1980 về hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế và định hướng hoàn thiện các quy định có liên quan của pháp luật việt nam
Luận án tiến sĩ luật học vi phạm cơ bản hợp đồng theo quy định của công ước viên năm 1980 về hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế và định hướng hoàn thiện các quy định có liên quan của pháp luật việt nam
Luận án tiến sĩ luật học vi phạm cơ bản hợp đồng theo quy định của công ước viên năm 1980 về hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế và định hướng hoàn thiện các quy định có liên quan của pháp luật việt nam
Luận án tiến sĩ luật học vi phạm cơ bản hợp đồng theo quy định của công ước viên năm 1980 về hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế và định hướng hoàn thiện các quy định có liên quan của pháp luật việt nam
Luận án tiến sĩ luật học vi phạm cơ bản hợp đồng theo quy định của công ước viên năm 1980 về hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế và định hướng hoàn thiện các quy định có liên quan của pháp luật việt nam
Luận án tiến sĩ luật học vi phạm cơ bản hợp đồng theo quy định của công ước viên năm 1980 về hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế và định hướng hoàn thiện các quy định có liên quan của pháp luật việt nam
Luận án tiến sĩ luật học vi phạm cơ bản hợp đồng theo quy định của công ước viên năm 1980 về hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế và định hướng hoàn thiện các quy định có liên quan của pháp luật việt nam
Luận án tiến sĩ luật học vi phạm cơ bản hợp đồng theo quy định của công ước viên năm 1980 về hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế và định hướng hoàn thiện các quy định có liên quan của pháp luật việt nam
Luận án tiến sĩ luật học vi phạm cơ bản hợp đồng theo quy định của công ước viên năm 1980 về hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế và định hướng hoàn thiện các quy định có liên quan của pháp luật việt nam
Luận án tiến sĩ luật học vi phạm cơ bản hợp đồng theo quy định của công ước viên năm 1980 về hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế và định hướng hoàn thiện các quy định có liên quan của pháp luật việt nam
Luận án tiến sĩ luật học vi phạm cơ bản hợp đồng theo quy định của công ước viên năm 1980 về hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế và định hướng hoàn thiện các quy định có liên quan của pháp luật việt nam
Luận án tiến sĩ luật học vi phạm cơ bản hợp đồng theo quy định của công ước viên năm 1980 về hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế và định hướng hoàn thiện các quy định có liên quan của pháp luật việt nam
Luận án tiến sĩ luật học vi phạm cơ bản hợp đồng theo quy định của công ước viên năm 1980 về hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế và định hướng hoàn thiện các quy định có liên quan của pháp luật việt nam
Luận án tiến sĩ luật học vi phạm cơ bản hợp đồng theo quy định của công ước viên năm 1980 về hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế và định hướng hoàn thiện các quy định có liên quan của pháp luật việt nam
Luận án tiến sĩ luật học vi phạm cơ bản hợp đồng theo quy định của công ước viên năm 1980 về hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế và định hướng hoàn thiện các quy định có liên quan của pháp luật việt nam
Luận án tiến sĩ luật học vi phạm cơ bản hợp đồng theo quy định của công ước viên năm 1980 về hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế và định hướng hoàn thiện các quy định có liên quan của pháp luật việt nam
Luận án tiến sĩ luật học vi phạm cơ bản hợp đồng theo quy định của công ước viên năm 1980 về hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế và định hướng hoàn thiện các quy định có liên quan của pháp luật việt nam
Luận án tiến sĩ luật học vi phạm cơ bản hợp đồng theo quy định của công ước viên năm 1980 về hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế và định hướng hoàn thiện các quy định có liên quan của pháp luật việt nam
Luận án tiến sĩ luật học vi phạm cơ bản hợp đồng theo quy định của công ước viên năm 1980 về hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế và định hướng hoàn thiện các quy định có liên quan của pháp luật việt nam
Luận án tiến sĩ luật học vi phạm cơ bản hợp đồng theo quy định của công ước viên năm 1980 về hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế và định hướng hoàn thiện các quy định có liên quan của pháp luật việt nam
Luận án tiến sĩ luật học vi phạm cơ bản hợp đồng theo quy định của công ước viên năm 1980 về hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế và định hướng hoàn thiện các quy định có liên quan của pháp luật việt nam
Luận án tiến sĩ luật học vi phạm cơ bản hợp đồng theo quy định của công ước viên năm 1980 về hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế và định hướng hoàn thiện các quy định có liên quan của pháp luật việt nam
Luận án tiến sĩ luật học vi phạm cơ bản hợp đồng theo quy định của công ước viên năm 1980 về hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế và định hướng hoàn thiện các quy định có liên quan của pháp luật việt nam
Luận án tiến sĩ luật học vi phạm cơ bản hợp đồng theo quy định của công ước viên năm 1980 về hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế và định hướng hoàn thiện các quy định có liên quan của pháp luật việt nam
Luận án tiến sĩ luật học vi phạm cơ bản hợp đồng theo quy định của công ước viên năm 1980 về hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế và định hướng hoàn thiện các quy định có liên quan của pháp luật việt nam
Luận án tiến sĩ luật học vi phạm cơ bản hợp đồng theo quy định của công ước viên năm 1980 về hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế và định hướng hoàn thiện các quy định có liên quan của pháp luật việt nam
Luận án tiến sĩ luật học vi phạm cơ bản hợp đồng theo quy định của công ước viên năm 1980 về hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế và định hướng hoàn thiện các quy định có liên quan của pháp luật việt nam
Luận án tiến sĩ luật học vi phạm cơ bản hợp đồng theo quy định của công ước viên năm 1980 về hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế và định hướng hoàn thiện các quy định có liên quan của pháp luật việt nam
Luận án tiến sĩ luật học vi phạm cơ bản hợp đồng theo quy định của công ước viên năm 1980 về hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế và định hướng hoàn thiện các quy định có liên quan của pháp luật việt nam
Luận án tiến sĩ luật học vi phạm cơ bản hợp đồng theo quy định của công ước viên năm 1980 về hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế và định hướng hoàn thiện các quy định có liên quan của pháp luật việt nam
Luận án tiến sĩ luật học vi phạm cơ bản hợp đồng theo quy định của công ước viên năm 1980 về hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế và định hướng hoàn thiện các quy định có liên quan của pháp luật việt nam
Luận án tiến sĩ luật học vi phạm cơ bản hợp đồng theo quy định của công ước viên năm 1980 về hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế và định hướng hoàn thiện các quy định có liên quan của pháp luật việt nam
Luận án tiến sĩ luật học vi phạm cơ bản hợp đồng theo quy định của công ước viên năm 1980 về hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế và định hướng hoàn thiện các quy định có liên quan của pháp luật việt nam
Luận án tiến sĩ luật học vi phạm cơ bản hợp đồng theo quy định của công ước viên năm 1980 về hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế và định hướng hoàn thiện các quy định có liên quan của pháp luật việt nam
Luận án tiến sĩ luật học vi phạm cơ bản hợp đồng theo quy định của công ước viên năm 1980 về hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế và định hướng hoàn thiện các quy định có liên quan của pháp luật việt nam
Luận án tiến sĩ luật học vi phạm cơ bản hợp đồng theo quy định của công ước viên năm 1980 về hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế và định hướng hoàn thiện các quy định có liên quan của pháp luật việt nam
Luận án tiến sĩ luật học vi phạm cơ bản hợp đồng theo quy định của công ước viên năm 1980 về hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế và định hướng hoàn thiện các quy định có liên quan của pháp luật việt nam
Luận án tiến sĩ luật học vi phạm cơ bản hợp đồng theo quy định của công ước viên năm 1980 về hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế và định hướng hoàn thiện các quy định có liên quan của pháp luật việt nam
Luận án tiến sĩ luật học vi phạm cơ bản hợp đồng theo quy định của công ước viên năm 1980 về hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế và định hướng hoàn thiện các quy định có liên quan của pháp luật việt nam
Luận án tiến sĩ luật học vi phạm cơ bản hợp đồng theo quy định của công ước viên năm 1980 về hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế và định hướng hoàn thiện các quy định có liên quan của pháp luật việt nam
Luận án tiến sĩ luật học vi phạm cơ bản hợp đồng theo quy định của công ước viên năm 1980 về hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế và định hướng hoàn thiện các quy định có liên quan của pháp luật việt nam
Luận án tiến sĩ luật học vi phạm cơ bản hợp đồng theo quy định của công ước viên năm 1980 về hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế và định hướng hoàn thiện các quy định có liên quan của pháp luật việt nam
Luận án tiến sĩ luật học vi phạm cơ bản hợp đồng theo quy định của công ước viên năm 1980 về hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế và định hướng hoàn thiện các quy định có liên quan của pháp luật việt nam
Luận án tiến sĩ luật học vi phạm cơ bản hợp đồng theo quy định của công ước viên năm 1980 về hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế và định hướng hoàn thiện các quy định có liên quan của pháp luật việt nam
Luận án tiến sĩ luật học vi phạm cơ bản hợp đồng theo quy định của công ước viên năm 1980 về hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế và định hướng hoàn thiện các quy định có liên quan của pháp luật việt nam
Luận án tiến sĩ luật học vi phạm cơ bản hợp đồng theo quy định của công ước viên năm 1980 về hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế và định hướng hoàn thiện các quy định có liên quan của pháp luật việt nam
Luận án tiến sĩ luật học vi phạm cơ bản hợp đồng theo quy định của công ước viên năm 1980 về hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế và định hướng hoàn thiện các quy định có liên quan của pháp luật việt nam
Luận án tiến sĩ luật học vi phạm cơ bản hợp đồng theo quy định của công ước viên năm 1980 về hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế và định hướng hoàn thiện các quy định có liên quan của pháp luật việt nam
Luận án tiến sĩ luật học vi phạm cơ bản hợp đồng theo quy định của công ước viên năm 1980 về hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế và định hướng hoàn thiện các quy định có liên quan của pháp luật việt nam
Luận án tiến sĩ luật học vi phạm cơ bản hợp đồng theo quy định của công ước viên năm 1980 về hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế và định hướng hoàn thiện các quy định có liên quan của pháp luật việt nam
Luận án tiến sĩ luật học vi phạm cơ bản hợp đồng theo quy định của công ước viên năm 1980 về hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế và định hướng hoàn thiện các quy định có liên quan của pháp luật việt nam
Luận án tiến sĩ luật học vi phạm cơ bản hợp đồng theo quy định của công ước viên năm 1980 về hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế và định hướng hoàn thiện các quy định có liên quan của pháp luật việt nam
Luận án tiến sĩ luật học vi phạm cơ bản hợp đồng theo quy định của công ước viên năm 1980 về hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế và định hướng hoàn thiện các quy định có liên quan của pháp luật việt nam
Luận án tiến sĩ luật học vi phạm cơ bản hợp đồng theo quy định của công ước viên năm 1980 về hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế và định hướng hoàn thiện các quy định có liên quan của pháp luật việt nam
Luận án tiến sĩ luật học vi phạm cơ bản hợp đồng theo quy định của công ước viên năm 1980 về hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế và định hướng hoàn thiện các quy định có liên quan của pháp luật việt nam
Luận án tiến sĩ luật học vi phạm cơ bản hợp đồng theo quy định của công ước viên năm 1980 về hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế và định hướng hoàn thiện các quy định có liên quan của pháp luật việt nam
Luận án tiến sĩ luật học vi phạm cơ bản hợp đồng theo quy định của công ước viên năm 1980 về hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế và định hướng hoàn thiện các quy định có liên quan của pháp luật việt nam
Luận án tiến sĩ luật học vi phạm cơ bản hợp đồng theo quy định của công ước viên năm 1980 về hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế và định hướng hoàn thiện các quy định có liên quan của pháp luật việt nam
Luận án tiến sĩ luật học vi phạm cơ bản hợp đồng theo quy định của công ước viên năm 1980 về hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế và định hướng hoàn thiện các quy định có liên quan của pháp luật việt nam
Luận án tiến sĩ luật học vi phạm cơ bản hợp đồng theo quy định của công ước viên năm 1980 về hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế và định hướng hoàn thiện các quy định có liên quan của pháp luật việt nam
Luận án tiến sĩ luật học vi phạm cơ bản hợp đồng theo quy định của công ước viên năm 1980 về hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế và định hướng hoàn thiện các quy định có liên quan của pháp luật việt nam
Luận án tiến sĩ luật học vi phạm cơ bản hợp đồng theo quy định của công ước viên năm 1980 về hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế và định hướng hoàn thiện các quy định có liên quan của pháp luật việt nam
Luận án tiến sĩ luật học vi phạm cơ bản hợp đồng theo quy định của công ước viên năm 1980 về hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế và định hướng hoàn thiện các quy định có liên quan của pháp luật việt nam
Luận án tiến sĩ luật học vi phạm cơ bản hợp đồng theo quy định của công ước viên năm 1980 về hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế và định hướng hoàn thiện các quy định có liên quan của pháp luật việt nam
Luận án tiến sĩ luật học vi phạm cơ bản hợp đồng theo quy định của công ước viên năm 1980 về hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế và định hướng hoàn thiện các quy định có liên quan của pháp luật việt nam
Luận án tiến sĩ luật học vi phạm cơ bản hợp đồng theo quy định của công ước viên năm 1980 về hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế và định hướng hoàn thiện các quy định có liên quan của pháp luật việt nam
Luận án tiến sĩ luật học vi phạm cơ bản hợp đồng theo quy định của công ước viên năm 1980 về hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế và định hướng hoàn thiện các quy định có liên quan của pháp luật việt nam
Luận án tiến sĩ luật học vi phạm cơ bản hợp đồng theo quy định của công ước viên năm 1980 về hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế và định hướng hoàn thiện các quy định có liên quan của pháp luật việt nam
Luận án tiến sĩ luật học vi phạm cơ bản hợp đồng theo quy định của công ước viên năm 1980 về hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế và định hướng hoàn thiện các quy định có liên quan của pháp luật việt nam
Luận án tiến sĩ luật học vi phạm cơ bản hợp đồng theo quy định của công ước viên năm 1980 về hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế và định hướng hoàn thiện các quy định có liên quan của pháp luật việt nam
Luận án tiến sĩ luật học vi phạm cơ bản hợp đồng theo quy định của công ước viên năm 1980 về hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế và định hướng hoàn thiện các quy định có liên quan của pháp luật việt nam
Luận án tiến sĩ luật học vi phạm cơ bản hợp đồng theo quy định của công ước viên năm 1980 về hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế và định hướng hoàn thiện các quy định có liên quan của pháp luật việt nam
Luận án tiến sĩ luật học vi phạm cơ bản hợp đồng theo quy định của công ước viên năm 1980 về hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế và định hướng hoàn thiện các quy định có liên quan của pháp luật việt nam
Luận án tiến sĩ luật học vi phạm cơ bản hợp đồng theo quy định của công ước viên năm 1980 về hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế và định hướng hoàn thiện các quy định có liên quan của pháp luật việt nam
Luận án tiến sĩ luật học vi phạm cơ bản hợp đồng theo quy định của công ước viên năm 1980 về hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế và định hướng hoàn thiện các quy định có liên quan của pháp luật việt nam
Luận án tiến sĩ luật học vi phạm cơ bản hợp đồng theo quy định của công ước viên năm 1980 về hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế và định hướng hoàn thiện các quy định có liên quan của pháp luật việt nam
Luận án tiến sĩ luật học vi phạm cơ bản hợp đồng theo quy định của công ước viên năm 1980 về hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế và định hướng hoàn thiện các quy định có liên quan của pháp luật việt nam
Luận án tiến sĩ luật học vi phạm cơ bản hợp đồng theo quy định của công ước viên năm 1980 về hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế và định hướng hoàn thiện các quy định có liên quan của pháp luật việt nam
Luận án tiến sĩ luật học vi phạm cơ bản hợp đồng theo quy định của công ước viên năm 1980 về hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế và định hướng hoàn thiện các quy định có liên quan của pháp luật việt nam
Luận án tiến sĩ luật học vi phạm cơ bản hợp đồng theo quy định của công ước viên năm 1980 về hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế và định hướng hoàn thiện các quy định có liên quan của pháp luật việt nam
Luận án tiến sĩ luật học vi phạm cơ bản hợp đồng theo quy định của công ước viên năm 1980 về hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế và định hướng hoàn thiện các quy định có liên quan của pháp luật việt nam
Luận án tiến sĩ luật học vi phạm cơ bản hợp đồng theo quy định của công ước viên năm 1980 về hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế và định hướng hoàn thiện các quy định có liên quan của pháp luật việt nam
Luận án tiến sĩ luật học vi phạm cơ bản hợp đồng theo quy định của công ước viên năm 1980 về hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế và định hướng hoàn thiện các quy định có liên quan của pháp luật việt nam
Luận án tiến sĩ luật học vi phạm cơ bản hợp đồng theo quy định của công ước viên năm 1980 về hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế và định hướng hoàn thiện các quy định có liên quan của pháp luật việt nam
Luận án tiến sĩ luật học vi phạm cơ bản hợp đồng theo quy định của công ước viên năm 1980 về hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế và định hướng hoàn thiện các quy định có liên quan của pháp luật việt nam
Luận án tiến sĩ luật học vi phạm cơ bản hợp đồng theo quy định của công ước viên năm 1980 về hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế và định hướng hoàn thiện các quy định có liên quan của pháp luật việt nam
Luận án tiến sĩ luật học vi phạm cơ bản hợp đồng theo quy định của công ước viên năm 1980 về hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế và định hướng hoàn thiện các quy định có liên quan của pháp luật việt nam
Luận án tiến sĩ luật học vi phạm cơ bản hợp đồng theo quy định của công ước viên năm 1980 về hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế và định hướng hoàn thiện các quy định có liên quan của pháp luật việt nam
Luận án tiến sĩ luật học vi phạm cơ bản hợp đồng theo quy định của công ước viên năm 1980 về hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế và định hướng hoàn thiện các quy định có liên quan của pháp luật việt nam
Luận án tiến sĩ luật học vi phạm cơ bản hợp đồng theo quy định của công ước viên năm 1980 về hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế và định hướng hoàn thiện các quy định có liên quan của pháp luật việt nam
Luận án tiến sĩ luật học vi phạm cơ bản hợp đồng theo quy định của công ước viên năm 1980 về hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế và định hướng hoàn thiện các quy định có liên quan của pháp luật việt nam
Luận án tiến sĩ luật học vi phạm cơ bản hợp đồng theo quy định của công ước viên năm 1980 về hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế và định hướng hoàn thiện các quy định có liên quan của pháp luật việt nam
Luận án tiến sĩ luật học vi phạm cơ bản hợp đồng theo quy định của công ước viên năm 1980 về hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế và định hướng hoàn thiện các quy định có liên quan của pháp luật việt nam
Luận án tiến sĩ luật học vi phạm cơ bản hợp đồng theo quy định của công ước viên năm 1980 về hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế và định hướng hoàn thiện các quy định có liên quan của pháp luật việt nam
Luận án tiến sĩ luật học vi phạm cơ bản hợp đồng theo quy định của công ước viên năm 1980 về hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế và định hướng hoàn thiện các quy định có liên quan của pháp luật việt nam
Luận án tiến sĩ luật học vi phạm cơ bản hợp đồng theo quy định của công ước viên năm 1980 về hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế và định hướng hoàn thiện các quy định có liên quan của pháp luật việt nam
Luận án tiến sĩ luật học vi phạm cơ bản hợp đồng theo quy định của công ước viên năm 1980 về hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế và định hướng hoàn thiện các quy định có liên quan của pháp luật việt nam
Luận án tiến sĩ luật học vi phạm cơ bản hợp đồng theo quy định của công ước viên năm 1980 về hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế và định hướng hoàn thiện các quy định có liên quan của pháp luật việt nam
Luận án tiến sĩ luật học vi phạm cơ bản hợp đồng theo quy định của công ước viên năm 1980 về hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế và định hướng hoàn thiện các quy định có liên quan của pháp luật việt nam
Luận án tiến sĩ luật học vi phạm cơ bản hợp đồng theo quy định của công ước viên năm 1980 về hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế và định hướng hoàn thiện các quy định có liên quan của pháp luật việt nam
Luận án tiến sĩ luật học vi phạm cơ bản hợp đồng theo quy định của công ước viên năm 1980 về hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế và định hướng hoàn thiện các quy định có liên quan của pháp luật việt nam
Luận án tiến sĩ luật học vi phạm cơ bản hợp đồng theo quy định của công ước viên năm 1980 về hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế và định hướng hoàn thiện các quy định có liên quan của pháp luật việt nam
Luận án tiến sĩ luật học vi phạm cơ bản hợp đồng theo quy định của công ước viên năm 1980 về hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế và định hướng hoàn thiện các quy định có liên quan của pháp luật việt nam
Luận án tiến sĩ luật học vi phạm cơ bản hợp đồng theo quy định của công ước viên năm 1980 về hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế và định hướng hoàn thiện các quy định có liên quan của pháp luật việt nam
Luận án tiến sĩ luật học vi phạm cơ bản hợp đồng theo quy định của công ước viên năm 1980 về hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế và định hướng hoàn thiện các quy định có liên quan của pháp luật việt nam
Luận án tiến sĩ luật học vi phạm cơ bản hợp đồng theo quy định của công ước viên năm 1980 về hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế và định hướng hoàn thiện các quy định có liên quan của pháp luật việt nam
Luận án tiến sĩ luật học vi phạm cơ bản hợp đồng theo quy định của công ước viên năm 1980 về hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế và định hướng hoàn thiện các quy định có liên quan của pháp luật việt nam
Luận án tiến sĩ luật học vi phạm cơ bản hợp đồng theo quy định của công ước viên năm 1980 về hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế và định hướng hoàn thiện các quy định có liên quan của pháp luật việt nam
Luận án tiến sĩ luật học vi phạm cơ bản hợp đồng theo quy định của công ước viên năm 1980 về hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế và định hướng hoàn thiện các quy định có liên quan của pháp luật việt nam
Luận án tiến sĩ luật học vi phạm cơ bản hợp đồng theo quy định của công ước viên năm 1980 về hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế và định hướng hoàn thiện các quy định có liên quan của pháp luật việt nam

More Related Content

What's hot

Đề tài: Thực hiện hợp đồng đặt cọc theo pháp luật Việt Nam hiện hành và thục ...
Đề tài: Thực hiện hợp đồng đặt cọc theo pháp luật Việt Nam hiện hành và thục ...Đề tài: Thực hiện hợp đồng đặt cọc theo pháp luật Việt Nam hiện hành và thục ...
Đề tài: Thực hiện hợp đồng đặt cọc theo pháp luật Việt Nam hiện hành và thục ...Viết thuê trọn gói ZALO 0934573149
 
99 đề tài báo cáo thực tập ngành luật, luật dân sự, kinh tế, hình sự, quốc tế..
99 đề tài báo cáo thực tập ngành luật, luật dân sự, kinh tế, hình sự, quốc tế..99 đề tài báo cáo thực tập ngành luật, luật dân sự, kinh tế, hình sự, quốc tế..
99 đề tài báo cáo thực tập ngành luật, luật dân sự, kinh tế, hình sự, quốc tế..Dịch vụ viết bài trọn gói ZALO: 0909232620
 

What's hot (20)

Đề tài: Miễn trách nhiệm bồi thường thiệt hại theo hợp đồng, HAY
Đề tài: Miễn trách nhiệm bồi thường thiệt hại theo hợp đồng, HAYĐề tài: Miễn trách nhiệm bồi thường thiệt hại theo hợp đồng, HAY
Đề tài: Miễn trách nhiệm bồi thường thiệt hại theo hợp đồng, HAY
 
Luận văn: Hiệu lực của thỏa thuận trọng tài theo pháp luật, HAY
Luận văn: Hiệu lực của thỏa thuận trọng tài theo pháp luật, HAYLuận văn: Hiệu lực của thỏa thuận trọng tài theo pháp luật, HAY
Luận văn: Hiệu lực của thỏa thuận trọng tài theo pháp luật, HAY
 
Luận văn: Giao kết hợp đồng thương mại theo pháp luật Việt Nam
Luận văn: Giao kết hợp đồng thương mại theo pháp luật Việt NamLuận văn: Giao kết hợp đồng thương mại theo pháp luật Việt Nam
Luận văn: Giao kết hợp đồng thương mại theo pháp luật Việt Nam
 
Đề tài: Thực hiện hợp đồng mua bán hàng hóa theo luật, HAY
Đề tài: Thực hiện hợp đồng mua bán hàng hóa theo luật, HAYĐề tài: Thực hiện hợp đồng mua bán hàng hóa theo luật, HAY
Đề tài: Thực hiện hợp đồng mua bán hàng hóa theo luật, HAY
 
Đề tài: Thực hiện hợp đồng đặt cọc theo pháp luật Việt Nam hiện hành và thục ...
Đề tài: Thực hiện hợp đồng đặt cọc theo pháp luật Việt Nam hiện hành và thục ...Đề tài: Thực hiện hợp đồng đặt cọc theo pháp luật Việt Nam hiện hành và thục ...
Đề tài: Thực hiện hợp đồng đặt cọc theo pháp luật Việt Nam hiện hành và thục ...
 
Luận văn: Bồi thường thiệt hại do vi phạm hợp đồng, HOT
Luận văn: Bồi thường thiệt hại do vi phạm hợp đồng, HOTLuận văn: Bồi thường thiệt hại do vi phạm hợp đồng, HOT
Luận văn: Bồi thường thiệt hại do vi phạm hợp đồng, HOT
 
Luận văn: Hợp đồng lao động vô hiệu theo pháp luật lao động, 9đ
Luận văn: Hợp đồng lao động vô hiệu theo pháp luật lao động, 9đLuận văn: Hợp đồng lao động vô hiệu theo pháp luật lao động, 9đ
Luận văn: Hợp đồng lao động vô hiệu theo pháp luật lao động, 9đ
 
Luận văn: Pháp luật về mua bán doanh nghiệp ở Việt nam, HOT
Luận văn: Pháp luật về mua bán doanh nghiệp ở Việt nam, HOTLuận văn: Pháp luật về mua bán doanh nghiệp ở Việt nam, HOT
Luận văn: Pháp luật về mua bán doanh nghiệp ở Việt nam, HOT
 
99 đề tài báo cáo thực tập ngành luật, luật dân sự, kinh tế, hình sự, quốc tế..
99 đề tài báo cáo thực tập ngành luật, luật dân sự, kinh tế, hình sự, quốc tế..99 đề tài báo cáo thực tập ngành luật, luật dân sự, kinh tế, hình sự, quốc tế..
99 đề tài báo cáo thực tập ngành luật, luật dân sự, kinh tế, hình sự, quốc tế..
 
Luận văn: Giao dịch dân sự vô hiệu do lừa dối theo pháp luật, HAY
Luận văn: Giao dịch dân sự vô hiệu do lừa dối theo pháp luật, HAYLuận văn: Giao dịch dân sự vô hiệu do lừa dối theo pháp luật, HAY
Luận văn: Giao dịch dân sự vô hiệu do lừa dối theo pháp luật, HAY
 
Luận văn: Hợp đồng hợp tác kinh doanh (BCC) theo Luật Đầu tư
Luận văn: Hợp đồng hợp tác kinh doanh (BCC) theo Luật Đầu tưLuận văn: Hợp đồng hợp tác kinh doanh (BCC) theo Luật Đầu tư
Luận văn: Hợp đồng hợp tác kinh doanh (BCC) theo Luật Đầu tư
 
Luận văn: Giao kết và thực hiện hợp đồng mua bán hàng hoá
Luận văn: Giao kết và thực hiện hợp đồng mua bán hàng hoá Luận văn: Giao kết và thực hiện hợp đồng mua bán hàng hoá
Luận văn: Giao kết và thực hiện hợp đồng mua bán hàng hoá
 
Luận văn: Hợp đồng mua bán nhà ở theo pháp luật, HAY
Luận văn: Hợp đồng mua bán nhà ở theo pháp luật, HAYLuận văn: Hợp đồng mua bán nhà ở theo pháp luật, HAY
Luận văn: Hợp đồng mua bán nhà ở theo pháp luật, HAY
 
Luận án: Giải quyết tranh chấp giữa người tiêu dùng với thương nhân
Luận án: Giải quyết tranh chấp giữa người tiêu dùng với thương nhânLuận án: Giải quyết tranh chấp giữa người tiêu dùng với thương nhân
Luận án: Giải quyết tranh chấp giữa người tiêu dùng với thương nhân
 
Luận văn: Quản lý và xử lý tài sản phá sản theo luật phá sản
Luận văn: Quản lý và xử lý tài sản phá sản theo luật phá sảnLuận văn: Quản lý và xử lý tài sản phá sản theo luật phá sản
Luận văn: Quản lý và xử lý tài sản phá sản theo luật phá sản
 
Luận văn: Hợp đồng mua bán hàng hóa theo pháp luật Việt Nam
Luận văn: Hợp đồng mua bán hàng hóa theo pháp luật Việt NamLuận văn: Hợp đồng mua bán hàng hóa theo pháp luật Việt Nam
Luận văn: Hợp đồng mua bán hàng hóa theo pháp luật Việt Nam
 
Luận văn: Hủy bỏ hợp đồng theo pháp luật thương mại ở Việt Nam, 9 ĐIỂM
Luận văn: Hủy bỏ hợp đồng theo pháp luật thương mại ở Việt Nam, 9 ĐIỂMLuận văn: Hủy bỏ hợp đồng theo pháp luật thương mại ở Việt Nam, 9 ĐIỂM
Luận văn: Hủy bỏ hợp đồng theo pháp luật thương mại ở Việt Nam, 9 ĐIỂM
 
Luận văn: Pháp luật về thỏa thuận trọng tài ở Việt Nam, HAY
Luận văn: Pháp luật về thỏa thuận trọng tài ở Việt Nam, HAYLuận văn: Pháp luật về thỏa thuận trọng tài ở Việt Nam, HAY
Luận văn: Pháp luật về thỏa thuận trọng tài ở Việt Nam, HAY
 
Luận văn: Nguyên tắc tranh tụng trong tố tụng dân sự, HOT
Luận văn: Nguyên tắc tranh tụng trong tố tụng dân sự, HOTLuận văn: Nguyên tắc tranh tụng trong tố tụng dân sự, HOT
Luận văn: Nguyên tắc tranh tụng trong tố tụng dân sự, HOT
 
Đề tài: Thực hiện hợp đồng đặt cọc theo pháp luật Việt Nam hiện hành và thục ...
Đề tài: Thực hiện hợp đồng đặt cọc theo pháp luật Việt Nam hiện hành và thục ...Đề tài: Thực hiện hợp đồng đặt cọc theo pháp luật Việt Nam hiện hành và thục ...
Đề tài: Thực hiện hợp đồng đặt cọc theo pháp luật Việt Nam hiện hành và thục ...
 

Viewers also liked

Hướng dẫn về Hợp đồng mua bán hàng hoá quốc tế theo Công ước Viên ...
Hướng dẫn về Hợp đồng mua bán hàng hoá quốc tế theo Công ước Viên ...Hướng dẫn về Hợp đồng mua bán hàng hoá quốc tế theo Công ước Viên ...
Hướng dẫn về Hợp đồng mua bán hàng hoá quốc tế theo Công ước Viên ...Phap Nguyen
 
100 câu hỏi về Hợp đồng Vận Chuyển Đường Biển
100 câu hỏi về Hợp đồng Vận Chuyển Đường Biển100 câu hỏi về Hợp đồng Vận Chuyển Đường Biển
100 câu hỏi về Hợp đồng Vận Chuyển Đường BiểnTrung Tâm Kiến Tập
 
Quy trình soạn thảo và thẩm định hợp đồng
Quy trình soạn thảo và thẩm định hợp đồngQuy trình soạn thảo và thẩm định hợp đồng
Quy trình soạn thảo và thẩm định hợp đồnghoasengroup
 
Fundamental Breach of Contract - A Post Mortem
Fundamental Breach of Contract - A Post MortemFundamental Breach of Contract - A Post Mortem
Fundamental Breach of Contract - A Post MortemBenjamin Dominikovich
 
Bab 2 analisis desain pekerjaan
Bab 2 analisis desain pekerjaanBab 2 analisis desain pekerjaan
Bab 2 analisis desain pekerjaanRahmadani Nur
 
Hiệu lực của hợp đồng theo qui định của pháp luật việt nam
Hiệu lực của hợp đồng theo qui định của pháp luật việt namHiệu lực của hợp đồng theo qui định của pháp luật việt nam
Hiệu lực của hợp đồng theo qui định của pháp luật việt namhttps://www.facebook.com/garmentspace
 
Sand Problem in Oil Wells
Sand Problem in Oil WellsSand Problem in Oil Wells
Sand Problem in Oil Wellsthe_duke7
 
Tài liệu hướng dẫn sử dụng phần mềm kế toán Simply Accounting
Tài liệu hướng dẫn sử dụng phần mềm kế toán Simply AccountingTài liệu hướng dẫn sử dụng phần mềm kế toán Simply Accounting
Tài liệu hướng dẫn sử dụng phần mềm kế toán Simply AccountingSimplyAcc
 
Cách soạn thảo hợp đồng ngoại thương
Cách soạn thảo hợp đồng ngoại thươngCách soạn thảo hợp đồng ngoại thương
Cách soạn thảo hợp đồng ngoại thươngDoan Tran Ngocvu
 
Using Songs in the English Classroom
Using Songs in the English ClassroomUsing Songs in the English Classroom
Using Songs in the English Classroomkathiuska456
 
Pengkosan produk 2 pengiraan kos
Pengkosan produk 2 pengiraan kosPengkosan produk 2 pengiraan kos
Pengkosan produk 2 pengiraan kosClean Agent Sdn Bhd
 
Quản trị chiến lược HSG - pptx
Quản trị chiến lược HSG - pptxQuản trị chiến lược HSG - pptx
Quản trị chiến lược HSG - pptxDat Le Tan
 
Financial Management: Risk and Rates of Return
Financial Management: Risk and Rates of ReturnFinancial Management: Risk and Rates of Return
Financial Management: Risk and Rates of Returnpetch243
 
Bai tap ki thuat nghiep vu ngoai thuong va loi giai chi tiet chuong 2
Bai tap ki thuat nghiep vu ngoai thuong va loi giai chi tiet chuong 2Bai tap ki thuat nghiep vu ngoai thuong va loi giai chi tiet chuong 2
Bai tap ki thuat nghiep vu ngoai thuong va loi giai chi tiet chuong 2xuanduong92
 
Tổng quan môn học quản trị logistics kinh doanh
Tổng quan môn học quản trị logistics kinh doanhTổng quan môn học quản trị logistics kinh doanh
Tổng quan môn học quản trị logistics kinh doanhmrson Nun
 
BÀI TIỂU LUẬN VỀ INCOTERMS
BÀI TIỂU LUẬN VỀ INCOTERMS BÀI TIỂU LUẬN VỀ INCOTERMS
BÀI TIỂU LUẬN VỀ INCOTERMS Tran Thu
 
HỢP ĐỒNG NGOẠI THƯƠNG, HÓA ĐƠN THƯƠNG MẠI, PHIẾU ĐÓNG GÓI SONG NGỮ ANH VIỆT!!!
HỢP ĐỒNG NGOẠI THƯƠNG, HÓA ĐƠN THƯƠNG MẠI, PHIẾU ĐÓNG GÓI SONG NGỮ ANH VIỆT!!!HỢP ĐỒNG NGOẠI THƯƠNG, HÓA ĐƠN THƯƠNG MẠI, PHIẾU ĐÓNG GÓI SONG NGỮ ANH VIỆT!!!
HỢP ĐỒNG NGOẠI THƯƠNG, HÓA ĐƠN THƯƠNG MẠI, PHIẾU ĐÓNG GÓI SONG NGỮ ANH VIỆT!!!Vũ Phong Nguyễn
 
Professional english for_students_of_logistics_disclaimer
Professional english for_students_of_logistics_disclaimerProfessional english for_students_of_logistics_disclaimer
Professional english for_students_of_logistics_disclaimerAntoree.com
 

Viewers also liked (20)

Hướng dẫn về Hợp đồng mua bán hàng hoá quốc tế theo Công ước Viên ...
Hướng dẫn về Hợp đồng mua bán hàng hoá quốc tế theo Công ước Viên ...Hướng dẫn về Hợp đồng mua bán hàng hoá quốc tế theo Công ước Viên ...
Hướng dẫn về Hợp đồng mua bán hàng hoá quốc tế theo Công ước Viên ...
 
100 câu hỏi về Hợp đồng Vận Chuyển Đường Biển
100 câu hỏi về Hợp đồng Vận Chuyển Đường Biển100 câu hỏi về Hợp đồng Vận Chuyển Đường Biển
100 câu hỏi về Hợp đồng Vận Chuyển Đường Biển
 
Quy trình soạn thảo và thẩm định hợp đồng
Quy trình soạn thảo và thẩm định hợp đồngQuy trình soạn thảo và thẩm định hợp đồng
Quy trình soạn thảo và thẩm định hợp đồng
 
Fundamental Breach of Contract - A Post Mortem
Fundamental Breach of Contract - A Post MortemFundamental Breach of Contract - A Post Mortem
Fundamental Breach of Contract - A Post Mortem
 
Bab 2 analisis desain pekerjaan
Bab 2 analisis desain pekerjaanBab 2 analisis desain pekerjaan
Bab 2 analisis desain pekerjaan
 
Hiệu lực của hợp đồng theo qui định của pháp luật việt nam
Hiệu lực của hợp đồng theo qui định của pháp luật việt namHiệu lực của hợp đồng theo qui định của pháp luật việt nam
Hiệu lực của hợp đồng theo qui định của pháp luật việt nam
 
Sand Problem in Oil Wells
Sand Problem in Oil WellsSand Problem in Oil Wells
Sand Problem in Oil Wells
 
Tài liệu hướng dẫn sử dụng phần mềm kế toán Simply Accounting
Tài liệu hướng dẫn sử dụng phần mềm kế toán Simply AccountingTài liệu hướng dẫn sử dụng phần mềm kế toán Simply Accounting
Tài liệu hướng dẫn sử dụng phần mềm kế toán Simply Accounting
 
Cách soạn thảo hợp đồng ngoại thương
Cách soạn thảo hợp đồng ngoại thươngCách soạn thảo hợp đồng ngoại thương
Cách soạn thảo hợp đồng ngoại thương
 
Using Songs in the English Classroom
Using Songs in the English ClassroomUsing Songs in the English Classroom
Using Songs in the English Classroom
 
Small Cell Lung Cancer
Small Cell Lung CancerSmall Cell Lung Cancer
Small Cell Lung Cancer
 
Pengkosan produk 2 pengiraan kos
Pengkosan produk 2 pengiraan kosPengkosan produk 2 pengiraan kos
Pengkosan produk 2 pengiraan kos
 
Quản trị chiến lược HSG - pptx
Quản trị chiến lược HSG - pptxQuản trị chiến lược HSG - pptx
Quản trị chiến lược HSG - pptx
 
Financial Management: Risk and Rates of Return
Financial Management: Risk and Rates of ReturnFinancial Management: Risk and Rates of Return
Financial Management: Risk and Rates of Return
 
Bai tap ki thuat nghiep vu ngoai thuong va loi giai chi tiet chuong 2
Bai tap ki thuat nghiep vu ngoai thuong va loi giai chi tiet chuong 2Bai tap ki thuat nghiep vu ngoai thuong va loi giai chi tiet chuong 2
Bai tap ki thuat nghiep vu ngoai thuong va loi giai chi tiet chuong 2
 
Tổng quan môn học quản trị logistics kinh doanh
Tổng quan môn học quản trị logistics kinh doanhTổng quan môn học quản trị logistics kinh doanh
Tổng quan môn học quản trị logistics kinh doanh
 
BÀI TIỂU LUẬN VỀ INCOTERMS
BÀI TIỂU LUẬN VỀ INCOTERMS BÀI TIỂU LUẬN VỀ INCOTERMS
BÀI TIỂU LUẬN VỀ INCOTERMS
 
File PDF Sách Tiếng anh chuyên ngành Logistics - English for Logistics Books.
File PDF Sách Tiếng anh chuyên ngành Logistics - English for Logistics Books.File PDF Sách Tiếng anh chuyên ngành Logistics - English for Logistics Books.
File PDF Sách Tiếng anh chuyên ngành Logistics - English for Logistics Books.
 
HỢP ĐỒNG NGOẠI THƯƠNG, HÓA ĐƠN THƯƠNG MẠI, PHIẾU ĐÓNG GÓI SONG NGỮ ANH VIỆT!!!
HỢP ĐỒNG NGOẠI THƯƠNG, HÓA ĐƠN THƯƠNG MẠI, PHIẾU ĐÓNG GÓI SONG NGỮ ANH VIỆT!!!HỢP ĐỒNG NGOẠI THƯƠNG, HÓA ĐƠN THƯƠNG MẠI, PHIẾU ĐÓNG GÓI SONG NGỮ ANH VIỆT!!!
HỢP ĐỒNG NGOẠI THƯƠNG, HÓA ĐƠN THƯƠNG MẠI, PHIẾU ĐÓNG GÓI SONG NGỮ ANH VIỆT!!!
 
Professional english for_students_of_logistics_disclaimer
Professional english for_students_of_logistics_disclaimerProfessional english for_students_of_logistics_disclaimer
Professional english for_students_of_logistics_disclaimer
 

Similar to Luận án tiến sĩ luật học vi phạm cơ bản hợp đồng theo quy định của công ước viên năm 1980 về hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế và định hướng hoàn thiện các quy định có liên quan của pháp luật việt nam

So sánh chế tài thương mại trong CISG và trong pháp luật Việt Nam - TẢI FREE ...
So sánh chế tài thương mại trong CISG và trong pháp luật Việt Nam - TẢI FREE ...So sánh chế tài thương mại trong CISG và trong pháp luật Việt Nam - TẢI FREE ...
So sánh chế tài thương mại trong CISG và trong pháp luật Việt Nam - TẢI FREE ...Dịch vụ viết bài trọn gói ZALO 0917193864
 
Hoàn thiện pháp luật Việt Nam về các thể loại chế tài đối với vi phạm hợp đồn...
Hoàn thiện pháp luật Việt Nam về các thể loại chế tài đối với vi phạm hợp đồn...Hoàn thiện pháp luật Việt Nam về các thể loại chế tài đối với vi phạm hợp đồn...
Hoàn thiện pháp luật Việt Nam về các thể loại chế tài đối với vi phạm hợp đồn...Viết Thuê Khóa Luận _ ZALO 0917.193.864 default
 
Tranh chấp trong hợp đồng ngoại thương
Tranh chấp trong hợp đồng ngoại thươngTranh chấp trong hợp đồng ngoại thương
Tranh chấp trong hợp đồng ngoại thươngTrung Tâm Kiến Tập
 
Luận văn: Các thể loại chế tài đối với vi phạm hợp đồng thương mại, 9 ĐIỂM
Luận văn: Các thể loại chế tài đối với vi phạm hợp đồng thương mại, 9 ĐIỂMLuận văn: Các thể loại chế tài đối với vi phạm hợp đồng thương mại, 9 ĐIỂM
Luận văn: Các thể loại chế tài đối với vi phạm hợp đồng thương mại, 9 ĐIỂMViết Thuê Khóa Luận _ ZALO 0917.193.864 default
 
Luận văn: chế tài phạt vi phạm và bồi thường thiệt hại trong hợp đồng mua bán
Luận văn: chế tài phạt vi phạm và bồi thường thiệt hại trong hợp đồng mua bánLuận văn: chế tài phạt vi phạm và bồi thường thiệt hại trong hợp đồng mua bán
Luận văn: chế tài phạt vi phạm và bồi thường thiệt hại trong hợp đồng mua bánViết Thuê Khóa Luận _ ZALO 0917.193.864 default
 
Đồ Án Tốt Nghiệp Pháp Luật Về Phạt Vi Phạm Trong Hợp Đồng Lĩnh Vực Thương Mại
Đồ Án Tốt Nghiệp Pháp Luật Về Phạt Vi Phạm Trong Hợp Đồng Lĩnh Vực Thương MạiĐồ Án Tốt Nghiệp Pháp Luật Về Phạt Vi Phạm Trong Hợp Đồng Lĩnh Vực Thương Mại
Đồ Án Tốt Nghiệp Pháp Luật Về Phạt Vi Phạm Trong Hợp Đồng Lĩnh Vực Thương MạiViết Thuê Luận Văn Luanvanpanda.com
 
Đồ Án Tốt Nghiệp Pháp Luật Về Phạt Vi Phạm Trong Hợp Đồng Lĩnh Vực Thương Mại
Đồ Án Tốt Nghiệp Pháp Luật Về Phạt Vi Phạm Trong Hợp Đồng Lĩnh Vực Thương MạiĐồ Án Tốt Nghiệp Pháp Luật Về Phạt Vi Phạm Trong Hợp Đồng Lĩnh Vực Thương Mại
Đồ Án Tốt Nghiệp Pháp Luật Về Phạt Vi Phạm Trong Hợp Đồng Lĩnh Vực Thương MạiViết Thuê Luận Văn Luanvanpanda.com
 
Đồ Án Tốt Nghiệp Pháp Luật Về Phạt Vi Phạm Trong Hợp Đồng Lĩnh Vực Thương Mại
Đồ Án Tốt Nghiệp Pháp Luật Về Phạt Vi Phạm Trong Hợp Đồng Lĩnh Vực Thương MạiĐồ Án Tốt Nghiệp Pháp Luật Về Phạt Vi Phạm Trong Hợp Đồng Lĩnh Vực Thương Mại
Đồ Án Tốt Nghiệp Pháp Luật Về Phạt Vi Phạm Trong Hợp Đồng Lĩnh Vực Thương MạiHỗ Trợ Viết Đề Tài luanvanpanda.com
 
Pháp luật về thỏa thuận thỏa thuận hạn chế cạnh tranh trong hoạt động thương mại
Pháp luật về thỏa thuận thỏa thuận hạn chế cạnh tranh trong hoạt động thương mạiPháp luật về thỏa thuận thỏa thuận hạn chế cạnh tranh trong hoạt động thương mại
Pháp luật về thỏa thuận thỏa thuận hạn chế cạnh tranh trong hoạt động thương mạianh hieu
 

Similar to Luận án tiến sĩ luật học vi phạm cơ bản hợp đồng theo quy định của công ước viên năm 1980 về hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế và định hướng hoàn thiện các quy định có liên quan của pháp luật việt nam (20)

Vi Phạm Cơ Bản Hợp Đồng Theo Pháp Luật Thương Mại
Vi Phạm Cơ Bản Hợp Đồng Theo Pháp Luật Thương MạiVi Phạm Cơ Bản Hợp Đồng Theo Pháp Luật Thương Mại
Vi Phạm Cơ Bản Hợp Đồng Theo Pháp Luật Thương Mại
 
Vi Phạm Cơ Bản Hợp Đồng Theo Pháp Luật Thương Mại.doc
Vi Phạm Cơ Bản Hợp Đồng Theo Pháp Luật Thương Mại.docVi Phạm Cơ Bản Hợp Đồng Theo Pháp Luật Thương Mại.doc
Vi Phạm Cơ Bản Hợp Đồng Theo Pháp Luật Thương Mại.doc
 
So sánh chế tài thương mại trong CISG và trong pháp luật Việt Nam - TẢI FREE ...
So sánh chế tài thương mại trong CISG và trong pháp luật Việt Nam - TẢI FREE ...So sánh chế tài thương mại trong CISG và trong pháp luật Việt Nam - TẢI FREE ...
So sánh chế tài thương mại trong CISG và trong pháp luật Việt Nam - TẢI FREE ...
 
Báo Cáo Thực Tập Thực Tiễn Thực Hiện Các Quy Định Pháp Luật Về Hợp Đồng T...
Báo Cáo Thực Tập Thực Tiễn Thực Hiện Các Quy Định Pháp Luật Về Hợp Đồng T...Báo Cáo Thực Tập Thực Tiễn Thực Hiện Các Quy Định Pháp Luật Về Hợp Đồng T...
Báo Cáo Thực Tập Thực Tiễn Thực Hiện Các Quy Định Pháp Luật Về Hợp Đồng T...
 
Luận văn: Hợp đồng vô hiệu do nhầm lần theo pháp luật, HAY
Luận văn: Hợp đồng vô hiệu do nhầm lần theo pháp luật, HAYLuận văn: Hợp đồng vô hiệu do nhầm lần theo pháp luật, HAY
Luận văn: Hợp đồng vô hiệu do nhầm lần theo pháp luật, HAY
 
Hoàn thiện pháp luật Việt Nam về các thể loại chế tài đối với vi phạm hợp đồn...
Hoàn thiện pháp luật Việt Nam về các thể loại chế tài đối với vi phạm hợp đồn...Hoàn thiện pháp luật Việt Nam về các thể loại chế tài đối với vi phạm hợp đồn...
Hoàn thiện pháp luật Việt Nam về các thể loại chế tài đối với vi phạm hợp đồn...
 
Tranh chấp trong hợp đồng ngoại thương
Tranh chấp trong hợp đồng ngoại thươngTranh chấp trong hợp đồng ngoại thương
Tranh chấp trong hợp đồng ngoại thương
 
Luận văn: Các thể loại chế tài đối với vi phạm hợp đồng thương mại, 9 ĐIỂM
Luận văn: Các thể loại chế tài đối với vi phạm hợp đồng thương mại, 9 ĐIỂMLuận văn: Các thể loại chế tài đối với vi phạm hợp đồng thương mại, 9 ĐIỂM
Luận văn: Các thể loại chế tài đối với vi phạm hợp đồng thương mại, 9 ĐIỂM
 
Luận văn: Giải quyết xung đột pháp luật về hợp đồng, HOT
Luận văn: Giải quyết xung đột pháp luật về hợp đồng, HOTLuận văn: Giải quyết xung đột pháp luật về hợp đồng, HOT
Luận văn: Giải quyết xung đột pháp luật về hợp đồng, HOT
 
Thỏa thuận trọng tài vô hiệu theo pháp luật trọng tài thương mại, 9đ
Thỏa thuận trọng tài vô hiệu theo pháp luật trọng tài thương mại, 9đThỏa thuận trọng tài vô hiệu theo pháp luật trọng tài thương mại, 9đ
Thỏa thuận trọng tài vô hiệu theo pháp luật trọng tài thương mại, 9đ
 
Bài mẫu Luận văn Hủy bỏ hợp đồng theo quy định, 9 ĐIỂM
Bài mẫu Luận văn Hủy bỏ hợp đồng theo quy định, 9 ĐIỂMBài mẫu Luận văn Hủy bỏ hợp đồng theo quy định, 9 ĐIỂM
Bài mẫu Luận văn Hủy bỏ hợp đồng theo quy định, 9 ĐIỂM
 
Luận văn vi phạm hợp đồng, 9 ĐIỂM
Luận văn vi phạm hợp đồng, 9 ĐIỂMLuận văn vi phạm hợp đồng, 9 ĐIỂM
Luận văn vi phạm hợp đồng, 9 ĐIỂM
 
Luận văn: chế tài phạt vi phạm và bồi thường thiệt hại trong hợp đồng mua bán
Luận văn: chế tài phạt vi phạm và bồi thường thiệt hại trong hợp đồng mua bánLuận văn: chế tài phạt vi phạm và bồi thường thiệt hại trong hợp đồng mua bán
Luận văn: chế tài phạt vi phạm và bồi thường thiệt hại trong hợp đồng mua bán
 
Đồ Án Tốt Nghiệp Pháp Luật Về Phạt Vi Phạm Trong Hợp Đồng Lĩnh Vực Thương Mại
Đồ Án Tốt Nghiệp Pháp Luật Về Phạt Vi Phạm Trong Hợp Đồng Lĩnh Vực Thương MạiĐồ Án Tốt Nghiệp Pháp Luật Về Phạt Vi Phạm Trong Hợp Đồng Lĩnh Vực Thương Mại
Đồ Án Tốt Nghiệp Pháp Luật Về Phạt Vi Phạm Trong Hợp Đồng Lĩnh Vực Thương Mại
 
Đồ Án Tốt Nghiệp Pháp Luật Về Phạt Vi Phạm Trong Hợp Đồng Lĩnh Vực Thương Mại
Đồ Án Tốt Nghiệp Pháp Luật Về Phạt Vi Phạm Trong Hợp Đồng Lĩnh Vực Thương MạiĐồ Án Tốt Nghiệp Pháp Luật Về Phạt Vi Phạm Trong Hợp Đồng Lĩnh Vực Thương Mại
Đồ Án Tốt Nghiệp Pháp Luật Về Phạt Vi Phạm Trong Hợp Đồng Lĩnh Vực Thương Mại
 
Đề tài: Pháp luật về chế tài đối với vi phạm hợp đồng thương mại
Đề tài: Pháp luật về chế tài đối với vi phạm hợp đồng thương mạiĐề tài: Pháp luật về chế tài đối với vi phạm hợp đồng thương mại
Đề tài: Pháp luật về chế tài đối với vi phạm hợp đồng thương mại
 
Đồ Án Tốt Nghiệp Pháp Luật Về Phạt Vi Phạm Trong Hợp Đồng Lĩnh Vực Thương Mại
Đồ Án Tốt Nghiệp Pháp Luật Về Phạt Vi Phạm Trong Hợp Đồng Lĩnh Vực Thương MạiĐồ Án Tốt Nghiệp Pháp Luật Về Phạt Vi Phạm Trong Hợp Đồng Lĩnh Vực Thương Mại
Đồ Án Tốt Nghiệp Pháp Luật Về Phạt Vi Phạm Trong Hợp Đồng Lĩnh Vực Thương Mại
 
Luận văn: Sự thống nhất ý chí để giao kết hợp đồng thương mại
Luận văn: Sự thống nhất ý chí để giao kết hợp đồng thương mạiLuận văn: Sự thống nhất ý chí để giao kết hợp đồng thương mại
Luận văn: Sự thống nhất ý chí để giao kết hợp đồng thương mại
 
Khoá Luận Bồi Thường Thiệt Hại Do Vi Phạm Hợp Đồng Quy Định Pháp Luật.
Khoá Luận Bồi Thường Thiệt Hại Do Vi Phạm Hợp Đồng Quy Định Pháp Luật.Khoá Luận Bồi Thường Thiệt Hại Do Vi Phạm Hợp Đồng Quy Định Pháp Luật.
Khoá Luận Bồi Thường Thiệt Hại Do Vi Phạm Hợp Đồng Quy Định Pháp Luật.
 
Pháp luật về thỏa thuận thỏa thuận hạn chế cạnh tranh trong hoạt động thương mại
Pháp luật về thỏa thuận thỏa thuận hạn chế cạnh tranh trong hoạt động thương mạiPháp luật về thỏa thuận thỏa thuận hạn chế cạnh tranh trong hoạt động thương mại
Pháp luật về thỏa thuận thỏa thuận hạn chế cạnh tranh trong hoạt động thương mại
 

More from https://www.facebook.com/garmentspace

Khóa luận tốt nghiệp ngành Luật Bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ đối với nhãn hiệu...
Khóa luận tốt nghiệp ngành Luật Bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ đối với nhãn hiệu...Khóa luận tốt nghiệp ngành Luật Bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ đối với nhãn hiệu...
Khóa luận tốt nghiệp ngành Luật Bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ đối với nhãn hiệu...https://www.facebook.com/garmentspace
 
Khóa luận tốt nghiệp Kinh tế Nâng cao hiệu quả kinh doanh của Công ty cổ phần...
Khóa luận tốt nghiệp Kinh tế Nâng cao hiệu quả kinh doanh của Công ty cổ phần...Khóa luận tốt nghiệp Kinh tế Nâng cao hiệu quả kinh doanh của Công ty cổ phần...
Khóa luận tốt nghiệp Kinh tế Nâng cao hiệu quả kinh doanh của Công ty cổ phần...https://www.facebook.com/garmentspace
 
Khóa luận tốt nghiệp Xây dựng hệ thống hỗ trợ tương tác trong quá trình điều ...
Khóa luận tốt nghiệp Xây dựng hệ thống hỗ trợ tương tác trong quá trình điều ...Khóa luận tốt nghiệp Xây dựng hệ thống hỗ trợ tương tác trong quá trình điều ...
Khóa luận tốt nghiệp Xây dựng hệ thống hỗ trợ tương tác trong quá trình điều ...https://www.facebook.com/garmentspace
 
Khóa luận tốt nghiệp Luật kinh tế Pháp luật về hợp đồng cung ứng dịch vụ thi ...
Khóa luận tốt nghiệp Luật kinh tế Pháp luật về hợp đồng cung ứng dịch vụ thi ...Khóa luận tốt nghiệp Luật kinh tế Pháp luật về hợp đồng cung ứng dịch vụ thi ...
Khóa luận tốt nghiệp Luật kinh tế Pháp luật về hợp đồng cung ứng dịch vụ thi ...https://www.facebook.com/garmentspace
 
Khóa luận tốt nghiệp Quản trị kinh doanh Hoàn thiện cơ cấu tổ chức và phân qu...
Khóa luận tốt nghiệp Quản trị kinh doanh Hoàn thiện cơ cấu tổ chức và phân qu...Khóa luận tốt nghiệp Quản trị kinh doanh Hoàn thiện cơ cấu tổ chức và phân qu...
Khóa luận tốt nghiệp Quản trị kinh doanh Hoàn thiện cơ cấu tổ chức và phân qu...https://www.facebook.com/garmentspace
 
Khóa luận tốt nghiệp Kinh tế Thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào các ...
Khóa luận tốt nghiệp Kinh tế Thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào các ...Khóa luận tốt nghiệp Kinh tế Thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào các ...
Khóa luận tốt nghiệp Kinh tế Thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào các ...https://www.facebook.com/garmentspace
 
Khóa luận tốt nghiệp Phân tích, thiết kế hệ thống thông tin quản lý nhân sự t...
Khóa luận tốt nghiệp Phân tích, thiết kế hệ thống thông tin quản lý nhân sự t...Khóa luận tốt nghiệp Phân tích, thiết kế hệ thống thông tin quản lý nhân sự t...
Khóa luận tốt nghiệp Phân tích, thiết kế hệ thống thông tin quản lý nhân sự t...https://www.facebook.com/garmentspace
 
Khóa luận tốt nghiệp Kinh tế Nâng cao năng lực cung ứng dịch vụ vận tải hàng ...
Khóa luận tốt nghiệp Kinh tế Nâng cao năng lực cung ứng dịch vụ vận tải hàng ...Khóa luận tốt nghiệp Kinh tế Nâng cao năng lực cung ứng dịch vụ vận tải hàng ...
Khóa luận tốt nghiệp Kinh tế Nâng cao năng lực cung ứng dịch vụ vận tải hàng ...https://www.facebook.com/garmentspace
 
Khóa luận tốt nghiệp Tuyển dụng nhân lực tại Công ty Cổ phần Miken Việt Nam.pdf
Khóa luận tốt nghiệp Tuyển dụng nhân lực tại Công ty Cổ phần Miken Việt Nam.pdfKhóa luận tốt nghiệp Tuyển dụng nhân lực tại Công ty Cổ phần Miken Việt Nam.pdf
Khóa luận tốt nghiệp Tuyển dụng nhân lực tại Công ty Cổ phần Miken Việt Nam.pdfhttps://www.facebook.com/garmentspace
 
Khóa luận tốt nghiệp ngành Luật Nâng cao hiệu quả áp dụng chính sách tiền lươ...
Khóa luận tốt nghiệp ngành Luật Nâng cao hiệu quả áp dụng chính sách tiền lươ...Khóa luận tốt nghiệp ngành Luật Nâng cao hiệu quả áp dụng chính sách tiền lươ...
Khóa luận tốt nghiệp ngành Luật Nâng cao hiệu quả áp dụng chính sách tiền lươ...https://www.facebook.com/garmentspace
 
Khóa luận tốt nghiệp ngành Luật Pháp luật về an toàn lao động và vệ sinh lao ...
Khóa luận tốt nghiệp ngành Luật Pháp luật về an toàn lao động và vệ sinh lao ...Khóa luận tốt nghiệp ngành Luật Pháp luật về an toàn lao động và vệ sinh lao ...
Khóa luận tốt nghiệp ngành Luật Pháp luật về an toàn lao động và vệ sinh lao ...https://www.facebook.com/garmentspace
 
Khóa luận tốt nghiệp Giải pháp phát triển hoạt động marketing điện tử cho Côn...
Khóa luận tốt nghiệp Giải pháp phát triển hoạt động marketing điện tử cho Côn...Khóa luận tốt nghiệp Giải pháp phát triển hoạt động marketing điện tử cho Côn...
Khóa luận tốt nghiệp Giải pháp phát triển hoạt động marketing điện tử cho Côn...https://www.facebook.com/garmentspace
 
Khóa luận tốt nghiệp Luật kinh tế Pháp luật về hợp đồng mua bán hàng hóa - Th...
Khóa luận tốt nghiệp Luật kinh tế Pháp luật về hợp đồng mua bán hàng hóa - Th...Khóa luận tốt nghiệp Luật kinh tế Pháp luật về hợp đồng mua bán hàng hóa - Th...
Khóa luận tốt nghiệp Luật kinh tế Pháp luật về hợp đồng mua bán hàng hóa - Th...https://www.facebook.com/garmentspace
 
Khóa luận tốt nghiệp Luật kinh tế Pháp luật về giao kết và thực hiện hợp đồng...
Khóa luận tốt nghiệp Luật kinh tế Pháp luật về giao kết và thực hiện hợp đồng...Khóa luận tốt nghiệp Luật kinh tế Pháp luật về giao kết và thực hiện hợp đồng...
Khóa luận tốt nghiệp Luật kinh tế Pháp luật về giao kết và thực hiện hợp đồng...https://www.facebook.com/garmentspace
 
Khóa luận tốt nghiệp Kinh tế Nâng cao năng lực cạnh tranh xuất khẩu mặt hàng ...
Khóa luận tốt nghiệp Kinh tế Nâng cao năng lực cạnh tranh xuất khẩu mặt hàng ...Khóa luận tốt nghiệp Kinh tế Nâng cao năng lực cạnh tranh xuất khẩu mặt hàng ...
Khóa luận tốt nghiệp Kinh tế Nâng cao năng lực cạnh tranh xuất khẩu mặt hàng ...https://www.facebook.com/garmentspace
 
Khóa luận tốt nghiệp Hoàn thiện công tác hoạch định của Công ty Cổ phần Đầu t...
Khóa luận tốt nghiệp Hoàn thiện công tác hoạch định của Công ty Cổ phần Đầu t...Khóa luận tốt nghiệp Hoàn thiện công tác hoạch định của Công ty Cổ phần Đầu t...
Khóa luận tốt nghiệp Hoàn thiện công tác hoạch định của Công ty Cổ phần Đầu t...https://www.facebook.com/garmentspace
 
Khóa luận tốt nghiệp ngành Luật Pháp luật về đăng ký kinh doanh và thực tiễn ...
Khóa luận tốt nghiệp ngành Luật Pháp luật về đăng ký kinh doanh và thực tiễn ...Khóa luận tốt nghiệp ngành Luật Pháp luật về đăng ký kinh doanh và thực tiễn ...
Khóa luận tốt nghiệp ngành Luật Pháp luật về đăng ký kinh doanh và thực tiễn ...https://www.facebook.com/garmentspace
 
Đề tài Tác động của đầu tư đến sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế.doc
Đề tài Tác động của đầu tư đến sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế.docĐề tài Tác động của đầu tư đến sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế.doc
Đề tài Tác động của đầu tư đến sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế.dochttps://www.facebook.com/garmentspace
 
Luận văn đề tài Nâng cao sự hài lòng về chất lượng dịch vụ tại công ty TNHH D...
Luận văn đề tài Nâng cao sự hài lòng về chất lượng dịch vụ tại công ty TNHH D...Luận văn đề tài Nâng cao sự hài lòng về chất lượng dịch vụ tại công ty TNHH D...
Luận văn đề tài Nâng cao sự hài lòng về chất lượng dịch vụ tại công ty TNHH D...https://www.facebook.com/garmentspace
 
Khóa luận tốt nghiệp Phân tích và thiết kế hệ thống thông tin quản lý nhân sự...
Khóa luận tốt nghiệp Phân tích và thiết kế hệ thống thông tin quản lý nhân sự...Khóa luận tốt nghiệp Phân tích và thiết kế hệ thống thông tin quản lý nhân sự...
Khóa luận tốt nghiệp Phân tích và thiết kế hệ thống thông tin quản lý nhân sự...https://www.facebook.com/garmentspace
 

More from https://www.facebook.com/garmentspace (20)

Khóa luận tốt nghiệp ngành Luật Bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ đối với nhãn hiệu...
Khóa luận tốt nghiệp ngành Luật Bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ đối với nhãn hiệu...Khóa luận tốt nghiệp ngành Luật Bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ đối với nhãn hiệu...
Khóa luận tốt nghiệp ngành Luật Bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ đối với nhãn hiệu...
 
Khóa luận tốt nghiệp Kinh tế Nâng cao hiệu quả kinh doanh của Công ty cổ phần...
Khóa luận tốt nghiệp Kinh tế Nâng cao hiệu quả kinh doanh của Công ty cổ phần...Khóa luận tốt nghiệp Kinh tế Nâng cao hiệu quả kinh doanh của Công ty cổ phần...
Khóa luận tốt nghiệp Kinh tế Nâng cao hiệu quả kinh doanh của Công ty cổ phần...
 
Khóa luận tốt nghiệp Xây dựng hệ thống hỗ trợ tương tác trong quá trình điều ...
Khóa luận tốt nghiệp Xây dựng hệ thống hỗ trợ tương tác trong quá trình điều ...Khóa luận tốt nghiệp Xây dựng hệ thống hỗ trợ tương tác trong quá trình điều ...
Khóa luận tốt nghiệp Xây dựng hệ thống hỗ trợ tương tác trong quá trình điều ...
 
Khóa luận tốt nghiệp Luật kinh tế Pháp luật về hợp đồng cung ứng dịch vụ thi ...
Khóa luận tốt nghiệp Luật kinh tế Pháp luật về hợp đồng cung ứng dịch vụ thi ...Khóa luận tốt nghiệp Luật kinh tế Pháp luật về hợp đồng cung ứng dịch vụ thi ...
Khóa luận tốt nghiệp Luật kinh tế Pháp luật về hợp đồng cung ứng dịch vụ thi ...
 
Khóa luận tốt nghiệp Quản trị kinh doanh Hoàn thiện cơ cấu tổ chức và phân qu...
Khóa luận tốt nghiệp Quản trị kinh doanh Hoàn thiện cơ cấu tổ chức và phân qu...Khóa luận tốt nghiệp Quản trị kinh doanh Hoàn thiện cơ cấu tổ chức và phân qu...
Khóa luận tốt nghiệp Quản trị kinh doanh Hoàn thiện cơ cấu tổ chức và phân qu...
 
Khóa luận tốt nghiệp Kinh tế Thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào các ...
Khóa luận tốt nghiệp Kinh tế Thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào các ...Khóa luận tốt nghiệp Kinh tế Thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào các ...
Khóa luận tốt nghiệp Kinh tế Thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào các ...
 
Khóa luận tốt nghiệp Phân tích, thiết kế hệ thống thông tin quản lý nhân sự t...
Khóa luận tốt nghiệp Phân tích, thiết kế hệ thống thông tin quản lý nhân sự t...Khóa luận tốt nghiệp Phân tích, thiết kế hệ thống thông tin quản lý nhân sự t...
Khóa luận tốt nghiệp Phân tích, thiết kế hệ thống thông tin quản lý nhân sự t...
 
Khóa luận tốt nghiệp Kinh tế Nâng cao năng lực cung ứng dịch vụ vận tải hàng ...
Khóa luận tốt nghiệp Kinh tế Nâng cao năng lực cung ứng dịch vụ vận tải hàng ...Khóa luận tốt nghiệp Kinh tế Nâng cao năng lực cung ứng dịch vụ vận tải hàng ...
Khóa luận tốt nghiệp Kinh tế Nâng cao năng lực cung ứng dịch vụ vận tải hàng ...
 
Khóa luận tốt nghiệp Tuyển dụng nhân lực tại Công ty Cổ phần Miken Việt Nam.pdf
Khóa luận tốt nghiệp Tuyển dụng nhân lực tại Công ty Cổ phần Miken Việt Nam.pdfKhóa luận tốt nghiệp Tuyển dụng nhân lực tại Công ty Cổ phần Miken Việt Nam.pdf
Khóa luận tốt nghiệp Tuyển dụng nhân lực tại Công ty Cổ phần Miken Việt Nam.pdf
 
Khóa luận tốt nghiệp ngành Luật Nâng cao hiệu quả áp dụng chính sách tiền lươ...
Khóa luận tốt nghiệp ngành Luật Nâng cao hiệu quả áp dụng chính sách tiền lươ...Khóa luận tốt nghiệp ngành Luật Nâng cao hiệu quả áp dụng chính sách tiền lươ...
Khóa luận tốt nghiệp ngành Luật Nâng cao hiệu quả áp dụng chính sách tiền lươ...
 
Khóa luận tốt nghiệp ngành Luật Pháp luật về an toàn lao động và vệ sinh lao ...
Khóa luận tốt nghiệp ngành Luật Pháp luật về an toàn lao động và vệ sinh lao ...Khóa luận tốt nghiệp ngành Luật Pháp luật về an toàn lao động và vệ sinh lao ...
Khóa luận tốt nghiệp ngành Luật Pháp luật về an toàn lao động và vệ sinh lao ...
 
Khóa luận tốt nghiệp Giải pháp phát triển hoạt động marketing điện tử cho Côn...
Khóa luận tốt nghiệp Giải pháp phát triển hoạt động marketing điện tử cho Côn...Khóa luận tốt nghiệp Giải pháp phát triển hoạt động marketing điện tử cho Côn...
Khóa luận tốt nghiệp Giải pháp phát triển hoạt động marketing điện tử cho Côn...
 
Khóa luận tốt nghiệp Luật kinh tế Pháp luật về hợp đồng mua bán hàng hóa - Th...
Khóa luận tốt nghiệp Luật kinh tế Pháp luật về hợp đồng mua bán hàng hóa - Th...Khóa luận tốt nghiệp Luật kinh tế Pháp luật về hợp đồng mua bán hàng hóa - Th...
Khóa luận tốt nghiệp Luật kinh tế Pháp luật về hợp đồng mua bán hàng hóa - Th...
 
Khóa luận tốt nghiệp Luật kinh tế Pháp luật về giao kết và thực hiện hợp đồng...
Khóa luận tốt nghiệp Luật kinh tế Pháp luật về giao kết và thực hiện hợp đồng...Khóa luận tốt nghiệp Luật kinh tế Pháp luật về giao kết và thực hiện hợp đồng...
Khóa luận tốt nghiệp Luật kinh tế Pháp luật về giao kết và thực hiện hợp đồng...
 
Khóa luận tốt nghiệp Kinh tế Nâng cao năng lực cạnh tranh xuất khẩu mặt hàng ...
Khóa luận tốt nghiệp Kinh tế Nâng cao năng lực cạnh tranh xuất khẩu mặt hàng ...Khóa luận tốt nghiệp Kinh tế Nâng cao năng lực cạnh tranh xuất khẩu mặt hàng ...
Khóa luận tốt nghiệp Kinh tế Nâng cao năng lực cạnh tranh xuất khẩu mặt hàng ...
 
Khóa luận tốt nghiệp Hoàn thiện công tác hoạch định của Công ty Cổ phần Đầu t...
Khóa luận tốt nghiệp Hoàn thiện công tác hoạch định của Công ty Cổ phần Đầu t...Khóa luận tốt nghiệp Hoàn thiện công tác hoạch định của Công ty Cổ phần Đầu t...
Khóa luận tốt nghiệp Hoàn thiện công tác hoạch định của Công ty Cổ phần Đầu t...
 
Khóa luận tốt nghiệp ngành Luật Pháp luật về đăng ký kinh doanh và thực tiễn ...
Khóa luận tốt nghiệp ngành Luật Pháp luật về đăng ký kinh doanh và thực tiễn ...Khóa luận tốt nghiệp ngành Luật Pháp luật về đăng ký kinh doanh và thực tiễn ...
Khóa luận tốt nghiệp ngành Luật Pháp luật về đăng ký kinh doanh và thực tiễn ...
 
Đề tài Tác động của đầu tư đến sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế.doc
Đề tài Tác động của đầu tư đến sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế.docĐề tài Tác động của đầu tư đến sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế.doc
Đề tài Tác động của đầu tư đến sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế.doc
 
Luận văn đề tài Nâng cao sự hài lòng về chất lượng dịch vụ tại công ty TNHH D...
Luận văn đề tài Nâng cao sự hài lòng về chất lượng dịch vụ tại công ty TNHH D...Luận văn đề tài Nâng cao sự hài lòng về chất lượng dịch vụ tại công ty TNHH D...
Luận văn đề tài Nâng cao sự hài lòng về chất lượng dịch vụ tại công ty TNHH D...
 
Khóa luận tốt nghiệp Phân tích và thiết kế hệ thống thông tin quản lý nhân sự...
Khóa luận tốt nghiệp Phân tích và thiết kế hệ thống thông tin quản lý nhân sự...Khóa luận tốt nghiệp Phân tích và thiết kế hệ thống thông tin quản lý nhân sự...
Khóa luận tốt nghiệp Phân tích và thiết kế hệ thống thông tin quản lý nhân sự...
 

Recently uploaded

Tư tưởng Hồ Chí Minh về độc lập dân tộc và CNXH
Tư tưởng Hồ Chí Minh về độc lập dân tộc và CNXHTư tưởng Hồ Chí Minh về độc lập dân tộc và CNXH
Tư tưởng Hồ Chí Minh về độc lập dân tộc và CNXHThaoPhuong154017
 
ĐỀ THAM KHẢO THEO HƯỚNG MINH HỌA 2025 KIỂM TRA CUỐI HỌC KÌ 2 NĂM HỌC 2023-202...
ĐỀ THAM KHẢO THEO HƯỚNG MINH HỌA 2025 KIỂM TRA CUỐI HỌC KÌ 2 NĂM HỌC 2023-202...ĐỀ THAM KHẢO THEO HƯỚNG MINH HỌA 2025 KIỂM TRA CUỐI HỌC KÌ 2 NĂM HỌC 2023-202...
ĐỀ THAM KHẢO THEO HƯỚNG MINH HỌA 2025 KIỂM TRA CUỐI HỌC KÌ 2 NĂM HỌC 2023-202...Nguyen Thanh Tu Collection
 
Linh kiện điện tử - Điện tử số sáng tạo VN.pdf
Linh kiện điện tử - Điện tử số sáng tạo VN.pdfLinh kiện điện tử - Điện tử số sáng tạo VN.pdf
Linh kiện điện tử - Điện tử số sáng tạo VN.pdfXem Số Mệnh
 
1第一课:你好.pptx. Chinese lesson 1: Hello.Nỉ hao
1第一课:你好.pptx. Chinese lesson 1: Hello.Nỉ hao1第一课:你好.pptx. Chinese lesson 1: Hello.Nỉ hao
1第一课:你好.pptx. Chinese lesson 1: Hello.Nỉ haoBookoTime
 
Bai 1 cong bo mot cong trinh nghien cuu khoa hoc
Bai 1 cong bo mot cong trinh nghien cuu khoa hocBai 1 cong bo mot cong trinh nghien cuu khoa hoc
Bai 1 cong bo mot cong trinh nghien cuu khoa hocVnPhan58
 
2第二课:汉语不太难.pptx. Chinese lesson 2: Chinese not that hard
2第二课:汉语不太难.pptx. Chinese lesson 2: Chinese not that hard2第二课:汉语不太难.pptx. Chinese lesson 2: Chinese not that hard
2第二课:汉语不太难.pptx. Chinese lesson 2: Chinese not that hardBookoTime
 
ĐỀ THAM KHẢO THEO HƯỚNG MINH HỌA 2025 KIỂM TRA GIỮA HỌC KÌ + CUỐI HỌC KÌ 2 NĂ...
ĐỀ THAM KHẢO THEO HƯỚNG MINH HỌA 2025 KIỂM TRA GIỮA HỌC KÌ + CUỐI HỌC KÌ 2 NĂ...ĐỀ THAM KHẢO THEO HƯỚNG MINH HỌA 2025 KIỂM TRA GIỮA HỌC KÌ + CUỐI HỌC KÌ 2 NĂ...
ĐỀ THAM KHẢO THEO HƯỚNG MINH HỌA 2025 KIỂM TRA GIỮA HỌC KÌ + CUỐI HỌC KÌ 2 NĂ...Nguyen Thanh Tu Collection
 
SÁNG KIẾN “THIẾT KẾ VÀ SỬ DỤNG INFOGRAPHIC TRONG DẠY HỌC ĐỊA LÍ 11 (BỘ SÁCH K...
SÁNG KIẾN “THIẾT KẾ VÀ SỬ DỤNG INFOGRAPHIC TRONG DẠY HỌC ĐỊA LÍ 11 (BỘ SÁCH K...SÁNG KIẾN “THIẾT KẾ VÀ SỬ DỤNG INFOGRAPHIC TRONG DẠY HỌC ĐỊA LÍ 11 (BỘ SÁCH K...
SÁNG KIẾN “THIẾT KẾ VÀ SỬ DỤNG INFOGRAPHIC TRONG DẠY HỌC ĐỊA LÍ 11 (BỘ SÁCH K...Nguyen Thanh Tu Collection
 
Ma trận - định thức và các ứng dụng trong kinh tế
Ma trận - định thức và các ứng dụng trong kinh tếMa trận - định thức và các ứng dụng trong kinh tế
Ma trận - định thức và các ứng dụng trong kinh tếngTonH1
 
BỘ ĐỀ KIỂM TRA CUỐI KÌ 2 VẬT LÝ 11 - KẾT NỐI TRI THỨC - THEO CẤU TRÚC ĐỀ MIN...
BỘ ĐỀ KIỂM TRA CUỐI KÌ 2 VẬT LÝ 11 - KẾT NỐI TRI THỨC - THEO CẤU TRÚC ĐỀ MIN...BỘ ĐỀ KIỂM TRA CUỐI KÌ 2 VẬT LÝ 11 - KẾT NỐI TRI THỨC - THEO CẤU TRÚC ĐỀ MIN...
BỘ ĐỀ KIỂM TRA CUỐI KÌ 2 VẬT LÝ 11 - KẾT NỐI TRI THỨC - THEO CẤU TRÚC ĐỀ MIN...Nguyen Thanh Tu Collection
 
Nhóm 10-Xác suất và thống kê toán-đại học thương mại
Nhóm 10-Xác suất và thống kê toán-đại học thương mạiNhóm 10-Xác suất và thống kê toán-đại học thương mại
Nhóm 10-Xác suất và thống kê toán-đại học thương mạiTruongThiDiemQuynhQP
 
đồ án thương mại quốc tế- hutech - KDQTK21
đồ án thương mại quốc tế- hutech - KDQTK21đồ án thương mại quốc tế- hutech - KDQTK21
đồ án thương mại quốc tế- hutech - KDQTK21nguyenthao2003bd
 
TỔNG HỢP 30 ĐỀ THI CHỌN HSG CÁC TRƯỜNG THPT CHUYÊN VÙNG DUYÊN HẢI & ĐỒNG BẰNG...
TỔNG HỢP 30 ĐỀ THI CHỌN HSG CÁC TRƯỜNG THPT CHUYÊN VÙNG DUYÊN HẢI & ĐỒNG BẰNG...TỔNG HỢP 30 ĐỀ THI CHỌN HSG CÁC TRƯỜNG THPT CHUYÊN VÙNG DUYÊN HẢI & ĐỒNG BẰNG...
TỔNG HỢP 30 ĐỀ THI CHỌN HSG CÁC TRƯỜNG THPT CHUYÊN VÙNG DUYÊN HẢI & ĐỒNG BẰNG...Nguyen Thanh Tu Collection
 
Sơ đồ tư duy môn sinh học bậc THPT.pdf
Sơ đồ tư duy môn sinh học bậc THPT.pdfSơ đồ tư duy môn sinh học bậc THPT.pdf
Sơ đồ tư duy môn sinh học bậc THPT.pdftohoanggiabao81
 
Bài giảng về vật liệu ceramic ( sứ vệ sinh, gạch ốp lát )
Bài giảng về vật liệu ceramic ( sứ vệ sinh, gạch ốp lát )Bài giảng về vật liệu ceramic ( sứ vệ sinh, gạch ốp lát )
Bài giảng về vật liệu ceramic ( sứ vệ sinh, gạch ốp lát )lamdapoet123
 
bài 5.1.docx Sinh học di truyền đại cương năm nhất của học sinh y đa khoa
bài 5.1.docx Sinh học di truyền đại cương năm nhất của học sinh y đa khoabài 5.1.docx Sinh học di truyền đại cương năm nhất của học sinh y đa khoa
bài 5.1.docx Sinh học di truyền đại cương năm nhất của học sinh y đa khoa2353020138
 
Xem tử vi miễn phí trực tuyến cho kết quả chính xác cùng luậ...
Xem tử vi miễn phí trực tuyến cho kết quả chính xác cùng luậ...Xem tử vi miễn phí trực tuyến cho kết quả chính xác cùng luậ...
Xem tử vi miễn phí trực tuyến cho kết quả chính xác cùng luậ...Xem Số Mệnh
 
vat li 10 Chuyen de bai 4 Xac dinh phuong huong.pptx
vat li 10  Chuyen de bai 4 Xac dinh phuong huong.pptxvat li 10  Chuyen de bai 4 Xac dinh phuong huong.pptx
vat li 10 Chuyen de bai 4 Xac dinh phuong huong.pptxlephuongvu2019
 
Gieo quẻ kinh dịch, xin xăm,Xin lộc thánh.pdf
Gieo quẻ kinh dịch, xin xăm,Xin lộc thánh.pdfGieo quẻ kinh dịch, xin xăm,Xin lộc thánh.pdf
Gieo quẻ kinh dịch, xin xăm,Xin lộc thánh.pdfXem Số Mệnh
 
Luận giải tử vi của 12 con giáp năm 2024 chi tiết và chính xác -...
Luận giải tử vi của 12 con giáp năm 2024 chi tiết và chính xác -...Luận giải tử vi của 12 con giáp năm 2024 chi tiết và chính xác -...
Luận giải tử vi của 12 con giáp năm 2024 chi tiết và chính xác -...Xem Số Mệnh
 

Recently uploaded (20)

Tư tưởng Hồ Chí Minh về độc lập dân tộc và CNXH
Tư tưởng Hồ Chí Minh về độc lập dân tộc và CNXHTư tưởng Hồ Chí Minh về độc lập dân tộc và CNXH
Tư tưởng Hồ Chí Minh về độc lập dân tộc và CNXH
 
ĐỀ THAM KHẢO THEO HƯỚNG MINH HỌA 2025 KIỂM TRA CUỐI HỌC KÌ 2 NĂM HỌC 2023-202...
ĐỀ THAM KHẢO THEO HƯỚNG MINH HỌA 2025 KIỂM TRA CUỐI HỌC KÌ 2 NĂM HỌC 2023-202...ĐỀ THAM KHẢO THEO HƯỚNG MINH HỌA 2025 KIỂM TRA CUỐI HỌC KÌ 2 NĂM HỌC 2023-202...
ĐỀ THAM KHẢO THEO HƯỚNG MINH HỌA 2025 KIỂM TRA CUỐI HỌC KÌ 2 NĂM HỌC 2023-202...
 
Linh kiện điện tử - Điện tử số sáng tạo VN.pdf
Linh kiện điện tử - Điện tử số sáng tạo VN.pdfLinh kiện điện tử - Điện tử số sáng tạo VN.pdf
Linh kiện điện tử - Điện tử số sáng tạo VN.pdf
 
1第一课:你好.pptx. Chinese lesson 1: Hello.Nỉ hao
1第一课:你好.pptx. Chinese lesson 1: Hello.Nỉ hao1第一课:你好.pptx. Chinese lesson 1: Hello.Nỉ hao
1第一课:你好.pptx. Chinese lesson 1: Hello.Nỉ hao
 
Bai 1 cong bo mot cong trinh nghien cuu khoa hoc
Bai 1 cong bo mot cong trinh nghien cuu khoa hocBai 1 cong bo mot cong trinh nghien cuu khoa hoc
Bai 1 cong bo mot cong trinh nghien cuu khoa hoc
 
2第二课:汉语不太难.pptx. Chinese lesson 2: Chinese not that hard
2第二课:汉语不太难.pptx. Chinese lesson 2: Chinese not that hard2第二课:汉语不太难.pptx. Chinese lesson 2: Chinese not that hard
2第二课:汉语不太难.pptx. Chinese lesson 2: Chinese not that hard
 
ĐỀ THAM KHẢO THEO HƯỚNG MINH HỌA 2025 KIỂM TRA GIỮA HỌC KÌ + CUỐI HỌC KÌ 2 NĂ...
ĐỀ THAM KHẢO THEO HƯỚNG MINH HỌA 2025 KIỂM TRA GIỮA HỌC KÌ + CUỐI HỌC KÌ 2 NĂ...ĐỀ THAM KHẢO THEO HƯỚNG MINH HỌA 2025 KIỂM TRA GIỮA HỌC KÌ + CUỐI HỌC KÌ 2 NĂ...
ĐỀ THAM KHẢO THEO HƯỚNG MINH HỌA 2025 KIỂM TRA GIỮA HỌC KÌ + CUỐI HỌC KÌ 2 NĂ...
 
SÁNG KIẾN “THIẾT KẾ VÀ SỬ DỤNG INFOGRAPHIC TRONG DẠY HỌC ĐỊA LÍ 11 (BỘ SÁCH K...
SÁNG KIẾN “THIẾT KẾ VÀ SỬ DỤNG INFOGRAPHIC TRONG DẠY HỌC ĐỊA LÍ 11 (BỘ SÁCH K...SÁNG KIẾN “THIẾT KẾ VÀ SỬ DỤNG INFOGRAPHIC TRONG DẠY HỌC ĐỊA LÍ 11 (BỘ SÁCH K...
SÁNG KIẾN “THIẾT KẾ VÀ SỬ DỤNG INFOGRAPHIC TRONG DẠY HỌC ĐỊA LÍ 11 (BỘ SÁCH K...
 
Ma trận - định thức và các ứng dụng trong kinh tế
Ma trận - định thức và các ứng dụng trong kinh tếMa trận - định thức và các ứng dụng trong kinh tế
Ma trận - định thức và các ứng dụng trong kinh tế
 
BỘ ĐỀ KIỂM TRA CUỐI KÌ 2 VẬT LÝ 11 - KẾT NỐI TRI THỨC - THEO CẤU TRÚC ĐỀ MIN...
BỘ ĐỀ KIỂM TRA CUỐI KÌ 2 VẬT LÝ 11 - KẾT NỐI TRI THỨC - THEO CẤU TRÚC ĐỀ MIN...BỘ ĐỀ KIỂM TRA CUỐI KÌ 2 VẬT LÝ 11 - KẾT NỐI TRI THỨC - THEO CẤU TRÚC ĐỀ MIN...
BỘ ĐỀ KIỂM TRA CUỐI KÌ 2 VẬT LÝ 11 - KẾT NỐI TRI THỨC - THEO CẤU TRÚC ĐỀ MIN...
 
Nhóm 10-Xác suất và thống kê toán-đại học thương mại
Nhóm 10-Xác suất và thống kê toán-đại học thương mạiNhóm 10-Xác suất và thống kê toán-đại học thương mại
Nhóm 10-Xác suất và thống kê toán-đại học thương mại
 
đồ án thương mại quốc tế- hutech - KDQTK21
đồ án thương mại quốc tế- hutech - KDQTK21đồ án thương mại quốc tế- hutech - KDQTK21
đồ án thương mại quốc tế- hutech - KDQTK21
 
TỔNG HỢP 30 ĐỀ THI CHỌN HSG CÁC TRƯỜNG THPT CHUYÊN VÙNG DUYÊN HẢI & ĐỒNG BẰNG...
TỔNG HỢP 30 ĐỀ THI CHỌN HSG CÁC TRƯỜNG THPT CHUYÊN VÙNG DUYÊN HẢI & ĐỒNG BẰNG...TỔNG HỢP 30 ĐỀ THI CHỌN HSG CÁC TRƯỜNG THPT CHUYÊN VÙNG DUYÊN HẢI & ĐỒNG BẰNG...
TỔNG HỢP 30 ĐỀ THI CHỌN HSG CÁC TRƯỜNG THPT CHUYÊN VÙNG DUYÊN HẢI & ĐỒNG BẰNG...
 
Sơ đồ tư duy môn sinh học bậc THPT.pdf
Sơ đồ tư duy môn sinh học bậc THPT.pdfSơ đồ tư duy môn sinh học bậc THPT.pdf
Sơ đồ tư duy môn sinh học bậc THPT.pdf
 
Bài giảng về vật liệu ceramic ( sứ vệ sinh, gạch ốp lát )
Bài giảng về vật liệu ceramic ( sứ vệ sinh, gạch ốp lát )Bài giảng về vật liệu ceramic ( sứ vệ sinh, gạch ốp lát )
Bài giảng về vật liệu ceramic ( sứ vệ sinh, gạch ốp lát )
 
bài 5.1.docx Sinh học di truyền đại cương năm nhất của học sinh y đa khoa
bài 5.1.docx Sinh học di truyền đại cương năm nhất của học sinh y đa khoabài 5.1.docx Sinh học di truyền đại cương năm nhất của học sinh y đa khoa
bài 5.1.docx Sinh học di truyền đại cương năm nhất của học sinh y đa khoa
 
Xem tử vi miễn phí trực tuyến cho kết quả chính xác cùng luậ...
Xem tử vi miễn phí trực tuyến cho kết quả chính xác cùng luậ...Xem tử vi miễn phí trực tuyến cho kết quả chính xác cùng luậ...
Xem tử vi miễn phí trực tuyến cho kết quả chính xác cùng luậ...
 
vat li 10 Chuyen de bai 4 Xac dinh phuong huong.pptx
vat li 10  Chuyen de bai 4 Xac dinh phuong huong.pptxvat li 10  Chuyen de bai 4 Xac dinh phuong huong.pptx
vat li 10 Chuyen de bai 4 Xac dinh phuong huong.pptx
 
Gieo quẻ kinh dịch, xin xăm,Xin lộc thánh.pdf
Gieo quẻ kinh dịch, xin xăm,Xin lộc thánh.pdfGieo quẻ kinh dịch, xin xăm,Xin lộc thánh.pdf
Gieo quẻ kinh dịch, xin xăm,Xin lộc thánh.pdf
 
Luận giải tử vi của 12 con giáp năm 2024 chi tiết và chính xác -...
Luận giải tử vi của 12 con giáp năm 2024 chi tiết và chính xác -...Luận giải tử vi của 12 con giáp năm 2024 chi tiết và chính xác -...
Luận giải tử vi của 12 con giáp năm 2024 chi tiết và chính xác -...
 

Luận án tiến sĩ luật học vi phạm cơ bản hợp đồng theo quy định của công ước viên năm 1980 về hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế và định hướng hoàn thiện các quy định có liên quan của pháp luật việt nam

  • 1. BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO TRƯỜNG ĐẠI HỌC LUẬT TP.HỒ CHÍ MINH VÕ SỸ MẠNH VI PHẠM CƠ BẢN HỢP ĐỒNG THEO CÔNG ƯỚC VIÊN NĂM 1980 VỀ HỢP ĐỒNG MUA BÁN HÀNG HÓA QUỐC TẾ VÀ ĐỊNH HƯỚNG HOÀN THIỆN CÁC QUY ĐỊNH CÓ LIÊN QUAN CỦA PHÁP LUẬT VIỆT NAM CHUYÊN NGÀNH: LUẬT KINH TẾ MÃ SỐ: 62.38.50.01 LUẬN ÁN TIẾN SĨ LUẬT HỌC Người hướng dẫn khoa học: GS. TS. NGƯT MAI HỒNG QUỲ TP.HỒ CHÍ MINH - 2015
  • 2. LỜI CAM ĐOAN Tôi xin cam đoan đây là công trình nghiên cứu của riêng tôi. Các số liệu nêu trong luận án là trung thực. Kết quả nghiên cứu nêu trong luận án chưa từng được ai công bố trong bất kỳ công trình nào khác. Tác giả luận án Võ Sỹ Mạnh
  • 3. DANH MỤC NHỮNG TỪ VIẾT TẮT Từ viết tắt Tiếng Anh Tiếng Việt Công ước Viên Công ước Viên năm 1980 của Liên Hợp quốc về hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế CIETAC China International Economic and Trade Arbitration Commission Ủy ban trọng tài thương mại và kinh tế quốc tế Trung Quốc Hợp đồng MBHHQT Hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế PICC Principles of International Commercial Contract Những nguyên tắc hợp đồng thương mại quốc tế của UNIDROIT PECL Principles of European Contract Law Những nguyên tắc Luật hợp đồng châu Âu TNHH Trách nhiệm hữu hạn ULIS Uniform Law on the International Sale of Goods 1964 Luật thống nhất về mua bán hàng hóa quốc tế năm 1964 ULF Uniform Law on the Formation of Contracts for the International Sale of Goods 1964 Luật thống nhất về giao kết hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế năm 1964 UNCITRAL United Nations Commission on International Trade Law Ủy ban về luật thương mại quốc tế của Liên hợp quốc UNIDROIT Insitut International pour l`Unification des Droits Privé Viện Thống nhất Tư pháp Quốc tế
  • 4. i MỤC LỤC LỜI MỞ ĐẦU 1 Chương 1. Tổng quan về tình hình nghiên cứu, cơ sở lý thuyết và phương pháp nghiên cứu 7 1.1. Tổng quan tình hình nghiên cứu 7 1.2. Cơ sở lý thuyết của đề tài 15 1.3. Phương pháp nghiên cứu 18 Chương 2. Những vấn đề lý luận về vi phạm cơ bản hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế 20 2.1. Hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế: khái niệm và đặc điểm 20 2.2. Vi phạm cơ bản hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế: khái niệm và đặc điểm 28 2.3. Cơ chế pháp luật điều chỉnh về vi phạm cơ bản hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế 46 Kết luận Chương 2 52 Chương 3. Các yếu tố cấu thành tính cơ bản của vi phạm hợp đồng theo Công ước Viên 53 3.1. Vi phạm cơ bản hợp đồng theo Công ước Viên (có so sánh với pháp luật Việt Nam) 53 3.2. Quy định và thực tiễn xác định yếu tố cấu thành tính cơ bản của vi phạm hợp đồng theo Công ước Viên 60 Kết luận Chương 3 86 Chương 4. Chế tài do vi phạm cơ bản hợp đồng theo Công ước Viên 95 4.1. Khái quát về chế tài do vi phạm cơ bản hợp đồng theo Công ước Viên (có so sánh với pháp luật Việt Nam) 95 4.2. Quy định và thực tiễn áp dụng chế tài do vi phạm cơ bản hợp đồng theo Công ước Viên 100 Kết luận chương 4 126 Chương 5. Định hướng hoàn thiện quy định về vi phạm cơ bản hợp đồng trong pháp luật Việt Nam 127 5.1. Một số bất cập của quy định và thực tiễn áp dụng quy định về vi phạm cơ 127
  • 5. ii bản trong pháp luật Việt Nam 5.2. Định hướng hoàn thiện quy định của pháp luật Việt Nam về vi phạm cơ bản hợp đồng 153 5.3. Một số giải pháp cụ thể sửa đổi, bổ sung quy định về vi phạm cơ bản hợp đồng trong pháp luật Việt Nam 161 Kết luận Chương 5 173 KẾT LUẬN 175 DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO 177 NHỮNG CÔNG TRÌNH LIÊN QUAN TỚI LUẬN ÁN ĐÃ CÔNG BỐ
  • 6. 1 LỜI MỞ ĐẦU 1. Tính cấp thiết của đề tài Luật Thương mại được Quốc hội Khóa XI, kỳ họp thứ 7 thông qua ngày 14/6/2005 (sau đây gọi tắt là Luật Thương mại) và chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/2006, thay thế Luật Thương mại năm 1997. Phải thừa nhận một điều rằng, những người soạn thảo Luật Thương mại đã rất cố gắng trong việc khắc phục những điểm chưa phù hợp của Luật Thương mại năm 1997 và đặc biệt là đưa vào Luật Thương mại nhiều khái niệm, quy định mới nhằm điều chỉnh một số loại hình hoạt động thương mại mà trước đây Luật Thương mại năm 1997 chưa đề cập tới, ví dụ: mua bán hàng hóa qua sở giao dịch hàng hóa, nhượng quyền thương mại, logistic, tạm ngừng thực hiện, đình chỉ thực hiện hợp đồng… Cũng cần nhấn mạnh thêm rằng, Luật Thương mại có nhiều quy định tốt hơn, có nhiều điểm mới hơn Luật Thương mại năm 1997. Tuy nhiên, khi xem xét, nghiên cứu kỹ Luật Thương mại, có thể thấy bên cạnh những điểm mới còn có một số khái niệm, quy định cần phải được lý giải và làm sáng rõ hơn và một trong số đó là khái niệm “vi phạm cơ bản” nghĩa vụ hợp đồng với ý nghĩa là căn cứ để áp dụng một số chế tài do vi phạm hợp đồng thương mại. Theo quy định tại khoản 13 Điều 3 Luật Thương mại thì vi phạm cơ bản là “sự vi phạm hợp đồng của một bên gây thiệt hại cho bên kia đến mức làm cho bên kia không đạt được mục đích của việc giao kết hợp đồng”. Vi phạm cơ bản nghĩa vụ hợp đồng là cơ sở pháp lý quan trọng để áp dụng các chế tài trong thương mại, như chế tài tạm ngừng thực hiện hợp đồng, chế tài đình chỉ thực hiện hợp đồng hoặc chế tài hủy bỏ hợp đồng khi các bên trong hợp đồng không có thỏa thuận về điều kiện áp dụng ba chế tài này [40, Điều 308, 310, 312]. Tuy nhiên, Luật Thương mại còn thiếu nhiều quy định có tính hướng dẫn để làm rõ hơn về khái niệm này. Bên cạnh đó, theo Điều 4 Luật Thương mại, trong trường hợp Luật Thương mại hoặc luật chuyên ngành không quy định thì áp dụng quy định của Bộ luật dân sự [40, Điều 4]. Song, Bộ luật dân sự năm 1995 cũng như năm 2005 cũng không quy định về vi phạm cơ bản hợp đồng và các văn bản dưới luật của Việt Nam hiện hành cũng không có quy định hướng dẫn về vấn đề này. Đây thực sự là những bất cập của pháp luật Việt Nam. Những bất cập này nếu không được loại bỏ hay sửa đổi thì việc áp dụng ba chế tài nói trên khó có tính khả thi. Và như vậy thì sẽ dẫn đến một thực tế là quy định “vi phạm cơ bản hợp đồng” sẽ
  • 7. 2 khó được áp dụng trong thực tiễn, thậm chí trao cho tòa án, trọng tài thẩm quyền lớn trong việc xác định có hay không có vi phạm cơ bản hợp đồng. Trong khi đó, “vi phạm cơ bản hợp đồng” là một chế định pháp luật được sử dụng trong Công ước Viên. Được ký kết vào năm 1980, có hiệu lực từ năm 1988, đến nay đã có 83 quốc gia tham gia [170], Công ước Viên được xem là nguồn luật thống nhất về hợp đồng MBHHQT, đã dung hòa được quan điểm của các quốc gia theo hệ thống luật Civil Law và Common Law về vấn đề này. Công ước Viên cũng được các nhà soạn thảo Luật Thương mại “tham khảo” và “căn cứ các nguyên tắc của Công ước” [62, tr.11; 5] nhằm khắc phục sự “chưa tương thích của Luật Thương mại với điều ước đã được thừa nhận rộng rãi trên thế giới như Công ước Viên”[62, tr.2; 5]. Điều 25 Công ước Viên quy định “Vi phạm hợp đồng do một bên gây ra là cơ bản nếu vi phạm đó gây tổn hại cho bên kia đến mức tước đi đáng kể những gì bên kia có quyền kỳ vọng từ hợp đồng, trừ khi bên vi phạm không tiên liệu được và một người có lý trí cũng không tiên liệu được hậu quả đó nếu họ ở vào địa vị và hoàn cảnh tương tự”. Tương tự Luật Thương mại, Công ước Viên cũng không đưa ra sự giải thích cụ thể để xác định hành vi vi phạm như thế nào bị coi là vi phạm cơ bản. Tuy nhiên, trải qua hơn 30 năm tồn tại, thực tiễn giải quyết tranh chấp về hợp đồng MBHHQT có liên quan đến vi phạm cơ bản hợp đồng, các tòa án và trọng tài tại các quốc gia thành viên Công ước Viên đã, căn cứ vào từng tình huống cụ thể, xác định có hay không có một sự vi phạm cơ bản hợp đồng để làm cơ sở áp dụng chế tài hủy hợp đồng, yêu cầu thay thế hàng hóa…theo Công ước Viên. Vấn đề đặt ra là chế định vi phạm cơ bản hợp đồng trong Công ước Viên đặt ra những vấn đề gì trong thực tiễn áp dụng?. Việt Nam học được gì từ những quy định và vận dụng của tòa án, trọng tài một số quốc gia thành viên của Công ước Viên về vi phạm cơ bản hợp đồng và Việt Nam phải đối mặt với vấn đề gì khi không sửa đổi để hoàn thiện quy định về vi phạm cơ bản hợp đồng? Để trả lời được những câu hỏi này, cần phải có sự nghiên cứu kỹ những quy định về vi phạm cơ bản trong Công ước Viên. Đó là lý do để Nghiên cứu sinh chọn vấn đề “Vi phạm cơ bản hợp đồng theo quy định của Công ước Viên năm 1980 về hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế và định hướng hoàn thiện các quy định có liên quan của pháp luật Việt Nam” làm đề tài Luận án Tiến sĩ Luật học của mình. 2. Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu 2.1. Mục đích nghiên cứu Mục đích nghiên cứu của đề tài là trên cơ sở phân tích những vấn đề lý luận và thực tiễn liên quan đến các quy định về vi phạm cơ bản hợp đồng trong Công ước Viên
  • 8. 3 (có so sánh với pháp luật Việt Nam), đề tài đề xuất định hướng và giải pháp hoàn thiện các quy định của pháp luật Việt Nam về vi phạm cơ bản hợp đồng nhằm, một mặt, tạo sự phù hợp giữa pháp luật Việt Nam và Công ước Viên, mặt khác tạo cơ sở pháp lý thuận lợi và dễ áp dụng cho các doanh nghiệp Việt Nam trong giao kết và thực hiện hợp đồng, cho các cơ quan giải quyết tranh chấp của Việt Nam trong việc giải quyết tranh chấp về hợp đồng MBHHQT khi phải áp dụng quy định về vi phạm cơ bản. 2.2. Nhiệm vụ nghiên cứu Để thực hiện mục tiêu nói trên, luận án có các nhiệm vụ cụ thể sau đây: - Làm rõ những vấn đề lý luận về hợp đồng MBHHQT, vi phạm cơ bản hợp đồng MBHHQT; - Phân tích, làm rõ quy định về vi phạm cơ bản theo Công ước Viên (có so sánh với pháp luật Việt Nam) và thực tiễn xác định các yếu tố cấu thành tính cơ bản của vi phạm hợp đồng theo Công ước Viên của tòa án, trọng tài một số quốc gia thành viên Công ước; - Phân tích, làm rõ quy định của Công ước Viên về chế tài do vi phạm cơ bản (có so sánh với Việt Nam) và thực trạng vận dụng các chế tài này của tòa án, trọng tài một số quốc gia thành viên Công ước; - Phân tích những bất cập trong quy định và thực tiễn áp dụng quy định về vi phạm cơ bản hợp đồng trong pháp luật Việt Nam; - Đề xuất định hướng và giải pháp hoàn thiện quy định pháp luật có liên quan của Việt Nam về vi phạm cơ bản hợp đồng để giúp các cơ quan giải quyết tranh chấp thuận lợi trong việc áp dụng các chế tài khi có sự vi phạm cơ bản hợp đồng. 3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu 3.1. Đối tượng nghiên cứu Đối tượng nghiên cứu của Luận án là những vấn đề liên quan đến vi phạm cơ bản, là các quy định của Công ước Viên và của pháp luật Việt Nam về vi phạm cơ bản hợp đồng, về các chế tài được áp dụng khi có sự vi phạm cơ bản hợp đồng. Đối tượng nghiên cứu của Luận án là sự vi phạm hợp đồng từ phía người bán và người mua trong hợp đồng mua bán hàng hóa nói chung, đặc biệt là trong hợp đồng MBHHQT. Đối tượng nghiên cứu của Luận án còn bao gồm những án lệ, những vụ tranh chấp cũng như thực tiễn xét xử của các tòa án và trọng tài của một số quốc gia là thành viên của Công ước Viên liên quan đến việc áp dụng các quy định của Công ước Viên về vi
  • 9. 4 phạm cơ bản hợp đồng để giải quyết tranh chấp hợp đồng MBHHQT. Ngoài ra, đối tượng nghiên cứu của Luận án còn bao gồm cả việc phân tích những khó khăn trong việc áp dụng các quy định về vi phạm cơ bản của pháp luật Việt Nam so với các quy định của Công ước Viên. 3.2. Phạm vi nghiên cứu - Về nội dung: Như tên gọi của Công ước Viên là Công ước quốc tế điều chỉnh hợp đồng MBHHQT, do đó, về phạm vi nghiên cứu, đề tài giới hạn ở việc phân tích vi phạm cơ bản hợp đồng theo Công ước Viên trong mối quan hệ với khái niệm về vi phạm cơ bản hợp đồng theo quy định của pháp luật Việt Nam nhưng chỉ đối với hợp đồng mua bán hàng hóa nói chung và hợp đồng MBHHQT nói riêng. Vi phạm cơ bản hợp đồng, bản thân nó, luôn gắn liền với việc áp dụng chế tài hủy hợp đồng. Nói cách khác, phạm vi nghiên cứu về mặt nội dung của Luận án tiến sĩ này là những vấn đề về vi phạm cơ bản hợp đồng MBHHQT theo Công ước Viên trong mối quan hệ với việc áp dụng chế tài buộc thực hiện đúng hợp đồng bằng cách yêu cầu giao hàng thay thế hoặc hủy bỏ hợp đồng khi người bán hoặc người mua vi phạm hợp đồng. Theo quy định của Luật Thương mại, khi một bên có sự vi phạm cơ bản, bên kia có quyền áp dụng cả chế tài hủy hợp đồng, chế tài đình chỉ thực hiện hợp đồng, chế tài tạm ngừng thực hiện hợp đồng, do đó phạm vi nghiên cứu của Luận án về nội dung còn bao gồm cả việc phân tích các quy định của pháp luật Việt Nam về vi phạm cơ bản hợp đồng, đặc biệt là quy định của Luật Thương mại về vi phạm cơ bản hợp đồng trong mối quan hệ với việc áp dụng các chế tài tạm ngừng thực hiện hợp đồng, đình chỉ thực hiện hợp đồng, hủy bỏ hợp đồng. - Về không gian: Khi nghiên cứu thực tiễn áp dụng quy định về vi phạm cơ bản hợp đồng, Luận án phân tích thực tiễn và án lệ tòa án, trọng tài ở một số nước như Đức, Pháp, Trung Quốc…là những nước đã gia nhập Công ước Viên. - Về thời gian: Khi phân tích về những vấn đề phát sinh từ thực tiễn áp dụng Công ươc Viên, Luận án lấy số liệu từ năm 1988, năm Công ước Viên có hiệu lực cho đến nay. 4. Ý nghĩa khoa học và thực tiễn của đề tài Về phương diện lý luận, luận án góp phần củng cố và hoàn thiện cơ sở lý luận về vi phạm cơ bản trong pháp luật hợp đồng Việt Nam để các nhà lập pháp, các cơ quan có thẩm quyền, các cán bộ nghiên cứu, các nhà kinh doanh vận dụng trong quá trình thực hiện, giải quyết tranh chấp hay xây dựng và hoàn thiện pháp luật về vi phạm cơ bản hợp đồng.
  • 10. 5 Về phương diện thực tiễn, những quan điểm và giải pháp hoàn thiện pháp luật Việt Nam về vi phạm cơ bản hợp đồng được đề xuất trong luận án sẽ là tài liệu tham khảo có giá trị cho các nhà lập pháp, cho các cơ quan có thẩm quyền trong việc hoàn thiện các quy định của pháp luật Việt Nam về vi phạm cơ bản hợp đồng. Luận án cũng là tài liệu tham khảo cho trọng tài, tòa án khi xem xét vi phạm cơ bản hợp đồng nhằm áp dụng đúng các chế tài tạm ngừng thực hiện hợp đồng, đình chỉ thực hiện hợp đồng và hủy bỏ hợp đồng. Luận án cũng là tài liệu tham khảo hữu ích cho các doanh nghiệp Việt Nam khi soạn thảo hợp đồng mua bán hàng hóa nói chung và hợp đồng MBHHQT nói riêng. 5. Những điểm mới của Luận án - Luận án là công trình đầu tiên nghiên cứu có hệ thống và toàn diện cơ sở lý luận và thực tiễn về vi phạm cơ bản hợp đồng MBHHQT theo Công ước Viên có so sánh với pháp luật Việt Nam. - Luận án đã phân tích, bình luận, đánh giá một cách khách quan về quy định và thực tiễn vận dụng quy định về vi phạm cơ bản hợp đồng MBHHQT theo Công ước Viên như xác định các yếu tố cấu thành tính cơ bản của vi phạm hợp đồng và chế tài do vi phạm cơ bản hợp đồng để từ đó có cái nhìn cụ thể và đầy đủ hơn về quy định này trong Công ước Viên và đặt nó trong mối quan hệ với các quy định về vi phạm cơ bản theo pháp luật Việt Nam nhằm tìm ra những bất cập, những điểm chưa hợp lý trong các quy định của pháp luật Việt Nam về vi phạm cơ bản. - Luận án đã đưa ra kiến nghị về sửa đổi, bổ sung các quy định có liên quan của pháp luật Việt Nam về vi phạm cơ bản, trên cơ sở chọn lọc các quy định có tính ưu việt của Công ước Viên về cùng vấn đề nhằm nâng cao tính khả thi cho các quy định của pháp luật Việt Nam về vi phạm cơ bản. - Những đề xuất định hướng và giải pháp cụ thể của Luận án sẽ là cơ sở khoa học cho việc hoàn thiện các quy định cúa pháp luật Việt Nam về vi phạm cơ bản hợp đồng, từ đó góp phần tạo khung pháp luật phù hợp cho việc giao kết và thực hiện hợp đồng mua bán hàng hóa của các doanh nghiệp và góp phần thuận lợi cho việc giải quyết tranh chấp về hợp đồng mua bán hàng hóa nói riêng, hợp đồng thương mại nói chung. 6. Kết cấu của Luận án Ngoài Phần mở đầu, Kết luận và Danh mục tài liệu tham khảo, Luận án gồm 5 Chương:
  • 11. 6 Chương 1. Tổng quan về tình hình nghiên cứu, cơ sở lý thuyết và phương pháp nghiên cứu. Chương 2. Những vấn đề lý luận về vi phạm cơ bản hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế Chương 3. Các yếu tố cấu thành tính cơ bản của vi phạm hợp đồng theo Công ước Viên. Chương 4. Chế tài do vi phạm cơ bản hợp đồng theo Công ước Viên. Chương 5. Định hướng hoàn thiện quy định về vi phạm cơ bản hợp đồng trong pháp luật Việt Nam.
  • 12. 7 CHƯƠNG 1 TỔNG QUAN VỀ TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU, CƠ SỞ LÝ THUYẾT VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU Việc xác định vi phạm cơ bản hợp đồng luôn mang đến ảnh hưởng nhất định về quyền lợi và nghĩa vụ đối với các bên và việc áp dụng các chế tài trong thương mại như tạm ngừng thực hiện hợp đồng, đình chỉ thực hiện hợp đồng hay hủy bỏ hợp đồng. Chính vì vậy, nội dung này được các nhà lập pháp, các nhà nghiên cứu và kể các các bên trong quan hệ hợp đồng thương mại trong nước và ngoài nước đánh giá là vấn đề quan trọng và cơ bản, luôn quan tâm để tìm ra phương hướng hoàn thiện. 1.1. Tổng quan tình hình nghiên cứu 1.1.1. Tình hình nghiên cứu ở trong nước Ở Việt Nam, tính đến nay, chưa có công trình hay sách chuyên khảo nào nghiên cứu một cách hệ thống, cụ thể về vi phạm cơ bản hợp đồng theo Công ước Viên. Mặc dù vậy, các nghiên cứu đơn lẻ về vi phạm cơ bản hợp đồng cũng đã có, cụ thể: Cuốn sách “Chế định hợp đồng trong Bộ luật dân sự Việt Nam” của tác giả Nguyễn Ngọc Khánh được Nxb Tư pháp xuất bản năm 2007 chỉ dành hơn 2 trang (tr.382&383) để đề cập rất sơ lược về khái niệm vi phạm cơ bản hợp đồng và tác giả cuốn sách cho rằng định nghĩa về vi phạm cơ bản hợp đồng tại khoản 13 Điều 3 Luật Thương mại cũng “tương tự” khái niệm vi phạm cơ bản hợp đồng nêu trong Công ước Viên. Cuốn sách “Các biện pháp xử lý việc không thực hiện đúng hợp đồng” của tác giả Đỗ Văn Đại, Nxb Chính trị quốc gia xuất bản năm 2010 (tái bản năm 2013), cũng đã đề cập đến khái niệm vi phạm cơ bản hợp đồng. Tác giả cho rằng “chỉ nên coi những vi phạm có ảnh hưởng lớn tới hợp đồng mới là cơ bản” và việc xác định tính chất nghiêm trọng của hành vi vi phạm hợp đồng là “phụ thuộc hoàn cảnh cụ thể và khi có tranh chấp thì Tòa án sẽ tự xác định”. Cuốn sách “Luật hợp đồng Việt Nam: Bản án và bình luận bản án” của tác giả Đỗ Văn Đại, Nxb Chính trị Quốc gia xuất bản năm 2013 (tái bản lần thứ tư, tập 2), trong đó tác giả đã đưa ra một số bản án liên quan đến chấm dứt, hủy bỏ hợp đồng do không thực hiện đúng hợp đồng từ trang 565-612 có đề cập sơ lược đến vi phạm nghiêm trọng, vi phạm cơ bản hợp đồng.
  • 13. 8 Luận văn Thạc sỹ Luật của tác giả Phạm Thị Minh Nguyệt, trường Đại học Luật Tp.HCM “Vi phạm cơ bản nghĩa vụ hợp đồng và chế tài khi vi phạm cơ bản nghĩa vụ hợp đồng” năm 2013. Luận văn này chỉ nghiên cứu khái quát về khái niệm vi phạm cơ bản nghĩa vụ hợp đồng thương mại nói chung và theo quy định của Luật Thương mại, các chế tài áp dụng khi có sự vi phạm cơ bản nghĩa vụ hợp đồng. Bài viết “Hướng tới sự thống nhất pháp luật về xử lý vi phạm hợp đồng ở Việt Nam” của tác giả Đỗ Văn Đại đăng trong Kỷ yếu Hội thảo “Hoàn thiện các báo cáo rà soát Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, Luật Thương mại” do VCCI phối hợp với Văn phòng Chính phủ tổ chức tại Tp.Hồ Chí Minh ngày 24/8/2011. Tác giả của bài viết này đã chỉ ra những bất cập trong việc áp dụng chế tài tạm ngừng thực hiện hợp đồng (được quy định tại Điều 308 Luật Thương mại) và quyền hoãn thực hiện hợp đồng của bên mua (theo quy định tại khoản 2 Điều 415 Bộ luật dân sự năm 2005) vì những khó khăn trong việc xác định cái gọi là vi phạm cơ bản hợp đồng – điều kiện để áp dụng chế tài tạm ngừng thực hiện hợp đồng theo quy định của Luật Thương mại. Bài viết “Vi phạm cơ bản hợp đồng” của tác giả Nguyễn Minh Hằng đăng trên Báo Diễn đàn doanh nghiệp, ngày 22/3/2010 [30]. Bài viết này phân tích một tranh chấp giữa bên mua là các Công ty của Argentina và của Hungary, còn bên bán là một Công ty của Nga. Bên mua đã khởi kiện bên bán và cho rằng bên bán đã có sự vi phạm cơ bản hợp đồng vì đã không giao hàng như cam kết. Bên bán thì lại cho rằng bên mua đã có sự vi phạm cơ bản hợp đồng vì đã chậm thanh toán. Tranh chấp được xét xử tại Hội đồng trọng tài Zurich, phán quyết tuyên ngày 31/5/1996. Tương tự, bài viết “Hủy hợp đồng do chậm giao hàng” cũng của tác giả Nguyễn Minh Hằng đăng trên Báo Diễn đàn doanh nghiệp, ngày 22/3/2010 [29], trong đó tác giả đã phân tích căn cứ mà tòa án tuyên bố hủy hợp đồng trong vụ tranh chấp giữa Công ty Diversitel Communications Inc. (Canada) và Công ty Glacier Bay Inc. (Mỹ) là do người bán Mỹ không giao hàng khi hết thời hạn quy định trong hợp đồng. Tranh chấp này đã được xét xử tại Tòa Công lý tối cao tại Ontario (Canada), phán quyết tuyên ngày 6/10/2003. Bài viết “Hoàn thiện chế định hợp đồng” của tác giả Phan Chí Hiếu đăng trên Tạp chí Nghiên cứu lập pháp số 4/2005, trong đó tác giả này cho rằng khái niệm vi phạm cơ bản là một sự vi phạm nghiêm trọng và cần có giải thích thế nào là vi phạm nghiêm trọng.
  • 14. 9 Bài viết “Vi phạm cơ bản hợp đồng” của tác giả Đỗ Văn Đại đăng trên Tạp chí Nghiên cứu lập pháp, số 9/2004 đã giải nghĩa thuật ngữ “cơ bản”, “vi phạm cơ bản”. Tác giả này nhấn mạnh một số văn bản quốc tế về hợp đồng như PICC, PECL đều không sử dụng khái niệm “vi phạm cơ bản”. Theo quan điểm của tác giả này, không nên tiếp nhận từ nước ngoài những thuật ngữ cũ hoặc không rõ ràng, gây khó khăn trong áp dụng thống nhất. Như vậy, có thể thấy các công trình, bài viết của các tác giả ở Việt Nam mới chỉ đề cập đơn lẻ đến vấn đề về vi phạm cơ bản hợp đồng…Chưa có công trình nào nghiên cứu vấn đề về vi phạm cơ bản hợp đồng theo Công ước Viên trong mối quan hệ với pháp luật Việt Nam về cùng vấn đề. 1.1.2. Tình hình nghiên cứu ở nước ngoài Ở nước ngoài, cũng có một số công trình nghiên cứu về vi phạm cơ bản hợp đồng liên quan đến đề tài của luận án đã được công bố. Tiêu biểu trong số đó là: Cuốn sách của tác giả Djakhongir Saidov có tên: “The Law of Damages in International Sales: The CISG and other International Instruments” (Dịch ra tiếng Việt là Luật bồi thường thiệt hại trong mua bán quốc tế: Công ước Viên và các công cụ quốc tế khác) được Nxb Hart Publishing xuất bản năm 2008. Sau khi phân tích Công ước Viên với ý nghĩa như là Luật bồi thường thiệt hại trong mua bán hàng hóa quốc tế, tại Chương 5 của cuốn sách này, tác giả Djakhongir Saidov đã phân tích về khả năng tiên liệu thiệt hại do hành vi vi phạm hợp đồng gây ra – một trong nhưng yếu tố cấu thành vi phạm cơ bản hợp đồng theo Công ước Viên. Nói cách khác, tác giả này phân tích thiệt hại do vi phạm hợp đồng với ý nghĩa là yếu tố cấu thành vi phạm cơ bản hợp đồng. Cuốn sách của tác giả Benjamin K.Leisinger có nhan đề: “Fundamental Breach considering Non-conformity of the goods” (Dịch ra tiếng Việt là Vi phạm cơ bản hợp đồng – xem xét về tính không phù hợp của hàng hóa) được Nxb Sellier European Law Publishers xuất bản năm 2007, trong đó phân tích một số vụ tranh chấp liên quan đến nghĩa vụ của các bên về giao hàng thiếu, giao hàng chậm, giao hàng kém chất lượng…với ý nghĩa nhấn mạnh vào tính chất không phù hợp của hàng hóa khi một bên vi phạm hợp đồng và coi tính không phù hợp của hàng hóa đến mức như thế nào thì sẽ cấu thành một sự vi phạm cơ bản hợp đồng.
  • 15. 10 Công trình nghiên cứu của tác giả Jorge Ivan Salazar Tamez: “The CISG Remedies of Specific Performance, Damages and Avoidance, Compared to the Equivalent in the Mexican Law on Sales” (Dịch ra tiếng Việt là Các chế tài buộc thực hiện đúng hợp đồng, bồi thường thiệt hại và hủy hợp đồng, so sánh với các chế tài có liên quan trong Luật mua bán của Mexico) được Nxb ProQuest Information and Learning Company xuất bản năm 2007. Công trình này nghiên cứu các chế tài buộc thực hiện đúng hợp đồng, bồi thường thiệt hại và hủy hợp đồng theo Luật mua bán của Mexico và đặt chúng trong mối quan hệ với khái niệm vi phạm cơ bản hợp đồng là điều kiện tiên quyết để áp dụng chế tài hủy hợp đồng theo Công ước Viên. Bài viết “Fundamental Breach of Contract under the CISG: A Controversial Rule” (Dịch ra tiếng Việt là Vi phạm cơ bản hợp đồng theo Công ước Viên: Một quy tắc gây tranh cãi) của tác giả Eduardo Grebler, được đăng trên Tạp chí Proceedings of the Annual Meeting (American Society of International Law), Vol. 101 (năm 2007). Trong bài viết này, tác giả Eduardo Grebler đã bình luận Điều 25 Công ước Viên cả về mặt hình thức lẫn nội dung. Theo tác giả này, về mặt hình thức, việc dịch ra nhiều thứ tiếng có thể tạo sự không thống nhất trong cách hiểu về Điều 25 Công ước Viên. Về mặt nội dung, tác giả này cho rằng tính chất cơ bản của vi phạm cơ bản hợp đồng phụ thuộc vào cái gọi là sự lấy đi đáng kể lợi ích của bên bị vi phạm. Tuy nhiên, thế nào là sự lấy đi đáng kể lợi ích của bên bị vi phạm lại không được giải thích bởi Công ước Viên. Điều này gây khó khăn và do đó trong thực tiễn, vấn đề này do cơ quan giải quyết tranh chấp tự xem xét và quyết định. Trên cơ sở đó, Eduardo Grebler cho rằng đây là bất cập của chính Công ước Viên liên quan đến khái niệm vi phạm cơ bản hợp đồng được quy định tại Điều 25 Công ước Viên. Bài viết “Fundamental Breach of Contract under the UN Sales Convention – 25 years of Article 25 CISG” (Dịch ra tiếng Việt là Vi phạm cơ bản hợp đồng theo Công ước viên – 25 năm của Điều 25 Công ước Viên), của tác giả Franco Ferrari đăng trên tạp chí 25 J.L. & Com. 489 (năm 2006). Bài viết này đã phân tích khái niệm vi phạm cơ bản hợp đồng theo Công ước Viên dưới góc độ xem xét mức độ của sự vi phạm hợp đồng, về mức độ của tổn hại với ý nghĩa là những điều kiện tiên quyết để xác định cái gọi là vi phạm cơ bản hợp đồng và khả năng mà người ta có thể tiên liệu được về những hậu quả do sự vi phạm hợp đồng đó gây ra. Bài viết này cũng xem xét hành vi vi phạm cơ bản hợp đồng từ phía người bán trong những tình huống cụ thể như người
  • 16. 11 bán giao hàng có khiếm khuyết, người bán giao chứng từ chậm hoặc giao chứng từ không phù hợp với hợp đồng. Bài viết “The Concept of fundamental breach: Perspectives from the CISG, UNIDROIT Principles and PECL and case law” (Dịch ra tiếng Việt là Khái niệm vi phạm cơ bản hợp đồng: triển vọng từ Công ước Viên, những nguyên tắc UNIDROIT, PECL và án lệ) của tác giả Chengwei Liu đăng trên tạp chí 20 J.L. & Com. 460 (năm 2005). Bài viết này sau khi giới thiệu khái niệm vi phạm cơ bản hợp đồng theo quy định tại Điều 25 Công ước Viên, khoản 1 Điều 7.3.1 Bộ nguyên tắc UNIDROIT và Điều 8:103 của PECL, tác giả Chengwei Liu kết luận rằng cả 3 quy định này là tương tự nhau mặc dù ngôn từ và nội dung của mỗi điều khoản có một số điểm khác nhau. Bài viết “Fundamental Breach and the CISG - a Unique Treatment or Failed Experiment?” (Dịch ra tiếng Việt là Vi phạm cơ bản và Công ước Viên – cách xử lý duy nhất hay thử nghiệm thất bại) của tác giả Bruno Zeller đăng trên tạp chí 8 Vindobona Journal of International Commercial Law & Arbitration 81 (năm 2004) là bài đưa ra quan điểm cho rằng việc giải thích Điều 25 Công ước Viên cần phải dựa vào ý định của các bên giao kết hợp đồng và phải phân tích ý nghĩa của Điều 25 trong mối quan hệ với hệ thống các chế tài của Công ước Viên đã quy định. Từ đó, tác giả này cho rằng khái niệm vi phạm cơ bản hợp đồng cần phải được tiếp cận từ vai trò của khái niệm vi phạm cơ bản hợp đồng trong Công ước Viên hơn là chỉ giải thích nó theo nghĩa đen. Bài viết “Avoidance and the notion of fundamental breach under the CISG: An English perspecitive” (Dịch ra tiếng Việt là Hủy bỏ hợp đồng và khái niệm vi phạm cơ bản theo Công ước Viên) của tác giả Darren Peacock đăng trên tạp chí 8 Int’l Trade & Bus. L. Ann. 95 (năm 2003). Bài viết này, sau khi trình bày khái quát về lịch sử ra đời của Điều 25 Công ước Viên, đã phân tích các khái niệm về “vi phạm”, “tổn hại” và “khả năng tiên liệu” được sử dụng tại chính khái niệm vi phạm cơ bản trong Điều 25 Công ước Viên. Tác giả của bài viết này cũng so sánh cơ chế áp dụng chế tài hủy hợp đồng đối với người mua và người bán theo Công ước Viên với cơ chế hủy hợp đồng theo quy định Luật mua bán hàng hóa của Anh năm 1979. Bài viết “Case law on the concept of fundamental breach in the Vienna Sales Convention” (Dịch ra tiếng Việt là Án lệ về khái niệm vi phạm cơ bản hợp đồng theo Công ước Viên) của tác giả Leonardo Graffi đăng trên tạp chí Int'l Bus. L.J. 338 (năm
  • 17. 12 2003). Trong bài viết này, dựa trên nội dung quy định của Điều 25 Công ước Viên, tác giả này chia khái niệm vi phạm cơ bản hợp đồng ra hai góc độ để phân tích, đó là góc độ liên quan đến bên có quyền lợi bị vi phạm với cái gọi là “tổn hại đáng kể”, “mong muốn của người này trên cơ sở hợp đồng” và góc độ liên quan đến người vi phạm với cái gọi là “khả năng tiên liệu”, “người có lý trí ở vào địa vị và hoàn cảnh tương tự”. Từ đó, tác giả này đã phân tích khái niệm vi phạm cơ bản hợp đồng trong những tình huống vi phạm cụ thể của các bên như chậm thực hiện hợp đồng, hàng hóa được giao có khiếm khuyết. Bài viết “The Concept of fundamental breach as an International Principle to create uniformity of commercial law” (Dịch ra tiếng Việt là Khái niệm vi phạm cơ bản hợp đồng như là nguyên tắc quốc tế để thống nhất pháp luật thương mại) của tác giả Clemens Pauly đăng trên tạp chí 19 J.L. & Com. 221 (năm 2000). Tác giả này sử dụng phương pháp phân tích theo nghĩa đen của khái niệm vi phạm cơ bản hợp đồng theo Công ước Viên và có so sánh với Điều 2 Bộ luật thương mại thống nhất Hoa Kỳ (UCC) và Luật nghĩa vụ trong Bộ luật dân sự của Đức (Bürgerliches Gesetzbuch). Bài viết này phân tích khái niệm vi phạm cơ bản hợp đồng thông qua 3 vụ tranh chấp được giải quyết bởi tòa án Đức, đó là: Vụ "Fabrics in Wrong Color" (giao vải sai màu), "Cobalt Sulphate of Different Quality" (Colablt Sulphate không phù hợp về chất lượng) và "Compressors of Lower Cooling” (máy nén làm lạnh kém) để nêu ra quan điểm riêng khi vận dụng quy định của Điều 25 Công ước Viên vào các vụ việc tranh chấp cụ thể. Bài viết “The Concept of fundamental Breach of Contract under the United Nations Convention on Contracts for the International Sale of Goods (CISG)” (Dịch ra tiếng Việt là Khái niệm vi phạm cơ bản hợp đồng theo Công ước Viên năm 1980 về hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế) của tác giả Robert Koch đăng trong Cuốn “Review of the Convention on Contracts for the International Sale of Goods (CISG)” năm 1998. Tác giả này đã giới thiệu một phương pháp giải thích khái niệm vi phạm cơ bản hợp đồng đang được tòa án tối cao Đức áp dụng. Đó là phương pháp dựa trên thuật ngữ có kết hợp chặt chẽ với việc trả lời câu hỏi nhằm xác định rõ mục đích của hợp đồng có bị mất đi do hành vi vi phạm hay không và xác định bên bị vi phạm có cần áp dụng chế tài hủy hợp đồng hoặc giao hàng thay thế hay không.
  • 18. 13 Ngoài các công trình nghiên cứu về vi phạm cơ bản hợp đồng như đã nêu ở trên, còn có một số công trình phân tích về chế tài hủy hợp đồng, theo hướng nhấn mạnh rằng vi phạm cơ bản hợp đồng là một trong những điều kiện để áp dụng chế tài này. Ví dụ, bài viết “Avoidance for Breach under the Vienna Convention: A Critical Analysis of Some of the Early Cases” (Dịch ra tiếng Việt là Hủy hợp đồng do vi phạm theo Công ước Viên: phân tích một số vụ tranh chấp) của tác giả Alastair Mullis đăng trong Andreas & Jarborg eds., Anglo-Swedish Studies in Law, Lustus Forlag, năm 1998; Bài viết “The remedial provisions of the Vienna Convention on the international sale of goods 1980: A small business perspective” (Dịch ra tiếng Việt là Quy định chế tài của Công ước viên về hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế năm 1980: triển vọng kinh doanh nhỏ) của tác giả David G.Fagan đăng trên tạp chí the Journal of Small & Emerging Business Law, Vol.2:317 (năm 1998); Bài viết “Avoidance of the contract in case of non-conforming goods (Article 49(1)(a) CISG)” (Dịch ra tiếng Việt là Hủy hợp đồng khi hàng hóa không phù hợp hợp đồng (Điều 49(1)(a)) của tác giả Ingeborg Schwenzer đăng trên tạp chí Journal of Law and Commerce, Vol.25:437 (năm 2005); Bài viết “Avoidance in non-payment situations and fundamental breach under the 1980 U.N Convention on contracts for the international sale of goods” (Dịch ra tiếng Việt là Hủy hợp đồng trong trường hợp không thanh toán và vi phạm cơ bản hợp đồng theo Công ước Viên về hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế) của tác giả Olof Clausson đăng trên tạp chí N.Y.L.Sch.J.Int’l & Comp.L, Vol.6 (năm 1986); Bài viết “Cancellation for “material” or “fundamental” breach: A comparative analysis of South African Law, the UN Convention on contracts for the international sale of goods (CISG) and the UNIDROIT Principles of International Commercial Contracts” (Dịch ra tiếng Việt là Chấm dứt hợp đồng do vi phạm cơ bản: phân tích so sánh Luật Nam phi, Công ước Viên về hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế và Những nguyên tắc UNIDROIT về hợp đồng thương mại) của tác giả Tjakie Naudé đăng trên tạp chí Stellenbosch L.Rev, Vol.12 (năm 2001) v.v… Các công trình nêu trên chỉ phân tích việc áp dụng chế tài hủy hợp đồng theo Điều 49, Điều 51, Điều 64, Điều 72 và Điều 73 Công ước Viên. Đây là những tài liệu tham khảo bổ ích vì nó giúp tác giả Luận án Tiến sĩ hiểu rõ hơn về mục đích cuối cùng của quy định về vi phạm cơ bản hợp đồng là nhằm để giúp các bên trong hợp đồng
  • 19. 14 MBHHQT có thể áp dụng chế tài hủy hợp đồng, giao hàng thay thế nếu sự vi phạm hợp đồng của một bên là vi phạm cơ bản. 1.1.3. Đánh giá tổng quan tình hình nghiên cứu Như đã trình bày ở trên, những công trình nghiên cứu ngoài nước phân tích dưới nhiều góc độ khác nhau về vi phạm cơ bản hợp đồng với ý nghĩa là khái niệm được quy định tại Điều 25 Công ước Viên và điều kiện áp dụng chế tài yêu cầu giao hàng thay thế, hủy hợp đồng theo quy định tại các Điều 46, 49, 51, 64,70, 72 và Điều 73 Công ước Viên. Trong khi đó, ở Việt Nam thì chưa có công trình nào nghiên cứu trực tiếp khái niệm vi phạm cơ bản hợp đồng theo Công ước Viên mà đơn thuần chỉ là những quan điểm phản ánh sự khó khăn do tính phức tạp trong quy định về vi phạm cơ bản hợp đồng tại khoản 13 Điều 3 Luật Thương mại. Nhìn chung, các bài viết, công trình nghiên cứu chưa đề cập một cách chuyên sâu, toàn diện về những vấn đề liên quan đến khái niệm vi phạm cơ bản hợp đồng theo Công ước Viên và theo pháp luật Việt Nam nhằm làm rõ những bất cập của cả Công ước Viên và của cả pháp luật Việt Nam về vấn đề này. Qua tìm hiểu tình hình nghiên cứu ở trong nước và ngoài nước liên quan đến đề tài luận án, tác giả đưa ra những nhận định như sau: 1.1.3.1. Những vấn đề đã được giải quyết - Khái niệm vi phạm cơ bản hợp đồng trong Công ước Viên còn mang tính trừu tượng, do đó, nhiều tác giả nước ngoài đã phân tích về tổn hại và mức độ tổn hại; về tính không phù hợp của hàng hóa; về mục đích của việc giao kết hợp đồng.v.v…và coi đó là các tiêu chí xác định tính chất cơ bản của hành vi vi phạm hợp đồng để giải thích khái niệm vi phạm cơ bản hợp đồng được quy định trong Công ước Viên. Tùy theo cách tiếp cận, cách hiểu của từng tác giả mà khái niệm vi phạm cơ bản hợp đồng nên được áp dụng như thế nào trong thực tiễn. Quan điểm của các tác giả này có giá trị khoa học ở chỗ là họ đã “mổ xẻ” khái niệm về vi phạm cơ bản hợp đồng theo quy định của Công ước Viên theo nhiều cách tiếp cận. Điều này cho thấy khái niệm vi phạm cơ bản hợp đồng theo Công ước Viên cũng đang gây nhiều tranh luận và chưa có sự thống nhất. - Một số công trình nghiên cứu của các tác giả ở nước ngoài đã tiếp cận khái niệm vi phạm cơ bản hợp đồng với ý nghĩa là điều kiện để áp dụng chế tài hủy hợp đồng, giao hàng thay thế. Điều này cho thấy, về mặt lý luận, các tác giả này đã hiểu khá thống nhất về mục đích của quy định về vi phạm cơ bản hợp đồng tại Điều 25 Công ước Viên là nhằm áp dụng một số chế tài cụ thể khi có sự vi phạm hợp đồng MBHHQT.
  • 20. 15 - Trong thực tiễn giải quyết tranh chấp về vi phạm cơ bản hợp đồng MBHHQT, chế tài hủy hợp đồng đã được Tòa án một số nước áp dụng khi có sự vi phạm cơ bản. Tuy nhiên, chưa có tác giả nào hệ thống hóa hay rút ra án lệ cho việc áp dụng vi phạm cơ bản trong giải quyết tranh chấp về vi phạm hợp đồng MBHHQT. - Ở Việt Nam, chưa có nhiều công trình nghiên cứu về vi phạm cơ bản hợp đồng với ý nghĩa là một chế định pháp luật, dù ở góc độ hợp đồng dân sự cũng như hợp đồng thương mại và cả hợp đồng có yếu tố nước ngoài. Trong thực tế, giải quyết tranh chấp về hợp đồng MBHHQT cũng chưa có nhiều án lệ về vận dụng các quy định về vi phạm cơ bản trong Luật Thương mại để xem xét việc áp dụng chế tài hủy bỏ hợp đồng hay chế tài đình chỉ thực hiện hợp đồng và tạm ngừng thực hiện hợp đồng. 1.1.3.2. Những vấn đề còn bỏ ngỏ - Chưa có công trình hay Luận án tiến sĩ Luật học nào nghiên cứu một cách cụ thể, toàn diện những vấn đề về vi phạm cơ bản hợp đồng theo Công ước Viên trong mối liên hệ, so sánh với các quy định này của pháp luật Việt Nam. - Chưa có các công trình nghiên cứu, đánh giá hay nhận xét về những khó khăn trong việc vận dụng các quy định của pháp luật Việt Nam về vi phạm cơ bản hợp đồng và cũng chưa có các công trình nghiên cứu về việc áp dụng các chế tài khi có sự vi phạm cơ bản trong thực tiễn giao kết và thực hiện hợp đồng thương mại của doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là chế tài hủy bỏ hợp đồng. - Chưa có các công trình nghiên cứu những bất cập của pháp luật Việt Nam trong các quy định về vi phạm cơ bản hợp đồng nhằm đề xuất giải pháp sửa đổi và hoàn thiện pháp luật Việt Nam về vấn đề này. Có thể khẳng định đây là Luận án tiến sĩ Luật học đầu tiên nghiên cứu vấn đề về vi phạm cơ bản hợp đồng theo Công ước Viên trong mối quan hệ với pháp luật Việt Nam và định hướng hoàn thiện pháp luật Việt Nam. 1.2. Cơ sở lý thuyết của đề tài 1.2.1. Câu hỏi nghiên cứu - Hợp đồng MBHHQT là gì? Vi phạm hợp đồng là gì? Vi phạm cơ bản hợp đồng, vi phạm cơ bản hợp đồng MBHH là gì? Cơ chế điều chỉnh pháp luật đối với vi phạm cơ bản hợp đồng?. - Công ước Viên quy định như thế nào về các yếu tố cấu thành tính cơ bản của vi phạm hợp đồng và thực tiễn xác định các yếu tố này của tòa án, trọng tài một số quốc gia thành viên Công ước? Các quy định của Công ước Viên về các yếu tố cấu
  • 21. 16 thành tính cơ bản của vi phạm hợp đồng có điểm tương đồng với quy định của pháp luật Việt Nam hay không? - Khi có vi phạm cơ bản hợp đồng, bên vi phạm phải gánh chịu chế tài nào theo Công ước Viên và thực tiễn vận dụng các chế tài đó của tòa án, trọng tài ra sao? Các chế tài do vi phạm cơ bản hợp đồng có điểm tương đồng với các quy định về vi phạm cơ bản hợp đồng trong pháp luật Việt Nam? - Những bất cập trong quy định và thực tiễn áp dụng quy định về vi phạm co bản hợp đồng theo pháp luật Việt Nam là gì? Định hướng nào để hoàn thiện, khắc phục những bất cập đó? Giải pháp cụ thể để hoàn thiện, khắc phục những bất cập của quy định về vi phạm cơ bản hợp đồng và các quy định khác có liên quan là gì? 1.2.2. Lý thuyết nghiên cứu Luận án được thực hiện trên cơ sở phương pháp duy vật biện chứng của chủ nghĩa Mác – Lê nin và tư tưởng Hồ Chí Minh về nhà nước và pháp luật. Các quan điểm của Đảng về phát triển nền kinh tế thị trường, về hội nhập kinh tế quốc tế và về xây dựng nhà nước pháp quyền cũng là cơ sở phương pháp luận nghiên cứu của luận án. Các lý thuyết liên quan đến hợp đồng, hiệu lực hợp đồng, vi phạm hợp đồng, vi phạm cơ bản nghĩa vụ hợp đồng của Việt Nam, chế tài do vi phạm hợp đồng và một số nước trên thế giới. 1.2.3. Các giả thuyết nghiên cứu - Vi phạm cơ bản hợp đồng là ngoại lệ của nguyên tắc tuân thủ hiệu lực của hợp đồng, đòi hỏi chế tài áp dụng phù hợp tác động lên hiệu lực của hợp đồng nhằm đảm bảo quyền lợi của các bên giao kết hợp đồng. Tính cơ bản của hành vi vi phạm hợp đồng được xác định trên cơ sở lợi ích mà các bên mong muốn khi giao kết hợp đồng, không phụ thuộc vào loại hợp đồng. - Bản chất pháp lý của vi phạm cơ bản hợp đồng theo Công ước Viên là dựa trên tiêu chí chung về lợi ích kỳ vọng của các bên trên cơ sở hợp đồng bị lấy đi đáng kể. Vì vậy, tổn hại do hành vi vi phạm hợp đồng không phải là yếu tố bắt buộc khi xác định vi phạm cơ bản hợp đồng. - Vi phạm cơ bản hợp đồng theo Công ước Viên vừa mang yếu tố khách quan (cơ quan tài phán ra phán quyết dựa vào những gì bên bị vi phạm mong muốn trên cơ
  • 22. 17 sở hợp đồng có bị ảnh hưởng nghiêm trọng hay không), vừa mang tính chủ quan (khả năng tiên liệu được hậu quả của hành vi vi phạm hợp đồng cần được xem xét). - Chế tài do vi phạm cơ bản hợp đồng là rất nặng nề đối với bên vi phạm nhưng là cơ sở nhằm đảm bảo kịp thời quyền và lợi ích hợp pháp của bên vi phạm. Vì thế, quy định của Công ước Viên cho phép các bên lựa chọn biện pháp khác như khắc phục vi phạm bằng sửa chữa hoặc giao hàng thay thế trước khi lựa chọn giải pháp cuối cùng là hủy hợp đồng. - Quy định về vi phạm cơ bản hợp đồng trong pháp luật của Việt Nam cũng ẩn chứa những bất cập, không tương thích với pháp luật quốc tế, đặc biệt là Công ước Viên. Thực tiễn áp dụng các quy định pháp luật Việt Nam về vi phạm cơ bản hợp đồng cũng thể hiện những bất cập nhất định xuất phát từ những bất cập của bản thân quy định pháp luật về vi phạm cơ bản hợp đồng. 1.2.4. Về hướng tiếp cận của đề tài nghiên cứu - Là luận án tiến sĩ luật học, chuyên ngành Luật kinh tế, phương pháp tiếp cận của đề tài là dùng các phương pháp nghiên cứu truyền thống, phù hợp với phương pháp nghiên cứu luật học để xem xét và luận giải những vấn đề thuộc nội dung nghiên cứu của Luận án. Đó là các phương pháp hệ thống hóa, phương pháp luận giải, phương pháp nêu quan điểm và bình luận mang tính phản biện nhằm nêu bật những bất cập ngay trong quy định về vi phạm cơ bản hợp đồng của Công ước Viên và của pháp luật Việt Nam. - Như tên gọi của luận án đã cho thấy, việc nghiên cứu vấn đề vi phạm cơ bản hợp đồng theo Công ước Viên phải được đặt trong mối quan hệ với việc xem xét vấn đề về vi phạm cơ bản hợp đồng trong pháp luật Việt Nam nhằm đề xuất giải pháp sửa đổi các quy định tỏ ra chưa phù hợp trong pháp luật Việt Nam về vấn đề này, do đó, phương pháp tiếp cận quan trọng của luận án là dựa trên phương pháp luật học so sánh. Phương pháp luật học so sánh sẽ giúp tìm ra những điểm tích cực, cả trong lý thuyết và thực tiễn, những điểm bất cập của chính khái niệm vi phạm cơ bản hợp đồng để từ đó xây dựng được định hướng sửa đổi pháp luật Việt Nam. - Mặc dù Công ước Viên chỉ điều chỉnh hợp đồng MBHHQT và mục đích của những quy định về vi phạm cơ bản hợp đồng trong Công ước Viên là nhấn mạnh quyền của bên bán (hoặc bên mua) được áp dụng chế tài hủy hợp đồng khi bên mua (hoặc bên bán) có sự vi phạm cơ bản hợp đồng. Tuy nhiên, trong pháp luật Việt Nam
  • 23. 18 lại không có đạo luật dành riêng cho hợp đồng MBHHQT. Do vậy, hướng tiếp cận của đề bài nghiên cứu là phải lập luận để làm rõ những điểm tích cực trong các quy định của Công ước Viên về vi phạm cơ bản hợp đồng làm cơ sở kiến nghị hoàn thiện quy định về vi phạm cơ bản hợp đồng thương mại của Việt Nam bởi vi phạm cơ bản hợp đồng không bị chi phối hay ảnh hưởng bởi loại hợp đồng. 1.2.5. Kết quả nghiên cứu - Làm rõ những vấn đề lý luận về hợp đồng MBHHQT, vi phạm cơ bản hợp đồng, vi phạm cơ bản MBHHQT, cơ chế điều chỉnh pháp luật đối với vi phạm cơ bản hợp đồng. - Làm rõ quy định và thực tiễn xác định các yếu tố cấu thành tính cơ bản của vi phạm hợp đồng và chế tài do vi phạm cơ bản hợp đồng theo Công ước Viên (có so sánh với quy định của pháp luật Việt Nam). - Phân tích và làm rõ những bất cập của quy định về vi phạm cơ bản trong pháp luật Việt Nam và bất cập trong việc áp dụng quy định này trên cơ sở quy định và thực tiễn vận dụng của Công ước Viên. Từ đó, đề xuất định hướng và giải pháp cụ thể cho việc hoàn thiện các quy định của pháp luật Việt Nam về vi phạm cơ bản hợp đồng. 1.3. Phương pháp nghiên cứu Để làm rõ các vấn đề nghiên cứu, luận án được hoàn thành trên cơ sở của phương pháp luận nghiên cứu của đề tài là chủ nghĩa Mác – Lênin về duy vật biện chứng và duy vật lịch sử. Ngoài ra, để hoàn thiện luận án, các phương pháp nghiên cứu tổng hợp dưới đây cũng được sử dụng như: phương pháp kết hợp lý luận với thực tiễn, hệ thống hóa, phương pháp thống kê, phương pháp phân tích và tổng hợp, luận giải và phương pháp so sánh luật học, cụ thể: - Phương pháp kết hợp lý luận, lý thuyết với thực ti n: Phương pháp này được sử dụng xuyên suốt Chương 2, 3, 4 và 5 của luận án. Cụ thể, tác giả sử dụng lý luận, lý thuyết về vi phạm cơ bản theo Công ước Viên lồng ghép với thực tiễn vận dụng các quy định về vi phạm cơ bản hợp đồng theo Công ước Viên của tòa án, trọng tài một số quốc gia thành viên Công ước (các yếu tố cấu thành vi phạm cơ bản và chế tài do vi phạm cơ bản) để phân tích, làm rõ quy định của Công ước Viên về vi phạm cơ bản. Từ đó, làm cơ sở để giải thích, làm rõ những bất cập của quy định về vi phạm cơ bản hợp đồng trong pháp luật Việt Nam; Kết hợp lý luận và thực tiễn làm cơ sở đề xuất các
  • 24. 19 định hướng và giải pháp hoàn thiện các quy định có liên quan của pháp luật Việt Nam về vi phạm cơ bản hợp đồng. - Phương pháp thống kê: Phương pháp này được sử dụng chủ yếu ở chương 3, 4 và chương 5 của luận án. Bằng việc thống kê, phân tích các vụ tranh chấp có liên quan đến vi phạm cơ bản hợp đồng, tác giả tổng hợp thành 2 nhóm vấn đề liên quan đến vi phạm cơ bản hợp đồng do cơ quan giải quyết tranh chấp xử lý trong các vụ tranh chấp về hợp đồng MBHHQT có áp dụng Công ước Viên, đó là các yếu tố xác định tính cơ bản của vi phạm hợp đồng và chế tài do vi phạm cơ bản hợp đồng. - Phương pháp phân tích và tổng hợp: Phương pháp này được sử dụng trong tất cả các chương của luận án. Cụ thể là được sử dụng để đi sâu vào tìm tòi, trình bày các quan điểm pháp luật về hợp đồng MBHHQT, vi phạm cơ bản hợp đồng và vi phạm cơ bản hợp đồng MBHHQT (chương 2); Làm rõ các yếu tố cấu thành tính cơ bản của vi phạm hợp đồng và chế tài do vi phạm cơ bản hợp đồng theo Công ước Viên và thực tiễn vận dụng quy định này (chương 3, chương 4); Từ đó, phân tích những bất cập trong quy định có liên quan của pháp luật Việt Nam và đề xuất định hướng, giải pháp phù hợp nhằm hoàn thiện pháp luật Việt Nam về vi phạm cơ bản hợp đồng (chương 5). - Phương pháp hệ thống hóa: Được sử dụng xuyên suốt toàn bộ luận án nhằm trình bày các vấn đề, các nội dung trong luận án theo một trình tự, một bố cục hợp lý, chặt chẽ, có sự gắn kết, kế thừa, phát triển các vấn đề, các nội dung để đạt được mục đích, yêu cầu đã được xác định cho luận án. - Phương pháp so sánh luật học: Phương pháp này được sử dụng xuyên suốt trong toàn văn luận án. Cụ thể là được vận dụng trong việc tham khảo, so sánh quy định về vi phạm cơ bản hợp đồng của Việt Nam với Công ước Viên, Công ước Viên với quy định về vi phạm cơ bản hợp đồng của một số quốc gia và tổ chức quốc tế. Đặc biệt, chương 5 của luận án, tác giả sử dụng phương pháp này để so sánh và kiến nghị định hướng, giải pháp hoàn thiện pháp luật Việt Nam về vi phạm cơ bản hợp đồng với thực tế của đất nước trong điều kiện hội nhập hiện nay.
  • 25. 20 CHƯƠNG 2 NHỮNG VẤN ĐỀ LÝ LUẬN VỀ VI PHẠM CƠ BẢN HỢP ĐỒNG MUA BÁN HÀNG HÓA QUỐC TẾ Vấn đề vi phạm cơ bản hợp đồng MBHHQT bao gồm và liên quan tới nhiều vấn đề như hợp đồng MBHHQT, vi phạm hợp đồng MBHHQT và các chế tài áp dụng cũng như cơ chế pháp luật điều chỉnh loại vi phạm hợp đồng này. Để làm rõ nội dung của vi phạm cơ bản hợp đồng, tạo tiền đề lý luận cho việc nghiên cứu tiếp các phần sau của luận án, chương này trình bày khái quát vi phạm cơ bản hợp đồng MBHHQT, gồm các nội dung sau: khái niệm và đặc điểm của hợp đồng MBHHQT, khái niệm vi phạm cơ bản hợp đồng MBHHQT và cơ chế điều chỉnh pháp luật đối với vi phạm cơ bản hợp đồng MBHHQT. 2.1. Hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế: khái niệm và đặc điểm 2.1.1. Khái niệm về hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế Cùng với sự tác động của quá trình toàn cầu hóa nền kinh tế và sự thiết lập các khuôn khổ pháp lý song phương và đa phương về thương mại, hoạt động mua bán hàng hóa giữa các cá nhân, tổ chức không chỉ giới hạn trong phạm vi lãnh thổ quốc gia mà đã vươn ra phạm vi quốc tế. Phương tiện pháp lý cơ bản để các cá nhân, tổ chức tiến hành hoạt động mua bán hàng hóa trong phạm vi quốc tế là hợp đồng MBHHQT. Về mặt thuật ngữ, đến nay, theo những cứ liệu thu thập được thì chưa có Từ điển chuyên ngành Luật nào đưa ra giải thích thuật ngữ “hợp đồng MBHHQT”, có chăng chỉ là việc giải thích các thuật ngữ cấu thành thuật ngữ “hợp đồng MBHHQT”, đó là “hợp đồng”, “mua bán”, “hàng hóa”, “mua bán hàng hóa”… Về phương diện học thuật, ở trong nước, đã có một số tác giả đưa ra khái niệm về hợp đồng MBHHQT. Chẳng hạn, theo tác giả Trương Văn Dũng, hợp đồng MBHHQT là sự thỏa thuận có hiệu lực bắt buộc giữa các bên có trụ sở thương mại đóng ở các nước khác nhau, theo đó bên bán có nghĩa vụ giao hàng hóa và chuyển quyền sở hữu hàng hóa cho bên mua, bên mua có nghĩa vụ nhận hàng và thanh toán tiền hàng cho bên bán [17, tr.10]. Người viết cho rằng, khái niệm này chưa làm rõ được cơ sở xác định “hiệu lực bắt buộc” ở đây là theo quy định của pháp luật nào bởi tính chất quốc tế của hợp đồng thì rất nhiều nguồn luật khác nhau có thể cùng điều chỉnh hợp đồng MBHHQT. Bên cạnh đó, bản thân hợp đồng mua bán hàng hóa đã là sự thỏa thuận giữa bên bán và bên mua, sự thỏa thuận này phải đảm bảo tuân thủ quy
  • 26. 21 định pháp luật điều chỉnh hợp đồng thì nó trở thành “luật” giữa các bên đối với nhau. Vì vậy, sự nhấn mạnh “hiệu lực bắt buộc” của hợp đồng MBHHQT là không cần thiết. Tác giả Lê Thị Nam Giang cho rằng “Hợp đồng MBHHQT là sự thỏa thuận giữa các bên có trụ sở thương mại ở các nước khác nhau, theo đó bên bán có nghĩa vụ chuyển giao quyền sở hữu tài sản cho bên mua và nhận tiền, còn bên mua có nghĩa vụ nhận tài sản và trả tiền” [27, tr.268]. Khái niệm này chưa thực sự thuyết phục bởi tài sản là khái niệm rộng, trong đó bao gồm hàng hòa. Hàng hóa là một loại tài sản cụ thể nhưng tài sản thì chưa hẳn đã là hàng hóa. Xét về khía cạnh pháp luật thực định thì pháp luật của một số quốc gia trên thế giới và văn bản pháp lý quốc tế đã có những quy định không giống nhau về hợp đồng MBHHQT, ví dụ: - Điều 56 Luật mua bán hàng hóa năm 1979 của Anh quy định hợp đồng MBHHQT là hợp đồng mua bán hàng hóa được thiết lập giữa các bên có trụ sở thương mại (nếu không có trụ sở thương mại thì là nơi cư trú) nằm trên lãnh thổ ở các nước khác nhau và thỏa mãn các điều kiện sau: (a) Hợp đồng bao gồm mua bán hàng hóa, mà tại thời điểm ký kết hợp đồng, hàng hóa được chuyên chở từ lãnh thổ của quốc gia này sang lãnh thổ của quốc gia khác; (b) Chào hàng hoặc chấp nhận chào hàng được lập trên lãnh thổ của các quốc gia khác nhau; hoặc (c) Việc giao hàng được thực hiện trong lãnh thổ quốc gia khác với lãnh thổ quốc gia chào hàng hoặc chấp nhận chào hàng. Như vậy, theo pháp luật Anh Quốc, hợp đồng MBHHQT, trước hết, là hợp đồng mua bán hàng hóa, tức là hợp đồng theo đó người bán chuyển giao hoặc đồng ý chuyển giao quyền sở hữu hàng hóa cho người mua để nhận tiền tương ứng gọi là giá cả [153, Điều 3]. Cơ sở để xác định hợp đồng mua bán hàng hóa là hợp đồng MBHHQT là căn cứ vào ba yêu cầu nêu ra tại Điều 56 ở trên. Để được xem là hợp đồng MBHHQT, không chỉ đơn thuần là hợp đồng được giao kết giữa những bên có trụ sở thương mại tại các quốc gia khác nhau mà hoạt động mua bán hàng hóa được thực hiện từ lãnh thổ quốc gia này sang lãnh thổ quốc gia khác, chào hàng hoặc chấp nhận chào hàng được lập trên lãnh thổ của các quốc gia khác nhau. Rõ ràng, quy định nói trên của Luật mua bán hàng hóa năm 1979 đã thể hiện việc sử dụng tiêu chí “trụ sở thương mại” làm cơ sở xác định một hợp đồng là hợp đồng MBHHQT hay hợp đồng mua bán hàng hóa trong nước.
  • 27. 22 - Ở Hoa Kỳ, Bộ luật thương mại thống nhất Hoa Kỳ năm 1952 không trực tiếp đưa ra khái niệm về hợp đồng MBHHQT nhưng đưa ra định nghĩa về giao dịch quốc tế tại Điều 1-301, theo đó giao dịch quốc tế là giao dịch có mối quan hệ hợp lý với quốc gia khác với Hoa Kỳ. Và mua bán chính là việc chuyển giao quyền sở hữu từ người bán sang người mua để nhận tiền. Bộ luật thương mại thống nhất của Hoa Kỳ, tuy không trực tiếp đưa ra tiêu chí để xác định hợp đồng MBHHQT nhưng việc định nghĩa giao dịch quốc tế đã thể hiện của tiêu chí “trụ sở thương mại” ở các nước khác nhau. Mặc dù các quy định được diễn đạt khác nhau nhưng hợp đồng mua bán hàng hóa theo pháp luật Anh và Hoa Kỳ đều là sự thỏa thuận về việc chuyển giao quyền sở hữu hàng hóa từ người bán sang người mua để đổi lại khoản tiền tương ứng. Bên cạnh đó, hợp đồng mua bán hàng hóa là hợp đồng MBHHQT khi hợp đồng mua bán hàng hóa được giao kết bởi các bên có “trụ sở thương mại ở các quốc gia khác nhau”. Ở phạm vi quốc tế, mặc dù, Công ước Viên không quy định về khái niệm hợp đồng MBHHQT nhưng Điều 1 của Công ước đã gián tiếp xác định phạm vi của hợp đồng MBHHQT như sau: “1. Công ước này áp dụng cho các hợp đồng mua bán hàng hóa giữa các bên có trụ sở thương mại tại các quốc gia khác nhau…2. Sự kiện các bên có trụ sở thương mại tại các quốc gia khác nhau không tính đến nếu sự kiện này không xuất phát từ hợp đồng, từ các mối quan hệ đã hình thành hoặc vào thời điểm ký hợp đồng giữa các bên hoặc là từ việc trao đổi thông tin giữa các bên…”. Như vậy, cơ sở duy nhất để xác định hợp đồng MBHHQT theo Công ước Viên là trụ sở thương mại của các bên phải đặt tại các quốc gia khác nhau mà không phụ thuộc vào địa điểm ký kết hợp đồng và cũng không xét đến việc hàng hóa có được dịch chuyển qua biên giới hay không. Từ quy định tại Điều 1, kết hợp với quy định tại Điều 40, Điều 53 Công ước có thể hiểu hợp đồng MBHHQT là sự thỏa thuận giữa các bên có trụ sở thương mại đặt tại các nước khác nhau, theo đó một bên (người bán) có nghĩa vụ giao hàng, chuyển giao chứng từ liên quan đến hàng hóa và quyền sở hữu về hàng hóa cho bên kia (người mua) và người mua có nghĩa vụ thanh toán tiền hàng và nhận hàng. Bên cạnh Công ước viên, PICC đưa ra những quy phạm chung, chủ yếu áp dụng cho hợp đồng thương mại quốc tế. PICC không đưa ra một định nghĩa rõ ràng, nhưng khái niệm hợp đồng thương mại phải được hiểu theo một nghĩa rộng nhất có thể
  • 28. 23 được, không chỉ bao gồm các giao dịch thương mại nhằm cung cấp hay trao đổi hàng hóa hay dịch vụ, mà còn bao gồm các hình thức giao dịch kinh tế khác như các hợp đồng về đầu tư và/hoặc ủy thác, các hợp đồng cung cấp các dịch vụ chuyên môn [10, tr.36]. Tính chất quốc tế của một hợp đồng thương mại, theo PICC, được xác định bằng nhiều cách. Pháp luật quốc gia và quốc tế đưa ra nhiều giải pháp, từ việc căn cứ vào trụ sở hay nơi cư trú thường xuyên của các bên tại các quốc gia khác nhau đến việc áp dụng những tiêu chí tổng quát hơn [35, tr.76]. PICC không nhấn mạnh bất kỳ tiêu chí xác định tính quốc tế của hợp đồng thương mại quốc tế. Tuy nhiên, tính quốc tế của hợp đồng thương mại nói chung, hợp đồng mua bán hàng hóa nói riêng cần được giải thích theo nghĩa rộng nhất có thể, chỉ loại trừ những trường hợp không có bất kỳ một yếu tố quốc tế nào, nghĩa là khi tất cả các yếu tố cơ bản của hợp đồng chỉ liên quan đến một quốc gia [10, tr.35]. Ở Việt Nam, hợp đồng MBHHQT, trước khi Luật Thương mại ra đời, còn được gọi dưới nhiều tên khác nhau như: hợp đồng xuất nhập khẩu hàng hóa, hợp đồng mua bán hàng hóa ngoại thương [50], hợp đồng mua bán ngoại thương [56], hợp đồng mua bán hàng hóa với thương nhân nước ngoài… Luật Thương mại có một chương quy định về mua bán hàng hóa (Chương II), trong đó chỉ có bảy điều luật quy định riêng về MBHHQT và không có điều luật nào xác định cụ thể, trực tiếp về khái niệm và phạm vi nội hàm của hợp đồng MBHHQT. Tuy nhiên, dựa vào quy định tại khoản 8 Điều 3 Luật Thương mại và Điều 428 Bộ luật dân sự, có thể rút ra khái niệm về hợp đồng mua bán hàng hóa như sau: Hợp đồng mua bán hàng hóa là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên bán có nghĩa vụ giao hàng hóa cho bên mua và nhận tiền, còn bên mua có nghĩa vụ nhận hàng hóa và trả tiền cho bên bán. Như vậy, hợp đồng mua bán hàng hóa là dạng cụ thể của hợp đồng mua bán tài sản trong pháp luật dân sự (theo nghĩa rộng) [2, tr.4]. Luật Thương mại cũng không quy định về khái niệm hợp đồng MBHHQT hoặc yếu tố quốc tế, nước ngoài của hợp đồng mua bán hàng hóa mà chỉ quy định về MBHHQT tại Điều 27 như sau: “1. MBHHQT được thực hiện dưới các hình thức xuất khẩu, nhập khẩu, tạm nhập, tái xuất, tạm xuất, tái nhập và chuyển khẩu. 2. MBHHQT phải thực hiện trên cơ sở hợp đồng bằng văn bản hoặc bằng hình thức khác có giá trị pháp lý tương đương”. Như vậy, khoản 1 Điều 27 Luật thương mại đã liệt kê các hình
  • 29. 24 thức cụ thể của việc mua bán hàng hóa quốc tế, bao gồm 5 hình thức: xuất khẩu; nhập khẩu; tạm nhập, tái xuất; tạm xuất, tái nhập; chuyển khẩu. Từ đó, có thể suy luận rằng hợp đồng MBHHQT theo pháp luật Việt Nam là văn bản thỏa thuận của các cá nhân, tổ chức trong việc xuất khẩu, nhập khẩu, tạm nhập, tái xuất, tạm xuất, tái nhập và chuyển khẩu hàng hóa. Hai hay nhiều bên tham gia giao dịch MBHHQT - một loại giao dịch dân sự hoặc giao kết hợp đồng MBHHQT theo pháp luật Việt Nam có thể là cá nhân, tổ chức Việt Nam hoặc cá nhân, tổ chức nước ngoài; có nơi cư trú hoặc trụ sở ở Việt Nam hoặc nước ngoài. Nghĩa là, theo quy định của Luật Thương mại, hoạt động mua bán hàng hóa được coi là MBHHQT không phụ thuộc vào nơi cư trú, trụ sở hay quốc tịch. Luật Thương mại lấy tiêu chí vận chuyển hàng hóa qua biên giới để xác định quan hệ mua bán hàng hóa là MBHHQT. Mặt khác, Điều 758 Bộ luật dân sự quy định: “Quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài là quan hệ dân sự có ít nhất một trong các bên tham gia là cơ quan, tổ chức, cá nhân nước ngoài hoặc là quan hệ dân sự giữa các bên tham gia là công dân, tổ chức Việt Nam nhưng căn cứ để xác lập, thay đổi, chấm dứt quan hệ đó theo pháp luật nước ngoài, phát sinh tại nước ngoài hoặc tài sản liên quan đến quan hệ đó ở nước ngoài”. Như vậy, khái niệm “MBHHQT” với tư cách là hoạt động thương mại hoặc quan hệ thương mại theo khoản 1 Điều 27 Luật Thương mại có phạm vi hẹp hơn so với “mua bán hàng hóa có yếu tố nước ngoài” xuất phát từ khái niệm “quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài” theo Điều 758 Bộ luật dân sự. Căn cứ quy định về quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài tại Điều 758 Bộ luật dân sự, chúng ta có thể xác định các dấu hiệu của quan hệ MBHHQT hay có “yếu tố nước ngoài” như sau: - Ít nhất một trong các bên tham gia mua bán hàng hóa là cơ quan, tổ chức, cá nhân nước ngoài; - Các bên tham gia quan hệ mua bán hàng hóa là công dân, tổ chức Việt Nam nhưng căn cứ để xác lập, thay đổi, chấm dứt quan hệ này theo pháp luật nước ngoài; - Hàng hóa – đối tượng mua bán ở nước ngoài. Trong khi đó, MBHHQT theo Luật Thương mại chỉ căn cứ vào tiêu chí duy nhất là hàng hóa được vận chuyển qua biên giới [5, tr.5]. Tuy nhiên, theo khoản 3 Điều 4 Luật Thương mại, “hoạt động thương mại không được quy định trong Luật Thương mại và trong các luật khác thì áp dụng quy định của Bộ luật dân sự” nên việc
  • 30. 25 xác định hợp đồng MBHHQT cần vận dụng cả khoản 1 Điều 27 Luật Thương mại và Điều 758 Bộ luật dân sự. Từ nhận thức trên, có thể đưa ra khái niệm về hợp đồng MBHHQT như sau: Hợp đồng MBHHQT là hợp đồng mua bán hàng hóa có tính chất quốc tế hay có yếu tố nước ngoài, theo đó một bên (người bán) có nghĩa vụ giao hàng, chứng từ liên quan hàng hóa và quyền sở hữu về hàng hóa cho bên kia (người mua) và người mua có nghĩa vụ thanh toán tiền hàng và nhận hàng. 2.1.2. Đặc điểm của hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế 2.1.2.1. Hợp đồng MBHHQT là hợp đồng thương mại có tính quốc tế hay có yếu tố nước ngoài Hợp đồng MBHHQT là một giao dịch có nhiều bên tham gia để tạo lập sự ràng buộc pháp lý với nhau dựa trên sự cam kết, thỏa thuận, tức là tạo ra các quyền và nghĩa vụ mới, ngoài những quyền và nghĩa vụ luật định, hoặc làm thay đổi hay chấm dứt các quyền, nghĩa vụ ấy. Mặc dù trong luật thực định và thậm chí trong lý luận có nhiều cách hiểu khác nhau về hợp đồng MBHHQT nhưng chung quy lại, tất cả các cách hiểu khác nhau đó đều nhất quán ở điểm lấy trụ sở thương mại ở các quốc gia khác nhau hay sự di chuyển hàng hóa qua biên giới quốc gia là tiêu chí xác định tính chất quốc tế hay yếu tố nước ngoài hay tính chất quốc tế của hợp đồng MBHHQT [31, tr.75; 58]. Chính tính chất quốc tế hay yếu tố nước ngoài của hợp đồng MBHHQT đã tạo ra điểm khác biệt của hợp đồng MBHHQT so với hợp đồng thương mại trong nước, cụ thể: - Chủ thể của hợp đồng MBHHQT là các bên có trụ sở thương mại đặt ở các nước khác nhau và/hoặc mang quốc tịch khác nhau. Điều đó có nghĩa, bên bán, bên mua phải có trụ sở thương mại đặt ở các nước khác nhau chứ không phải đóng trong phạm vi một nước. Nếu bên mua và bên bán đều có trụ sở thương mại ở cùng một nước mà ký kết hợp đồng mua bán hàng hóa với nhau thì đó là hợp đồng mua bán hàng hóa trong nước. Nếu một bên có hơn một trụ sở thương mại thì sẽ tính đến trụ sở thương mại có mối liên hệ chặt chẽ nhất đối với hợp đồng và đối với việc thực hiện hợp đồng đó; Nếu một bên không có trụ sở thương mại thì sẽ lấy nơi cư trú thường xuyên của họ [11, Điều 10].
  • 31. 26 - Hàng hóa là đối tượng của hợp đồng có thể được chuyển qua biên giới nước người bán sang nước người mua hoặc sang nước thứ ba. Vì hợp đồng MBHHQT được ký kết giữa các bên có trụ sở thương mại đặt ở các nước khác nhau nên trong đa số các trường hợp hàng hóa được chuyển từ nước người bán sang nước người mua hoặc từ nước người bán sang nước thứ ba (trong trường hợp người mua hàng xuất hàng sang nước thứ ba) [26, tr.204]. Song cũng có trường hợp hàng hóa không chuyển qua biên giới nước người bán. Chẳng hạn, một Công ty Hàn Quốc đóng trụ sở thương mại tại Xơ Un, Hàn Quốc ký kết hợp đồng gia công quốc tế với một Công ty may của Việt Nam đóng trụ sở tại Hà Nội. Công ty Hàn Quốc cung cấp nguyên vật liệu và nhận sản phẩm gia công. Để thực hiện được hợp đồng này, công ty Hàn Quốc ký kết hợp đồng mua vải của công ty dệt Vĩnh Phú có trụ sở thương mại tại Vĩnh Phú. Địa điểm giao hàng tại Hà Nội, người nhận hàng là Công ty may đóng trụ sở thương mại tại Hà Nội, có nghĩa vụ gia công áo giao cho Công ty Hàn Quốc. Như vậy, vải là đối tượng của hợp đồng mua bán giữa công ty Hàn Quốc đóng trụ sở thương mại tại Hàn Quốc với Công ty dệt đóng trụ sở tại Việt Nam, không chuyển qua biên giới Việt Nam (nước người bán). - Đồng tiền dùng để thanh toán giữa người bán và người mua có thể là ngoại tệ đối với một trong hai bên. Nếu như trong các hợp đồng mua bán trong nước, đồng tiền thanh toán phải là đồng Việt Nam (có thể dùng USD hay Euro như đồng tiền tính toán mà thôi) thì trong hợp đồng MBHHQT, các bên được tự do lựa chọn đồng tiền thanh toán, đó có thể là đồng tiền của nước người bán, của nước người mua hay của nước thứ ba. Nhìn chung, các bên thường lựa chọn các đồng tiền mạnh có thể tự do chuyển đổi như USD, Euro, DM, Yên Nhật, Bảng Anh… (ngoại lệ: các hợp đồng ký giữa các thương nhân EU thì đồng tiền thanh toán Euro sẽ là đồng tiền chung cho cả hai bên và không là ngoại tệ đối với bên nào). - Cơ quan giải quyết tranh chấp phát sinh từ hợp đồng MBHHQT có thể là Tòa án hoặc Trọng tài nước ngoài đối với một hoặc cả hai bên. Ví dụ, hợp đồng mua bán hàng hóa giữa một công ty của Trung Quốc đóng trụ sở thương mại ở Trung Quốc với một công ty của Đức đóng trụ sở thương mại tại Đức, trong hợp đồng quy định nếu có tranh chấp phát sinh thì giải quyết bằng thương lượng, nếu không thương lượng được thì kiện ra Tòa thương mại Beclin. Như vậy, Tòa thương mại Beclin là cơ quan giải quyết tranh chấp và cũng là Tòa án nước ngoài đối với công ty của Trung Quốc.
  • 32. 27 Bên cạnh đó, tính chất quốc tế của hợp đồng MBHHQT có thể dẫn đến khả năng tranh chấp về thẩm quyền giữa các cơ quan giải quyết tranh chấp đối với những tranh chấp phát sinh từ hoặc có liên quan đến hợp đồng MBHHQT - tranh chấp có yếu tố nước ngoài [45, tr.226]. - Pháp luật điều chỉnh hợp đồng MBHHQT có thể là pháp luật nước ngoài đối với một hoặc cả hai bên. Chẳng hạn, nếu áp dụng pháp luật Việt Nam điều chỉnh hợp đồng mua bán giữa công ty Việt Nam và công ty của Singapore thì pháp luật Việt Nam là pháp luật nước ngoài đối với công ty Singapore. Nếu hai bên thỏa thuận dùng pháp luật của Pháp để điều chỉnh hợp đồng này thì pháp luật của Pháp là pháp luật nước ngoài đối với cả hai bên. Ngoài ra, nguồn luật điều chỉnh hợp đồng MBHHQT cũng rất đa dạng và phức tạp bao gồm không chỉ pháp luật nước ngoài đối với một trong hoặc cả hai bên mà còn điều ước thương mại quốc tế, tập quán thương mại quốc tế và thậm chí là án lệ (tiền lệ xét xử). 2.1.2.2. Mục đích của hợp đồng MBHHQT là sinh lợi Hợp đồng MBHHQT là sự thỏa thuận giữa các bên để thực hiện một hoạt động thương mại. Xét về nội dung, sự thỏa thuận trong hoạt động thương mại được thể hiện dưới hình thức pháp lý là hợp đồng thương mại không chỉ là sự nhất trí, đồng ý chung chung mà còn phải có nội dung cụ thể, mục đích rõ ràng, tức phải xác định được bản chất quan hệ hợp đồng mà các bên muốn xác lập [19, tr.120]. Mua bán hàng hóa là hoạt động thương mại, theo đó người bán chuyển giao hàng hóa và quyền sở hữu đối với hàng hóa cho người mua và người mua nhận hàng và trả tiền. Hàng hóa là đối tượng của hợp đồng MBHHQT mà các bên giao kết hợp đồng này hướng tới. Vì thế, mục đích của các bên trong hợp đồng MBHHQT cũng gắn liền với mục đích mua hàng để sinh lợi của các bên. Các bên giao kết hợp đồng MBHHQT chính là các thương nhân, tức là chủ thể tiến hành hoạt động thương mại. Vì vậy, có thể nói, mục đích mua hàng của người bán cũng như người mua, dù được mô tả trực tiếp hay gián tiếp, thì đó cũng là nhằm sinh lợi từ việc chuyển giao hàng, quyền sở hữu đối với hàng và thanh toán [12, tr.68]. Người mua có thể mua hàng để bán lại hay để sản xuất nhằm sinh lợi, người bán, đương nhiên, muốn bán hàng để nhận tiền (sinh lợi). Khi thiết lập một hợp đồng MBHHQT, người bán và người mua luôn hướng đến việc tạo lập “sự ràng buộc pháp
  • 33. 28 lý” đối với nhau và trông đợi bên kia cùng thực hiện nghĩa vụ phát sinh từ hợp đồng, nhằm thỏa mãn lợi ích của các bên [26, tr.142]. Tóm lại, mục đích trong hợp đồng MBHHQT được tạo nên bởi sự thỏa thuận của các bên có thể khác nhau tùy vào quan hệ, động cơ giao kết hợp đồng của các bên. Tuy nhiên, là hình thức pháp lý để thực hiện hoạt động thương mại nói chung, hoạt động mua bán hàng hóa nói riêng nên về mặt bản chất có thể thấy được các bên thống nhất với nhau ý chí rằng mục đích các bên giao kết hợp đồng MBHHQT là nhằm tìm kiếm lợi nhuận và các lợi ích kinh tế khác. Điều này tạo nên bản chất của hợp đồng MBHHQT, khác với các loại hợp đồng khác, và là yếu tố cơ bản cho sự tồn tại của hợp đồng MBHHQT. Hợp đồng MBHHQT chỉ có thể được thiết lập vì lợi ích kinh tế mà các bên hướng tới từ hợp đồng này và cũng vì lợi ích kinh tế mà các bên thực hiện hợp đồng. Nói cách khác, không có lợi ích kinh tế sẽ không có sự giao kết và thực hiện hợp đồng MBHHQT. 2.2. Vi phạm cơ bản hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế: khái niệm và đặc điểm Khi hợp đồng MBHHQT đã được giao kết hợp pháp thì nó có giá trị bắt buộc thi hành đối với các bên tham gia xác lập và thực hiện hợp đồng. Sự ràng buộc pháp lý và lợi ích kinh tế của các bên sẽ bị ảnh hưởng ở mức độ khác nhau khi quyền và nghĩa vụ do các bên tạo ra không được tuân thủ thực hiện bởi một trong các bên xác lập và thực hiện hợp đồng. Nội dung sau đây làm rõ khái niệm và đặc điểm vi phạm cơ bản hợp đồng MBHHQT. 2.2.1. Khái niệm vi phạm cơ bản hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế Vi phạm cơ bản hợp đồng nói chung, vi phạm cơ bản hợp đồng MBHHQT nói riêng là một dạng vi phạm hợp đồng nhưng không phải vi phạm hợp đồng nào cũng là vi phạm cơ bản hợp đồng. Vì vậy, có thể nói, khái niệm vi phạm cơ bản hợp đồng nói chung, vi phạm cơ bản hợp đồng MBHHQT nói riêng được xem xét ở hai khía cạnh: (i) vi phạm hợp đồng; (ii) tính cơ bản của vi phạm hợp đồng. 2.2.1.1. Vi phạm hợp đồng (a) Khái niệm vi phạm hợp đồng Trong khoa học pháp lý, lý thuyết về vi phạm hợp đồng đã ra đời và tồn tại lâu dài trong tất cả các hệ thống pháp luật trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Theo nghĩa thông thường, vi phạm là “không tuân theo hoặc làm trái những điều quy định” [52, tr.1466]. Vì thế, vi phạm hợp đồng có thể hiểu là không tuân theo
  • 34. 29 hoặc làm trái những gì các bên đã thỏa thuận, thống nhất ý chí với nhau. Theo Từ điển Black’Law (phiên bản lần thứ 9), vi phạm hợp đồng là vi phạm các nghĩa vụ hợp đồng bằng việc không thực hiện lời hứa của ai đó, từ chối thực hiện hoặc ngăn cản việc thực hiện của bên kia [91, tr.213]. Về phương diện học thuật, trên thế giới có khá nhiều học giả đưa ra khái niệm về vi phạm hợp đồng. Chẳng hạn, theo Giáo sư Treitel, vi phạm hợp đồng xảy ra khi một bên không hoặc từ chối thực hiện những gì anh ta có nghĩa vụ thực hiện theo hợp đồng mà không có lý do hợp pháp hoặc thực hiện không đúng hoặc không có khả năng thực hiện [106, tr.389]. Như vậy, theo cách hiểu về vi phạm hợp đồng này, trong mọi trường hợp việc không thực hiện những gì đã cam kết, “đã hứa” chỉ bị xem là vi phạm khi “không có lý do hợp pháp”. Hay, vi phạm hợp đồng xảy ra nếu một bên giao kết hợp đồng thiếu sót trong việc thực hiện nghĩa vụ hợp đồng [150, tr.235]. Với khái niệm này thì chỉ đơn thuần là sự “thiếu sót”, dù là mức độ nhỏ hay lớn, đều cấu thành “vi phạm hợp đồng”. Tương tự, tác giả David Kelly cho rằng “vi phạm hợp đồng xảy ra khi một trong các bên tham gia hợp đồng không thực hiện, hoàn toàn hoặc thỏa đáng, nghĩa vụ hợp đồng. Một vi phạm hợp đồng có thể xảy ra dưới 3 dạng: (1) Khi một bên, trước thời hạn thực hiện hợp đồng, tuyên bố rằng họ sẽ không thực hiện nghĩa vụ hợp đồng (vi phạm trước thời hạn); (2) khi một bên không thực hiện nghĩa vụ hợp đồng; (3) khi một bên thực hiện không đúng (có khiếm khuyết) nghĩa vụ hợp đồng”[103, tr.182]. Tác giả Dương Anh Sơn cho rằng “hành vi vi phạm hợp đồng là những biểu hiện khách quan dưới dạng hành động hoặc không hành động trái với các nội dung mà các bên đã thỏa thuận” [60, tr.34] hay tác giả Phạm Duy Nghĩa cho rằng “vi phạm hợp đồng là hành vi của một bên không thực hiện hoặc không thực hiện đúng nghĩa vụ theo các điều kiện hợp đồng” [47, tr.373]. Vi phạm hợp đồng là thuật ngữ được nhắc đến và sử dụng khá nhiều trong quy định pháp luật của nhiều quốc gia trên thế giới nhưng khái niệm về vi phạm hợp đồng lại không được định nghĩa trực tiếp trong các đạo luật của các quốc gia này mà thay vào đó pháp luật của nhiều quốc gia quy định các dạng vi phạm hợp đồng. - Bộ luật dân sự năm 2002 của Đức điều chỉnh tương đối cụ thể hai dạng vi phạm nghĩa vụ hợp đồng, đó là loại vi phạm dưới hình thức “chậm thực hiện nghĩa vụ” và “không thể thực hiện được nghĩa vụ” hay “không có khả năng thực hiện nghĩa vụ”.
  • 35. 30 Bộ luật dân sự năm 1804 của Pháp coi chậm thực hiện nghĩa vụ hợp đồng và không thực hiện nghĩa vụ hợp đồng là vi phạm hợp đồng. - Điều 11(5) Luật mua bán hàng hóa năm 1979 của Anh quy định “Ở Scotland, người bán không thực hiện bất kỳ phần quan trọng nào của hợp đồng mua bán là vi phạm hợp đồng…”. Quy định này cho thấy nội hàm của vi phạm hợp đồng khá hẹp vì luật chỉ thừa nhận không thực hiện phần quan trọng của hợp đồng mua bán mới xem là vi phạm hợp đồng. - Điều 1-201(b)(17) Bộ luật thương mại thống nhất Hoa Kỳ năm 1952 không đưa ra khái niệm vi phạm nhưng quy định “lỗi là khiếm khuyết, vi phạm hay hành động sai trái hoặc không làm đầy đủ”. Từ quy định này có thể hiểu vi phạm là lỗi, là sự khiếm khuyết hay hành động sai trái hay không làm đầy đủ. - Vi phạm hợp đồng theo Luật hợp đồng Trung Quốc năm 1999 có thể hiểu thông qua quy định tại Điều 107, cụ thể: “nếu một bên không thực hiện nghĩa vụ theo hợp đồng hoặc thực hiện không phù hợp thì phải chịu trách nhiệm do vi phạm hợp đồng”. Như vậy, vi phạm hợp đồng theo Luật hợp đồng Trung Quốc bao gồm không thực hiện hoặc thực hiện không phù hợp (không đúng) nghĩa vụ hợp đồng. Dù được định nghĩa, giải thích theo các cách khác nhau nhưng nhìn chung cách hiểu về vi phạm hợp đồng của pháp luật một số quốc gia là việc không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ mà các bên đã thỏa thuận trong hợp đồng. Điều này cũng phù hợp với khái niệm về vi phạm hợp đồng cũng được quy định trong điểm d khoản 3 Điều 1 Công ước về thời hiệu MBHHQT năm 1974, theo đó “vi phạm hợp đồng là việc không thực hiện hợp đồng hoặc bất kỳ sự thực hiện nào mà không phù hợp với hợp đồng”. Với vai trò là luật quốc tế thống nhất về hợp đồng MBHHQT và dung hòa các hệ thống pháp luật khác nhau, các nhà soạn thảo Công ước Viên không tiếp cận khái niệm vi phạm hợp đồng dựa trên sự phân loại vi phạm nghĩa vụ hợp đồng như pháp luật một số quốc gia nói trên, mà thay vào đó họ tiếp cận khái niệm vi phạm hợp đồng dưới góc độ chung nhất. Mặc dù không đưa ra định nghĩa, Công ước Viên tiếp cận khái niệm “vi phạm hợp đồng” theo nghĩa rộng nhất, bao gồm tất cả các hành vi không tuân thủ quy định của hợp đồng như không thực hiện nghĩa vụ, chậm thực hiện nghĩa vụ, thực hiện nghĩa vụ không đầy đủ hoặc không phù hợp mà không phân biệt đó là nghĩa vụ chính hay phụ, kể cả những trường hợp được miễn trách nhiệm [94, tr.18].
  • 36. 31 Trong một số trường hợp, Công ước Viên sử dụng thuật ngữ “không thực hiện nghĩa vụ hợp đồng” theo nghĩa tương đương với thuật ngữ “vi phạm hợp đồng” [11, Điều 79, 80]. Nghĩa vụ của người bán và người mua trong hợp đồng MBHHQT không chỉ phát sinh từ thỏa thuận của các bên trong hợp đồng mà còn từ những quy định của Công ước Viên nếu thuộc các trường hợp áp dụng Công ước quy định tại Điều 1 Công ước. Các nghĩa vụ của người bán và người mua có thể phát sinh từ tập quán mà các bên đã thỏa thuận hoặc thói quen mà các bên đã thiết lập với nhau [11, khoản 1 Điều 9]. Công ước Viên nhấn mạnh rằng, trừ trường hợp các bên trong hợp đồng MBHHQT có thỏa thuận khác, các bên được coi là ngụ ý áp dụng trong hợp đồng hoặc trong việc giao kết hợp đồng một tập quán mà các bên đã biết hoặc phải biết và được biết đến phổ biến trong thương mại quốc tế và được các bên áp dụng một cách thường xuyên đối với các hợp đồng cùng chủng loại trong lĩnh vực thương mại cụ thể liên quan [11, khoản 2 Điều 9]. Bên cạnh đó, khi Công ước Viên được áp dụng để điều chỉnh quan hệ hợp đồng MBHHQT giữa các bên, nghĩa vụ giữa các bên còn có thể được xác định theo các quy tắc của Công ước. Chẳng hạn, khi xác định ý chí của một bên cần phải tính đến mọi tình tiết liên quan, kể cả các cuộc đàm phán, mọi thói quen mà các bên đã thiết lập với nhau, các tập quán và mọi hành vi sau đó của các bên [11, khoản 3 Điều 8]. Như vậy, có thể thấy, nghĩa vụ của các bên trong hợp đồng theo Công ước Viên được xác lập ở 3 cấp: (i) nghĩa vụ dựa trên sự thống nhất ý chí thể hiện ở các điều khoản trong hợp đồng mua bán hàng hoá có liên quan, (ii) nghĩa vụ dựa trên các thói quen hình thành trước đó và ngụ ý áp dụng tập quán thương mại quốc tế; và (iii) nghĩa vụ được xác định theo các quy tắc của Công ước Viên. Bất cứ khi nào Công ước Viên là luật điều chỉnh của hợp đồng, Công ước luôn luôn tuân thủ thứ tự áp dụng hai cấp độ đầu tiên của cấu trúc [127]. Tất nhiên, nếu các bên quả quyết loại bỏ (hoàn toàn) việc áp dụng Công ước Viên, tức là họ sẽ không tuân thủ các điều khoản dẫn tới áp dụng Công ước một cách tự động [11, Điều 6]. Khi đó, Công ước sẽ không ảnh hưởng gì đến các hợp đồng mua bán hàng hoá giữa họ. Do đó, vi phạm hợp đồng theo quy định cùa Công ước Viên được hiểu là việc không thực hiện nghĩa vụ hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ, bao gồm cả những nghĩa vụ được quy định rõ ràng trong hợp đồng mua bán và cả việc một trong hai bên